DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: ST25 và chuyện gian nan "đòi lại" thương hiệu

KHÁNH HÀ 24/04/2021 15:00

Thương hiệu gạo ST25 "ngon nhất thế giới" có nguy cơ bị mất vì một số doanh nghiệp tại Mỹ đang xúc tiến đăng ký quyền bảo hộ, sở hữu trí tuệ.

Những năm qua, người tiêu dùng trong nước rất ấn tượng với thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng (ST) của kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các cộng sự. Đặc biệt hơn, gạo mang thương hiệu ST của ông đã chinh phục đỉnh cao trong làng gạo ngon thế giới.

Chia sẻ về gạo ST25, Chủ tịch VICA Nguyễn Thường Quân ngợi khen đây là loại gạo hội tụ đủ "hương sắc" theo thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay về tiêu chuẩn gạo thơm. "Tôi cho rằng ST25 còn đứng vị ngôi vị gạo ngon trong nhiều năm. Gạo trước khi nấu rất trắng, đều hạt, độ thuần cao. Cơm gạo ST25 dẻo, màu sắc đẹp, khi nhai kết cấu rõ từng hạt, không bị nát và đặc biệt có mùi hương cốm và lá dứa tự nhiên nhè nhẹ. Một ưu điểm khác là khi chan với canh, cơm không bị bở, thích hợp với nhiều món ăn Việt Nam" - ông Quân giải thích.

Ông Hồ Quang Cua cùng gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019.

Ông Hồ Quang Cua cùng gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019.

Theo Chủ tịch VICA, ngoài ST25, Việt Nam hiện có nhiều giống gạo ngon đúng gu người tiêu dùng trong nước và quốc tế với một số tiêu chí như: hạt dài, dẻo, khô nhưng không cứng và có hương thơm, cho thấy chất lượng gạo Việt Nam ngày càng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, gần đây thông tin gạo ST24, ST25 đã bị 4 doanh nghiệp nước ngoài "nhanh tay" đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ vừa được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) xác nhận qua phản ánh của doanh nghiệp. Như vậy, sau cà phê Buôn Ma Thuột và nước mắm Phú Quốc giờ đã có thêm một thương hiệu nông sản của Việt Nam bị doanh nghiệp khác đăng ký thương hiệu ở nước ngoài.

Trả lời trên Tuổi trẻ mới đây, ông Hồ Quang Cua cho biết gạo ST25 đã có giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới năm 2019, và qua thực tế gạo được người tiêu dùng tín nhiệm cao vì là gạo ngon thực sự, được đánh giá ngon hơn các loại gạo ngon lúa mùa nổi tiếng của các nước khác.

"Để tranh thủ cơ hội kinh doanh, nhiều tổ chức ở Hoa Kỳ nhanh tay đăng ký bảo hộ, dù thực ra đối chiếu với khả năng tổ chức sản xuất tại Việt Nam, thời điểm các tổ chức này đăng ký bảo hộ, gạo ST25 đúng chất lượng có thể chưa được tiêu thụ ở nước ngoài", ông Cua nói.

"Tuy nhiên, chúng tôi không có khả năng kinh doanh xuất khẩu và cũng không am hiểu đầy đủ những luật lệ trong sân chơi quốc tế nên không đăng ký bảo hộ sản phẩm ở Hoa Kỳ và các thị trường lớn khác", ông Cua giãi bày.

"Việc các tổ chức bên Hoa Kỳ đăng ký bảo hộ tên gọi sản phẩm là việc làm đúng luật sở tại. Tuy nhiên có thể làm thiệt hại đến các bên liên quan như người tiêu dùng...", ông Cua nói.

Với sự ủng hộ của các phương tiện truyền thông, các cơ quan hữu quan và vì uy tín của sản phẩm Việt, quyền lợi người tiêu dùng... ông sẽ nỗ lực làm thủ tục đăng ký bảo hộ gạo ST25 tại Mỹ.

Ông Vũ Bá Phú - cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng nếu chậm chân hoặc không có động thái sẽ dẫn tới có nguy cơ bị một công ty nào đó của Mỹ đăng ký và được cơ quan Chính phủ Mỹ cấp bảo hộ nhãn hiệu thì khi đó gạo của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, gạo của Việt Nam sẽ không được mang thương hiệu ST25 như được công nhận là loại gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi gạo thế giới. Ngoài ra, nếu muốn có thương hiệu ST25 như vốn có thì khi xuất khẩu vào Mỹ sẽ phải mua lại phí của doanh nghiệp hoặc là người đã đăng ký bảo hộ cho gạo ST25.

