"Cấp cứu" doanh nghiệp hàng không (kỳ II): Cấp bách tái cấp vốn

THY HẰNG 03/08/2021 12:04

Ngành hàng không đang là những "con bệnh" cần trợ thở. Nếu không được hỗ trợ, các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, thậm chí dẫn đến tình trạng kiệt quệ tài chính.

Theo các chuyên gia, hàng không gánh vác trọng trách rất to lớn, không chỉ trong phát triển kinh tế, mà còn nắm giữ vị trí trọng yếu trong các vấn đề chính trị, quân sự và đảm bảo chủ quyền quốc gia. Ngành hàng không Việt Nam phát triển vượt bậc như giai đoạn vừa qua, có sự đóng góp của mọi hãng hàng không, từ Vietnam Airlines đến các hãng hàng không tư nhân như Bamboo Airways, VietJet Air… tạo kết nối thông thương trong nước và quốc tế.

với tình trạng tài chính các hãng hàng không hiện nay, phá sản là viễn cảnh khó tránh nếu Quốc hội, Chính phủ không tìm cách giải cứu.

Với tình trạng tài chính các hãng hàng không hiện nay, phá sản là viễn cảnh khó tránh nếu Quốc hội, Chính phủ không tìm cách giải cứu.

Những "con bệnh" cần trợ thở

Thời điểm trước dịch, theo số liệu thống kê và báo cáo của các doanh nghiệp, tính riêng Vietnam Airlines, Vietjet, ACV, VATM, có tới bốn vạn cán bộ, nhân viên, tạo ra doanh thu khoảng 180.000 tỷ đồng/năm.

Nói như TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, hàng năm, ngành hàng không tạo ra doanh thu khoảng 200.000 tỷ đồng. Riêng về ngân sách, ngành hàng không đóng góp trên 22.000 tỉ đồng thuế và phí/năm.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 và đặc biệt là làn sóng dịch lần thứ tư rất khốc liệt và đang bào mòn sức khỏe của ngành hàng không. Với diễn biến của dịch bệnh hiện nay, rất khó đoán định khi nào đại dịch sẽ kết thúc. Do đó, khó khăn vẫn lơ lửng trên đầu doanh nghiệp.

“Ngành hàng không đang là những con bệnh cần trợ thở. Nếu không được hỗ trợ, các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, thậm chí dẫn đến tình trạng kiệt quệ tài chính. Nếu không được xử lý sẽ tạo ra chi phí tái cấu trúc nặng nề cho ngành hàng không trong tương lai", PGS,TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, với tình trạng tài chính các hãng hàng không hiện nay, phá sản là viễn cảnh khó tránh nếu Quốc hội, Chính phủ không tìm cách giải cứu. 

Do đó, chuyên gia nhấn mạnh, Chính phủ cần thực hiện nhiều giải pháp cùng lúc, không chỉ là tái cấp vốn, cho vay ưu đãi, mà còn cần giãn, hoãn thuế, trợ cấp trả lương cho người lao động, tài trợ, hỗ trợ phí cho các ghế trống, hỗ trợ mua và trả trước tiền vé máy bay... cho các hãng hàng không có nguồn lực tối thiểu, đi qua khó khăn đại dịch. 

Ngân hàng “sập cửa” cho vay

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có Vietnam Airlines nhận được gói cứu trợ dạng vay ưu đãi trị giá 4.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn trong cả gói 12.000 tỷ đồng theo Nghị quyết của Quốc hội.

Trong khi đó, các hãng hàng không tư nhân như VietJet Air, Bamboo Airways… cũng trong tình trạng kiệt quệ tài chính và chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào và đang phải đối mặt với vấn đề vốn mà hầu hết các nhà băng đều “quay lưng”.

