Nông nghiệp “thăng hoa” từ mô hình AGINE?
AGINE Thái Bình là mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và năng lượng tái tạo.
TS. Mai Huy Tân, Chủ tịch Công ty THDV chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế tuần hoàn AGINE vừa được tổ chức mới đây tại Thái Bình.
Đi sâu phân tích mô hình AGINE, TS. Mai Huy Tân cho biết, trong lĩnh vực trồng trọt, với 1.500 ha cánh đồng lúa, trồng 2 vụ/năm và 1 vụ ngô sinh khối để làm thức ăn chăn nuôi. Tại tỉnh Hậu Giang, người nông dân trồng 3,5 vụ lúa ngắn ngày/năm, còn tại Thái Bình, ông Tân đề xuất thay 0,5 vụ lúa bằng một vụ ngô sinh khối và chuyển giống lúa hiện nay sang giống lúa CXT30.
Thu nhập vượt trội
Giống này từ lúc gieo mạ đến khi thu hoạch chỉ trong khoảng thời gian từ 88 đến 92 ngày. CXT30 khi trồng thử nghiệm tại nông trường Cờ Đỏ (Cần Thơ) đã đạt năng suất 13,6 tấn thóc/ha/vụ.
Ông Tân dự kiến, tại Thái Bình với điều kiện bón đủ phân hữu cơ, không sử dụng phân hóa học sẽ đạt 10 tấn/ha. Với 2 vụ lúa, thu hoạch khoảng 20 tấn thóc/ha/năm và 75 tấn ngô sinh khối/ha/năm. Còn 200 cánh đồng trồng cỏ voi là để tạo ra nguồn thức ăn chăn nuôi cho bò thịt và nguồn biogas nhằm tạo ra năng lượng tái tạo và phân hữu cơ vi sinh.
Người nông dân vẫn là chủ thể trên diện tích canh tác của mô hình này. Tuy nhiên, những hợp phần thuộc chủ đầu tư tổ hợp AGINE là trang trại bò thịt Angus (tên đầy đủ là Aberdeen Angus) - một giống bò thịt có nguồn gốc từ vùng cao nguyên phía Bắc Scotland được du nhập vào Bắc Mỹ và Australia từ hơn 100 năm nay.
Trong quá trình phát triển và cải tạo, giống bò này đã đạt được những phẩm chất rất tốt, một con bò Angus 24 tháng tuổi có trọng lượng thịt khoảng 800 đến 850 kg. Nhưng quan trọng hơn là chất lượng thịt bò Angus tương đương với thịt bò Kobe, và được bán với giá 500 USD/kg.
Thịt bò Angus hiện đang được dùng phổ biến tại những khách sạn cao cấp và chủ yếu phục vụ cho tầng lớp trung lưu. Thịt bò Angus nhập khẩu và bán tại các khách sạn tại Hà Nội hay TP.HCM có giá khoảng 2 triệu đồng/kg.
Nuôi một con bò Angus, lượng thịt xẻ thu được bằng 5 con bò vàng của Việt Nam. Về nuôi gà thịt, trang trại có công suất 6,3 triệu con froyen chất lượng cũng rất cao.
Phân tích về tính kết nối và tính liên hoàn, theo ông Tân, than sinh học là vật chất hiệu quả trong nông nghiệp hữu cơ và được chế biến từ rơm và trấu là những phế phụ phẩm trong ngành trồng lúa.
Than sinh học được sử dụng trong các nhà máy phân hữu cơ vi sinh, đồng thời cũng được sử dụng trong nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Than sinh học khi vào dạ dày vật nuôi sẽ có tác dụng phụ làm tăng khả năng hấp thụ thức ăn.
Với gạo, tấm và cám sẽ được đưa vào chế biến bằng công nghệ hiện đại của Thụy Sĩ và Nhật Bản và có thương hiệu gạo hữu cơ Thái Bình nếu được ứng dụng tại Thái Bình. Hiện nay, mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới nhưng hoàn toàn không có thương hiệu gạo hữu cơ.
Bởi vì chúng ta trồng lúa bằng phân hữu cơ và dùng nhiều thuốc trừ sâu, việc này đã làm cho đất bị thoái hóa. Trong khi thế giới lại không công nhận gạo Việt Nam là gạo hữu cơ. Chúng ta chỉ xuất khẩu gạo với giá 450 đến 500 USD/tấn, còn gạo hữu cơ đặt khi trên kệ các siêu thị sẽ có giá 3 USD/kg, tương đương 3.000 USD/tấn.
“Do đó, từ thay đổi sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu sang sử dụng phân hữu cơ vi sinh là một cuộc cách mạng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam”, ông Tân nói.
Còn đối với khối tuần hoàn trong khu vực chăn nuôi, từ trang trại nuôi bò thịt, chất thải được chuyển vào nhà máy biogas để tạo ra điện và nhiệt. Nhiệt dùng để sấy khô thóc trước khi đưa vào xay sát, điện dùng phục vụ cho toàn bộ hệ thống.
Ông Tân cho rằng, điều quan trọng hơn là bã hữu cơ lại được tái sử dụng làm phân hữu cơ vi sinh cùng các thành phần hữu cơ khác, ví dụ than sinh học được chuyển thành phân hữu cơ vi sinh, rơm và cỏ được băm nhỏ và ủ để chuyển thành phần hữu cơ vi sinh. Tổ hợp này tự sản xuất phân hữu cơ vi sinh để quay trở lại phục vụ cho cánh đồng lúa và cỏ.
Với chất thải của gà, sẽ được trộn với rơm băm nhỏ và chuyển hóa thành giá thể hữu hữu cơ để trồng nấm bằng công nghệ Hà Lan với công suất thu hoạch khoảng 5.000 tấn nấm/năm.
Theo tính toán của ông Tân, từ những phế thải tưởng trừng không có giá trị như phân gà và rơm được băm nhỏ sẽ tạo ra doanh thu lên tới 50 triệu USD/năm. Cụ thể, với 1kg nấm trên thị trường có giá là 360.000 đồng đến 400.000 đồng/kg, quy đổi tương đương vào khoảng 10 USD, tức là hơn 200.000 đồng/kg. Như vậy, 1 tấn nấm sẽ bán được 10.000 USD, 5.000 tấn nấm sẽ là 50 triệu USD.
“Số tiền này có được từ mô hình kinh tế tuần hoàn, và 50 triệu USD này được tạo ra từ chất thải của gà và rơm”, ông Tân nhấn mạnh.
Thị trường là vấn đề then chốt
Và câu hỏi được đặt ra, vậy doanh nghiệp nào có thể triển khai được dự án AGINE tại Thái Bình? Ông Tân khẳng định, Tập đoàn Hương Sen có đủ tiềm lực và công nghệ để triển khai dự án.
Với tiềm năng đất đai của tỉnh Thái Bình, ông Tân tin tưởng Tập đoàn Hương Sen có đủ khả năng mỗi năm quay vòng vốn một lần. Và từ tổ hợp đầu tiên được khởi công vào năm 2022, đi vào hoạt động vào năm 2024, Tập đoàn Hương Sen có thể nhân lên với cấp số nhân với công bội là 2.
“Để đến năm 2030 Tập đoàn Hương Sen sẽ có 49 tổ hợp AGINE tại tỉnh Thái Bình, phủ kín toàn bộ 76.000 ha đất trồng lúa và mang lại GRDP từ tổ hợp này là 6 tỷ USD/năm, tương đương 150.000 tỷ đồng/năm”, ông Tân nói.
Trao đổi về mô hình này, ông Trần Văn Sen, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Hương Sen khẳng định, Tập đoàn Hương Sen luôn hướng tới mục tiêu sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường.
“Phát triển kinh tế tuần hoàn đã và đang là xu hướng của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt, giúp giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường”, ông Trần Văn Sen bày tỏ.
Ông Trần Văn Sen đánh giá, so với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích. Tại các quốc gia phát triển, ứng dụng kinh tế tuần hoàn đã giúp giải quyết phần nào những thách thức của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đại dịch COVID-19 cũng đang định hình rõ hơn xu hướng đầu tư bền vững.
Theo đuổi triết lý phát triển bền vững, ông Trần Văn Sen cho biết, sau thời gian dài chuẩn bị, tới đây Tập đoàn Hương Sen cùng các đối tác, tập đoàn trong và ngoài nước sẽ triển khai nhiều dự án mới, đưa công nghệ hiện đại của thế giới về Việt Nam.
Đơn cử, như dự án điện công nghệ sạch – thuỷ khí nén, dự án điện rác, toà nhà trung tâm tài chính tương lai, nhà máy cà phê, dự án thành phố ngôi sao, bệnh viên khách sạn Hương Sen, Toà nhà điện gió , dự án thu hồi khí thải CO2…
Đánh giá về dự án, ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình cho biết, các cấp lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, ủng hộ và mong muốn Tập đoàn Hương Sen sẽ ứng dụng tại địa phương.
Chủ trương của Thái Bình là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư để nâng cao giá trị sản xuất, đưa khoa học – công nghệ tiến bộ vào sản xuất, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, vấn đề then chốt nhất là phải có thị trường. Ví dụ, nấm sẽ tiêu thụ ngay tại Thái Bình, các tỉnh lân cận, cả nước hay xuất khẩu? Sản phẩm nấm có đủ sức cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa hay xuất khẩu hay không?
Là người có nhiều năm công tác trong ngành thương mại, và cũng là người mở những siêu thị đầu tiên tại Hà Nội cách đây 26 năm, chuyên gia Vũ Vinh Phú rấ “thấm thía” với bài toán “hiệu quả kinh tế”.
Có thể bạn quan tâm
Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp
03:00, 29/10/2021
Kinh tế tuần hoàn: Tương lai của tăng trưởng kinh tế bền vững
12:37, 20/10/2021
Ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong xử lý chất thải điện tử
23:48, 16/10/2021
Kinh tế tuần hoàn - tương lai của tăng trưởng kinh tế bình đẳng và bền vững
04:51, 15/10/2021
Kinh tế tuần hoàn - “kim chỉ nam” của chuỗi đô thị cao cấp The Manor
08:30, 25/06/2021
Kinh tế tuần hoàn là tương lai của doanh nghiệp
04:11, 01/04/2021
La Vie tham gia vào kinh tế tuần hoàn
13:26, 14/12/2020