Điều này thực ra không phải là mới và đây là câu chuyện cũng khá phổ biến trong thương mại quốc tế từ lâu nay, nhưng gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với tất cả các doanh nghiệp về ý nghĩa, vai trò của thương hiệu trong kinh doanh thương mại quốc tế.

Bởi, khi sản phẩm của doanh nghiệp đã vươn ra thị trường thế giới và cũng là một trong những sản phẩm nổi tiếng thì cần phải có ý thức để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu thương mại. Hay, nói cách khác là cần phải bảo vệ chính thương hiệu của mình.

Còn nhớ, câu chuyện về bà Hai Tỏ, chủ hãng kẹo dừa Thanh Long, lặn lội xông pha đi đòi lại thương hiệu Kẹo dừa Bến Tre ở Trung Quốc có thể là một case truyền cảm hứng cho nhiều người nhưng thời thế đã khác và không phải chủ doanh nghiệp nào cũng có thể trở thành một Hai Tỏ.

Luật Sở hữu trí tuệ đã có, tuy nhiên việc đăng ký bảo hộ trong nước không có tác dụng đối với việc bảo hộ thương hiệu sản phẩm ở nước ngoài. Giá trị và ý nghĩa của thương hiệu thì ai cũng rõ nhưng kiến thức, nguồn lực của doanh nghiệp, của người nông dân không đủ sức bảo vệ sản phẩm của họ ở ngoài biên giới quốc gia.

Chính phủ đã có những động thái chiến lược về thương hiệu quốc gia. Cụ thể, từ năm 2019, Thủ tướng đã có Quyết định 1320 phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến 2030. Trong đó nêu rõ nhiệm vụ của từng bộ, ngành và chính quyền các địa phương. Những năm qua, việc chú trọng hướng dẫn đăng ký và vinh danh các thương hiệu được chứng nhận là thương hiệu quốc gia được tổ chức khá tốt; trị giá thương hiệu quốc gia cũng tăng rõ rệt. Theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam là quốc gia có mức tăng trưởng thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới trong năm 2020, tăng hạng chín bậc và xếp thứ 33 trong top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

Tuy nhiên, với những sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ mà Việt Nam có thế mạnh, nếu không có chính sách ràng buộc chặt chẽ hơn thì việc nổi tiếng trong nước cũng chỉ là “ta nói cho ta nghe, ta bán và ta mua”. Còn sản phẩm chất lượng cao có thể bị mạo danh, bị cướp đi danh tiếng ở thị trường quốc tế mà ST25 mới đây và nhiều sản phẩm trước đó là các ví dụ cụ thể.

Nhà nước không làm thay doanh nghiệp trong việc đăng ký và bảo vệ nhãn hàng ở nước ngoài, điều này được đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh nhiều lần. Đó là một quan điểm đúng, buộc doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm và sự chủ động. Tuy nhiên, hỗ trợ doanh nghiệp và người nông dân trong cuộc chiến này cũng có nghĩa là bảo vệ lợi ích quốc gia, tạo nền tảng cho sự lớn mạnh của các sản phẩm thì cần có chiến lược, trách nhiệm cụ thể hơn, sự ràng buộc lớn hơn, đầu tư nhiều hơn về kiến thức, kỹ năng, nguồn lực, sự vận hành chủ động và liên kết chặt chẽ, nhịp nhàng. Cần có sự đảm bảo mà tầm của một quyết định như Quyết định 1320/2019 của Thủ tướng e rằng chưa đủ đáp ứng.

Trong Quyết định 1320 có nội dung giao cho Bộ Công Thương hệ thống, rà soát và xây dựng các văn bản pháp quy cho thương hiệu quốc gia. Nên chăng Chính phủ giao Bộ Công Thương xây dựng và trình Quốc hội một đạo luật về thương hiệu quốc gia. Khi đó, không chỉ tên gọi văn bản đúng với cái tầm vấn đề mà nó điều chỉnh, mà khả năng điều chỉnh của luật này sẽ là bệ đỡ cho sự phát triển thương hiệu trong nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Người

    Người "chìm nổi" với “hạt ngọc” ngon nhất thế giới

    03:14, 23/04/2021

  • Chính thức công nhận đặc cách lúa ST25

    Chính thức công nhận đặc cách lúa ST25 "gạo ngon nhất thế giới"

    11:00, 31/12/2019

  • Tận dụng đòn bẩy Thương hiệu Quốc gia Việt Nam

    Tận dụng đòn bẩy Thương hiệu Quốc gia Việt Nam

    01:09, 21/04/2021

  • Thương hiệu nào đang chiếm lĩnh thị trường xe máy điện Việt Nam?

    Thương hiệu nào đang chiếm lĩnh thị trường xe máy điện Việt Nam?

    16:39, 10/04/2021

KHÁNH HÀ