Ngoài Vietnam Airlines, ác hãng hàng không tư nhân như VietJet Air, Bamboo Airways… cũng trong tình trạng kiệt quệ tài chính và chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào

Ngoài Vietnam Airlines, các hãng hàng không tư nhân như VietJet Air, Bamboo Airways… cũng trong tình trạng kiệt quệ tài chính và chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào.

Theo lý giải của TS. Nguyễn Quốc Hùng, hiện các hãng hàng không đều dừng hoạt động hoặc hoạt động không đáng kể, không có doanh thu, doanh thu thu hẹp hoặc kinh doanh thua lỗ, phương án sản xuất kinh doanh chắc chắn không đảm bảo hiệu quả, nên gần như không có cửa tiếp cận vốn ngân hàng.

Đại dịch Covid-19 kéo dài gần hai năm qua, các hãng hàng không Việt Nam đã phải nỗ lực hết sức để cầm cự, duy trì hệ thống. Tuy nhiên, với tính chất đặc thù ngành dịch vụ, chi phí cao, sức chống chịu của doanh nghiệp đang suy yếu và đối mặt với thách thức phá sản nếu không có những hỗ trợ đặc biệt.

Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ một số giải pháp như: áp dụng “hộ chiếu vắc-xin”, nới lỏng quy định về đi lại, cách ly với những người đã tiêm đủ liều vắc-xin, có kế hoạch sớm khai thác trở lại các đường bay quốc tế. Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng cho các hãng hàng không tư nhân Bamboo Airways, Vietjet Air. Thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần....

"Chúng tôi đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép giảm thuế bảo vệ môi trường, áp dụng mức giảm 70% cho các hãng hàng không đến ngày 30/6/2022. Bên cạnh đó, Nhà nước nên tiếp tục giảm giá, phí dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không; xem xét giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo phục vụ ngành hàng không từ nay đến hết năm 2022", TS. Bùi Doãn Nề đề xuất.

Trong khi đó, TS Cấn Văn lực đề xuất: “Chính phủ xem xét, có phương án hỗ trợ phù hợp, khả thi đối với các hãng hàng không tư nhân - cho vay hỗ trợ lãi suất khoảng 3-4%/năm so với vay thương mại, thời hạn vay vốn từ 1-2 năm. Đồng thời giảm một số thuế, phí phù hợp ngoài các hỗ trợ đang thực hiện”.

Đóng góp của ngành Ngân hàng trong việc "giải cứu" ngành hàng không, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết: "Ngành Ngân hàng không thiếu vốn. Các TCTD cũng đang cho vay theo đúng quy định, và việc cho vay vẫn phải có tài sản bảo đảm. Vấn đề ở đây là cơ chế. Làm sao tạo ra cơ chế để cho các doanh nghiệp hàng không tiếp cận được với các ngân hàng, từ đó các ngân hàng có thể giải quyết cho vay theo đúng quy định. Có như vậy, mới có thể tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không đang gặp phải, đặc biệt với các hãng hàng không tư nhân".

Trên thực tế, do vai trò quan trọng của ngành hàng không đối với nền kinh tế của một quốc gia, nên Chính phủ các nước cũng đang triển khai nhiều gói hỗ trợ ngành hàng không. Năm 2020, các nước đã chi khoảng 200 tỷ USD để hỗ trợ các hãng hàng không, dự kiến năm 2021 sẽ chi thêm khoảng 84 tỷ USD. 

Kỳ III: Bài học từ các quốc gia

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành hàng không đang cần

    Ngành hàng không đang cần "trợ thở"

    05:00, 03/08/2021

  • "Cấp cứu" doanh nghiệp hàng không (kỳ I): Khủng hoảng lan toả

    15:29, 02/08/2021

  • Chìa khóa cho hàng không phục hồi bền vững

    Chìa khóa cho hàng không phục hồi bền vững

    04:00, 15/07/2021

  • Kịch bản phục hồi cho thị trường hàng không

    Kịch bản phục hồi cho thị trường hàng không

    04:00, 13/07/2021

THY HẰNG