Vietnam Airlines "lấn sân" thương mại điện tử

KHÁNH HÀ 22/11/2021 14:42

Sàn thương mại điện tử của Vietnam Airlines tập trung hơn 300 sản phẩm từ các quốc gia mà hãng này có đường bay.

>>>Thương mại điện tử vào mùa “đại chiến” cuối năm

Mới đây, hãng hàng không Vietnam Airlines bất ngờ thông báo ra mắt sàn thương mại điện tử mang tên VnaMall. Theo hãng hàng không quốc gia, sàn TMĐT này sẽ cung cấp hơn 300 sản phẩm độc đáo, "mang đậm dấu ấn hàng không".

 sàn TMĐT này sẽ cung cấp hơn 300 sản phẩm độc đáo,

Sàn TMĐT của Vietnam Airlines sẽ cung cấp hơn 300 sản phẩm độc đáo, "mang đậm dấu ấn hàng không".

Trên website VnaMall, các sản phẩm hiện được chia thành 4 nhóm chính: thực phẩm trên mây, rượu vang, hoa quả và các đặc sản vùng miền. Trong đó, thực phẩm trên mây chủ yếu là các loại bánh ngọt, trà và cả... cơm văn phòng, được chế biến bởi Noibai Catering Servies (NCS). Mức giá cũng khá bình dân, tương đương với giá trên thị trường.

Danh mục rượu vang đa dạng hơn, với nhiều sản phẩm và mức giá, rẻ thì 350.000 đồng, đắt thì 1.500.000 - 3.000.000 đồng. Ngoài ra, sàn VnaMall cũng kết nối với các thương hiệu trong nước để bán nông sản, đặc sản vùng miền như macca, gạo, mì,...

Hiện tại, so với các ông lớn TMĐT như Tiki, Lazada, Shopee thì số lượng sản phẩm của VnaMall chỉ đáng số lẻ. Tuy nhiên, danh mục hàng hóa của tân binh này rất có thể sẽ đa dạng hơn nữa khi trong quy định hồ sơ pháp lý với nhà bán hàng, VnaMall đã có quy định rất cụ thể cho từng ngành hàng, từ thực phẩm, hóa phẩm, làm đẹp đến nội thất, điện gia dụng, đồ chơi, hàng điện tử, thời trang, voucher dịch vụ,.. Đơn vị này còn úp mở việc ra mắt dòng sản phẩm đồng thương hiệu Vietnam Airlines, liên quan đến ly thủy tinh, bình đun nước,...

Trải nghiệm mua hàng từ khâu chọn sản phẩm đến thanh toán trên website VnaMall khá mượt mà. Tuy nhiên, hình thức giao hàng và thanh toán còn khá hạn chế. Người dùng không được lựa chọn đơn vị vận chuyển và sàn chỉ chấp nhận thanh toán qua VnPay QR hoặc Interner Bank với thẻ tín dụng, không chấp nhận thanh toán tiền mặt. Phí giao hàng khá cao, cũng không rõ đơn hàng sẽ được giao từ đâu.

Động thái mở sàn TMĐT được cho là nỗ lực cứu vớt hoạt động kinh doanh của hãng hàng không quốc gia, sau 2 năm thua lỗ hàng chục nghìn tỷ vì ảnh hưởng của Covid-19.

Trong nửa đầu năm 2021, tổng doanh thu của Vietnam Airlines giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của mảng bán hàng hóa giảm khoảng 26% nhưng tỷ trọng cải thiện từ 14% lên 18%.

Ngày 30/11 tới đây, Vietnam Airlines sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường năm 2021. Một trong những nội dung chính của đại hội là thảo luận việc sửa đổi và bổ sung danh sách ngành nghề kinh doanh.

Cụ thể, Vietnam Airlines dự định thêm các ngành nghề: Cho thuê xe có động cơ; bán lẻ theo yêu cầu đặt hàng qua bưu điện hoặc Internet; chuyển phát; vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành; vận tải hàng hóa bằng đường bộ; sản xuất và phát hành phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình, ...

  • DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Du lịch tìm khách trên sàn thương mại điện tử
  • Sàn thương mại điện tử chỉ nộp thuế thay cho người uỷ quyền

Năm 2019, Vietjet Air cũng đã từng chia sẻ về kế hoạch ra mắt một nền tảng thương mại điện tử, cung cấp mọi thứ từ các dịch vụ tài chính đến hàng tiêu dùng.

TMĐT đặc biệt bùng nổ từ năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Theo báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng trung bình của TMĐT giai đoạn 2016-2019 khoảng 30%. Quy mô bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 11,5 tỷ USD năm 2019.

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc TOP 3 trong khu vực Đông Nam Á. Báo cáo TMĐT Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company, cũng cho thấy TMĐT Việt Nam năm 2020 tăng 16%, đạt quy mô trên 14 tỷ USD.

Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng đến 46%. Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29%. Tới năm 2025, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ đạt 52 tỷ USD.

Còn báo cáo Facebook cuối tháng 6/2021 cho thấy mua sắm qua TMĐT sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng mới. Đây cũng chính là lý do nhiều doanh nghiệp gia nhập thị trường này.

Tuy nhiên, thị trường này cũng liên tục chứng kiến sự ra đi của hàng loạt website TMĐT đình đám như Lotte.vn, Adayroi, Robins.vn...

Có thể bạn quan tâm

  • Sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay người bán khó khả thi

    Sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay người bán khó khả thi

    04:00, 18/11/2021

  • Thương mại điện tử vào mùa “đại chiến” cuối năm

    Thương mại điện tử vào mùa “đại chiến” cuối năm

    02:00, 14/11/2021

  • “Sức mạnh” thương mại điện tử trong đại dịch

    “Sức mạnh” thương mại điện tử trong đại dịch

    19:28, 11/11/2021

  • DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Du lịch tìm khách trên sàn thương mại điện tử

    DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Du lịch tìm khách trên sàn thương mại điện tử

    05:08, 07/11/2021

KHÁNH HÀ