Viettel Media “tự thân vận động”
Công ty truyền thông Viettel (Viettel Media) mới đây đã công bố dự án Sáng kiến Phim Trẻ 360.
Dự án ra đời nhằm mục đích tìm kiếm, phát hiện và tài trợ cho cho các nhà làm phim trẻ làm phim độc lập.
Thực chất, đây là bước đi bắt buộc của Viettel Media nếu muốn giành giật thị trường phim trực tuyến (streaming) tại Việt Nam với các “ông lớn” nước ngoài.
Cuộc chiến phim trực tuyến
Phim trực tuyến là một thị trường đang lên như diều. Các ông lớn đều muốn có phần. Ngoài Netflix, Disney còn có Warner, HBO, Discovery cũng nhảy vào cung cấp dịch vụ, làm chiến trường này càng ngày càng khốc liệt.
“Ông cả” Netflix gia nhập Việt Nam từ năm 2016. Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Netflix đã đạt gần 40 tỷ USD, hơn 200 triệu người dùng toàn thế giới. Ban đầu, Netflix thu hút được một lượng lớn khán giả nhờ một kho phim đồ sộ, gồm nhiều phim của rất nhiều hãng làm phim lớn khác nhau như Disney, Pixar, 20 Century Fox…
Nhìn thấy sự thành công của Netflix, các ông lớn ngành phim không thể ngồi yên. Họ muốn chia phần. Điển hình là Disney. Họ lần lượt rút các phim có nội dung bản quyền của mình ra khỏi Netflix. Việc này khiến Netflix lao đao, tăng trưởng chững lại mất một thời gian, mặc dù Netflix đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước.
Để vững chân, chắc chắn Viettel Media sẽ cần thêm nhiều “vũ khí” khác như những bộ phim hay, nhiều sự lựa chọn…
Không phải Netflix không nhìn thấy được nguy cơ này. Tám năm trước đây, Netflix đã bắt đầu bỏ tiền đầu tư vào việc làm phim. Những phim được Netflix bỏ tiền vào được biết đến với tên gọi Netflix Originals. Chính những bộ phim “tự thân vận động” này đã giúp Netflix được độc lập, tự chủ được “số phận” mình, không bị phụ thuộc vào các hãng phim bên ngoài.
Không chỉ có thế, các bộ phim tự đầu tư lại là vũ khí để Netflix cạnh tranh trên thị trường phim trực tuyến ngày càng chật chội khi Disney, Apple, Discovery cũng nhảy vào giành giật. Cũng chính vì thế, nên các hãng phim trực tuyến muốn sống đều phải đầu tư rất mạnh vào làm phim. Trong năm 2020, Netflix đã đầu tư 17 tỷ USD vào làm phim, còn Disney+ lên kế hoạch đầu tư khoảng 14 - 16 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2024.
Thực tế đã cho thấy, đầu tư làm phim chính là một trong những yếu tố sống còn của các hãng phim trực tuyến.
Bước đi bắt buộc
Keeng Movie, kênh phim trực tuyến “made in Việt Nam”, là một sản phẩm của Viettel Media, chính thức ra mắt năm 2018 và nhanh chóng cán mốc 2 triệu người sử dụng sau một năm thăm dò thị trường. Tận dụng lợi thế 60 triệu thuê bao Viettel và 10 triệu người sử dụng Keeng Music để phát triển, nhưng nếu so ra dịch vụ phim trực tuyến này của Viettel vẫn chưa là gì so với các “ông lớn” trong ngành.
Viettel Media không có “vũ khí” gì đủ mạnh để chiến đấu với các đối thủ như Netflix và các “ông lớn”. Người xem có lí do gì phải mua dịch vụ của Viettel Media, trong khi các phim kinh điển, bom tấn, hay thậm chí cả hàng loạt phim Việt Nam ăn khách đều có mặt trên Netflix? Chưa kể, Viettel sẽ lâm vào khó khăn khi các hãng phim có thể rút phim của mình ra khỏi nền tảng của Viettel bất kỳ lúc nào như Disney đang làm với Netflix.
Thành thử, Viettel Media buộc phải tìm cách trang bị cho mình những vũ khí tự chủ và cạnh tranh quan trọng. Nhìn từ kinh nghiệm các hãng phim trực tuyến thế giới, Viettel Media phải đầu tư vào việc làm phim. Một trong các phương án đó là đầu tư cho các nhà làm phim độc lập (indie) trẻ, bằng dự án Sáng kiến Phim Trẻ 360, và đương nhiên Viettel Media sẽ độc quyền khai thác.
Đồng thời đây cũng là một ý tưởng không tồi, khi mà thời gian vừa qua các nhà làm phim độc lập của Việt Nam đã gây được nhiều ấn tượng sâu sắc trên thị trường, như: Phan Đăng Di (Bi, đừng sợ; Chàng dâng cá, nàng ăn hoa), Lương Đình Dũng (Cha cõng con; Trần Thanh Huy (Ròm),...
Đó là một phương án Viettel Media buộc phải làm để có thể tự chủ đứng trên thị trường và cạnh tranh lại các đại gia nước ngoài trên thị trường Việt Nam.
Chúng ta hãy chờ xem!
Có thể bạn quan tâm