Công nghiệp chủ lực phải là những “đầu tàu”
Theo ông Lê Vĩnh Sơn- Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội: Xây dựng nền công nghiệp vững mạnh, phải có các sản phẩm chủ lực, trở thành những “đầu tàu”.
>> Cộng hưởng nguồn lực
Ông Lê Vĩnh Sơn cho biết, sau gần 4 năm triển khai Đề án “Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần phát triển công nghiệp Thành phố, xứng tầm với vai trò, vị trí trung tâm, đầu tàu của Thủ đô Hà Nội.”
Trong suốt thời gian này chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội đã công nhận 117 sản phẩm của 77 doanh nghiệp đạt danh hiệu sản phẩm sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố. Mỗi năm, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt doanh thu gần 200.000 tỷ đồng, chiếm gần 35% tổng giá trị sản xuất công nghiệp Thành phố Hà Nội; Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD với 80.000 lao động. Năm 2021, 77 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố Hà Nội đã nộp thuế 8.000 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp có sản phẩm được thành phố công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực phần lớn là các doanh nghiệp có quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, có khả năng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Các thành viên của Hiệp hội là những doanh nghiệp năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đi đầu trong đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, góp phần tăng năng suất lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững ngành sản xuất công nghiệp Thủ đô.
- Xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp, Việt Nam tăng từ vị trí 58 năm 2015 lên thứ 42 vào năm 2019. Tuy nhiên, để phát triển ngành công nghiệp đi vào chiều sâu, theo ông đâu là những lĩnh vực chủ lực Việt Nam cần tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển?
Theo định hướng, Việt Nam sẽ phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; có ý nghĩa nền tảng tác động lan tỏa cao đến các ngành kinh tế khác; sử dụng các công nghệ sạch, thân thiện môi trường. Quan trọng hơn là ngành có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, cần có lộ trình để đạt được hiệu quả tối ưu nhất.
Cụ thể, giai đoạn từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần tập trung ưu tiên phát triển các ngành: Công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử; Công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh; Công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Tiếp theo đó là các ngành: Công nghiệp dệt may, da giày, nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; Một số ngành, lĩnh vực cơ khí trọng điểm như: ôtô, máy nông nghiệp, thiết bị công nghiệp, điện, thiết bị y tế…
Giai đoạn 2030 - 2045, Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên và đẩy mạnh phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông; ngành công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học.
- Xây dựng lực lượng lao động bền và vững cho tương lai số hóa bao trùm
- Kinh tế tuần hoàn: Tương lai của tăng trưởng kinh tế bền vững
- Hiện nay, Chính phủ đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, theo ông đâu là giải pháp căn cơ để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực vươn lên thành những đầu tàu góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp cũng như nền kinh tế?
Đại dịch COVID- 19 đã tác động rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Thủ đô nói riêng. Để hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp phục hồi và phát triển, Chính phủ cần có những hỗ trợ thiết thực tập trung vào các vấn đề sau:
Thứ nhất, Chính phủ cần nhanh chóng có ngay các giải pháp cụ thể hoá Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để khôi phục, phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trên tinh thần an toàn trước dịch bệnh.
Thứ hai, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm và nâng tỷ lệ bao phủ vaccine đối với các doanh nghiệp; có các hướng dẫn cụ thể hơn về y tế tại chỗ đối với khu vực kinh tế này, nhất là hướng dẫn cách ly y tế khi phát hiện có các ca F0, F1, tránh tình trạng bị đóng cửa toàn bộ nhà máy.
Thứ ba, thu xếp, bố trí nguồn lực để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất thông qua các chính sách tài chính, tài khóa như việc miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, giãn nợ, xóa nợ, cơ cấu lại nguồn vay, giãn nộp tiền BHXH, BHYT, kinh phí công đoàn, rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu xuống 15 năm, tiến tới xuống 10 năm, giảm tiền điện, nước, cước viễn thông, cước vận chuyển.
Thứ tư, Chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động, ổn định đời sống. Cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa các cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta đã tham gia mang lại.
Thứ năm, khi xét duyệt sản phẩm công nghiệp chủ lực, Thành phố cần đề cao tiêu chí về công nghệ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới và áp dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ sáu, ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các phương án hoạt động để đối phó kịp thời với các diễn tiến của dịch COVID- 19, nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng hoạt động và khả năng chống chọi với cú sốc cả bên trong và bên ngoài để phát triển bền vững.
- Xin ông cho biết các giải pháp tăng cường kết nối giữa các hội viên cũng như đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực với các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ để thúc đẩy ngành công nghiệp của Hà Nội phát triển?
Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI) đã và sẽ luôn là cầu nối giúp các doanh nghiệp thành viên được tiếp cận sớm nhất với những chính sách, ưu đãi, chương trình xúc tiến, khuyến công, hỗ trợ phát triển khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực của Thành phố nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp đáp ứng sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh; tích cực hội nhập và đóng góp ngày càng nhiều cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
HAMI cũng là diễn đàn hợp tác, cầu nối giao thương, để cùng phát triển giữa các doanh nghiệp trong và ngoài Hội. Từ đó, tạo nên sức mạnh để trở thành lực lượng xung kích thực hiện các nhiệm vụ chính trị và kinh tế quan trọng của Thành phố Hà Nội, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, và phát triển vững mạnh của Việt Nam nói chung và của Thủ đô trong tương lai.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm