Toshiba liệu có “bán mình”?
Toshiba đang xem xét lời đề nghị mua lại trị giá 20 tỷ USD từ công ty cổ phần tư nhân CVC Capital Partners để giải quyết khủng hoảng.
Tập đoàn công nghiệp lâu đời của Nhật Bản đang phải đối mặt với áp lực từ các cổ đông trong việc cải thiện quản trị. Họ đang xem xét đề nghị trị giá 20 tỷ USD từ công ty cổ phần tư nhân CVC Capital Partners.
“Toshiba đã nhận được một đề xuất ban đầu vào thứ hai, và đang cân nhắc”, Toshiba cho biết trong một tuyên bố.
Thỏa thuận được đưa ra trong bối cảnh Toshiba phải đối mặt với sự giám sát của các cổ đông hoạt động sau một loạt vụ bê bối, bao gồm một khoản tiền phạt kỷ lục hàng tỷ USD vì sai sót kế toán và vụ sai lầm trong đầu tư vào năng lượng hạt nhân của Mỹ.
Ban lãnh đạo của Toshiba đã phải chịu áp lực từ các quỹ hoạt động kể từ khi bán 600 tỷ yên cổ phiếu cho hàng chục quỹ đầu cơ nước ngoài trong cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ sự phá sản của đơn vị điện hạt nhân ở Mỹ vào năm 2017.
Công ty đã đưa về Giám đốc điều hành Nobuaki Kurumatani, một cựu giám đốc điều hành cấp cao của CVC để sửa chữa niềm tin của các nhà đầu tư. Nhưng ba tuần trước, các cổ đông của Toshiba, dẫn đầu bởi quỹ đầu tư Effissimo Capital Management có trụ sở tại Singapore, đã bỏ phiếu ủng hộ một cuộc điều tra độc lập.
Toshiba cũng đã buộc phải bán phần lớn cổ phần trong mảng kinh doanh chip nhớ, viên ngọc quý của mình để tránh bị hủy niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo.
Cổ phần còn lại của Toshiba trong nhà sản xuất chip nhớ trước đây, Kioxia, là một trong những tài sản còn giá trị nhất của họ. Công ty sản xuất chip nhớ flash NAND này đang xem xét niêm yết cổ phiếu và có thể được định giá hơn 36 tỷ USD trên thị trường hiện tại. Toshiba cũng là đối tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân với Tokyo Electric.
Hồi tháng 12 năm 2020, CEO Kurumatani lên tiếng rằng, Toshiba đã sẵn sàng một lần nữa theo đuổi các thương vụ mua lại và mở rộng kinh doanh.
Nhưng giờ đây, công ty lại đang xem xét một đề nghị đấu thầu có trị giá hơn 20 tỷ USD từ quỹ đầu cơ CVC Capital Partners. Theo Nikkei Asia đưa tin đầu tiên, một đề xuất chính thức có thể được công bố sớm nhất là vào thứ Tư.
Theo dữ liệu của Refinitiv, nếu Toshiba chấp nhận lời đề nghị hiện tại thì đây sẽ là thương vụ do vốn tư nhân dẫn đầu lớn nhất ở Châu Á Thái Bình Dương, vượt qua đề nghị trị giá 6 tỷ USD của Blackstone dành cho Crown Resorts ở Úc. Đây cũng sẽ là thương vụ lớn nhất từ trước đến nay của CVC ở khu vực.
Đối với CVC, thỏa thuận cho thấy một cơ hội mở rộng khác ở Nhật Bản, nơi các công ty lớn đang chịu áp lực bán tài sản không cốt lõi và cải thiện lợi nhuận cho cổ đông. Các thương vụ khác của công ty cổ phần tư nhân này tại Nhật Bản là việc mua lại thương hiệu dầu gội và chăm sóc da của Shiseido với giá 1,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, bất kỳ sự chấp thuận nào của hội đồng quản trị Toshiba sẽ phải đối mặt với sự xem xét của cơ quan quản lý, bởi vì Toshiba, công ty sản xuất các sản phẩm từ thang cuốn đến nhà máy thoát nước, là một trong số ít các công ty có thể xây dựng lò phản ứng hạt nhân và sản xuất các thiết bị nhạy cảm khác, bao gồm cả pin lithium-ion cho tàu ngầm của quân đội Nhật Bản.
Bên cạnh đó, việc tiếp quản phải đối mặt với sự giám sát của chính phủ do liên quan sâu sắc đến việc ngừng vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-Ichi, một quá trình sẽ mất hàng thập kỷ. Chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato cho biết chính phủ Nhật Bản muốn đảm bảo rằng công việc về cơ sở hạ tầng của Toshiba không bị gián đoạn.
Takuro Hayashi, một nhà phân tích tại Iwai Cosmo Securities, cho rằng: “Mặc dù phải đối mặt với phá sản, nhưng Toshiba vẫn là một trong những công ty hàng đầu của Nhật Bản”.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các công ty cổ phần tư nhân đã công bố các giao dịch trị giá 15,1 tỷ USD nhắm vào các công ty Nhật Bản trong 12 tháng qua.
Có thể bạn quan tâm