Doanh nghiệp mong chờ gói hỗ trợ đủ "kích thích"

THY HẰNG 26/11/2021 04:00

Doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ tung ra các gói kích thích đủ lớn với thủ tục tối giản để chính sách có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng, thúc đẩy phục hồi sản xuất của doanh nghiệp và nền kinh tế.

>>Doanh nghiệp hàng không lo ngại sẽ “biến mất” khỏi thị trường

Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn DABACO Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam nhấn định, các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp đã ban hành trong thời gian qua có một số chính sách chưa bao quát hết các nhóm đối tượng; việc tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hưởng thụ còn hạn chế.

Chính phủ đang tính toán tới gói kích thích kinh tế mới khoảng 800.000 tỷ đồng tương đương 10% GDP.

Chính phủ đang tính toán tới gói kích thích kinh tế mới khoảng 800.000 tỷ đồng tương đương 10% GDP.

Thiết kế tối giản

“Nhiều doanh nghiệp tuy sản lượng sản xuất giảm nhưng doanh thu vẫn cao hơn so với những năm trước; không ít doanh nghiệp có lợi nhuận âm do giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và chi phí vận chuyển tăng mạnh, chịu gánh nặng các chi phí bảo đảm vừa sản xuất vừa chống dịch... lại không thuộc nhóm đối tượng hỗ trợ”, Chủ tịch DABACO nhấn mạnh.

Hoặc, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gần như bị "đóng băng" do dịch bệnh như du lịch, khách sạn, nhà hàng..., việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thực sự không có ý nghĩa.

Do vậy, theo ông Nguyễn Như So cho rằng, với gói hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích nền kinh tế mới vấn đề đặt ra là cần tối giản và rút gọn các thủ tục rườm rà, không hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ quý giá từ các gói hỗ trợ của nhà nước.

“Cần nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo nhằm tạo cú hích giúp các doanh nghiệp có thể tận dụng quãng thời gian còn lại của năm 2021 để tăng tốc hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh”, Chủ tịch DABACO nhấn mạnh.

Ông So dẫn chứng để vượt qua đại dịch, hầu hết các quốc gia đều phải can thiệp mạnh vào nền kinh tế bằng các gói hỗ trợ. Dịch bệnh còn diễn biến khó lường, do vậy, cũng như doanh nghiệp của bất cứ quốc gia nào trên thế giới, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa.

"Chính phủ đặt ra mục tiêu nợ công năm 2022 là khoảng 44%-45% so với GDP là khả thi so với ước thực hiện năm 2021 là 43,7%. Việc kiểm soát lạm phát ở mức 4% là an toàn cho trần nợ công khoảng 60% GDP. Do vậy, chúng ta còn nhiều dư địa để tiếp tục nghiên cứu, tung ra các gói kích thích đủ lớn, có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng để thúc đẩy phục hồi kinh tế mà vẫn bảo đảm kiểm soát được chỉ tiêu vĩ mô", ông So phân tích và góp ý các gói hỗ trợ cần áp dụng đúng, trúng các nhóm đối tượng.

Cùng quan điểm, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định, gói hỗ trợ, kích thích kinh tế mới cần được triển khai đủ mạnh, trúng và đúng.

“Rất mừng rằng Chính phủ đang tính tới gói hỗ trợ lên tới 10% GDP. Điều cần lưu ý là làm sao vừa quản trị được rủi ro từ các chính sách này, đồng thời vừa thực hiện đúng-trúng. Nhiều đánh giá cho rằng nếu thực thi tốt chương trình hỗ trợ này thì kinh tế có thể được hỗ trợ thêm 1-1,5 điểm %”, ông Võ Trí Thành cho biết.

Hỗ trợ tập trung qua chính sách tài khoá

Trao đổi với báo chí về gói kích thích kinh tế mới, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết cơ quan này đã hoàn thành việc xây dựng báo cáo về chương trình phục hồi kinh tế – xã hội và trình Chính phủ cho ý kiến thông qua với 5 chính sách chính lớn.

doanh nghiệp có lợi nhuận âm do giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và chi phí vận chuyển tăng mạnh, chịu gánh nặng các chi phí bảo đảm vừa sản xuất vừa chống dịch... lại không thuộc nhóm đối tượng hỗ trợ

Nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận âm do giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và chi phí vận chuyển tăng mạnh, chịu gánh nặng các chi phí bảo đảm vừa sản xuất vừa chống dịch... lại không thuộc nhóm đối tượng hỗ trợ trước.

Thứ nhất là nhóm chính sách về phòng, chống dịch COVID-19 với nội dung chính là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả theo Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Về ngắn hạn, ông Phương cho biết các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện loạt giải pháp về tiêm chủng vaccine, xét nghiệm, điều trị. “Tất cả đều cần kinh phí và sẽ được thể hiện trong chính sách về tài khoá - tiền tệ”, ông Phương nói.

Về dài hạn, Chính phủ sẽ tập trung phải nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở. Cụ thể, mạng lưới y tế cơ sở sẽ hướng tới mục tiêu nâng cao năng phát hiện người nhiễm bệnh và ứng xử ban đầu với bệnh nhân. Còn các cơ sở y tế tuyến trên sẽ tập trung điều trị các bệnh nhân nặng để giảm tối đa số tử vong do COVID-19.

Thứ hai là nhóm chính sách an sinh xã hội. Quan điểm chính của nhóm giải pháp này cũng liên quan đến quan điểm tổng thể của Đề án phục hồi kinh tế

Theo đó, thực hiện nhóm giải pháp này, nhiều nhóm đối tượng bị ảnh hưởng được nghiên cứu và mở rộng thêm. Trong đó có đề cập đến các đối tượng như công nhân trong khu công nghiệp để lôi kéo, giữ chân, hấp dẫn công nhân quay trở lại làm việc.

Đồng thời, tạo điều kiện cho những lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế có điều kiện ăn ở, sinh hoạt đảm bảo cuộc sống lâu dài. Đáng chú ý, trong nhóm giải pháp thứ hai này cũng có các giải pháp về tiền tệ là cho vay ưu đãi đối với các đối tượng, trong đó tập trung thêm vào nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học…

Để thực hiện chính sách này, ông Phương cho biết sẽ xây dựng cơ chế phát triển, quản lý, vận hành, bán hoặc cho thuê nhà ở với giá ưu đãi. Đồng thời, bố trí nguồn tài chính hỗ trợ hai đầu cho người mua nhà và đơn vị đầu tư, xây dựng.

Thứ ba là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Chính sách này sẽ tập trung vào các giải pháp tài khoá như giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí.

Theo đó, các chính sách liên quan đã thực hiện trong thời gian vừa qua sẽ được rà soát để tiếp tục thực hiện. Bên cạnh đó, các chính chính sách tiền tệ như cho vay ưu đãi thông qua công cụ hỗ trợ lãi suất cũng được triển khai để có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Thứ tư là chính sách về kích cầu đầu tư công. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chính sách này có ý nghĩa "kép", vừa kích thích chi tiêu đầu tư công tức thời trong gian đoạn ngắn để kích thích tăng trưởng, vừa có ý nghĩa lâu dài tạo ra các kết cấu hạ tầng hiệu quả cho nền kinh tế.

Theo đó, Chính phủ sẽ tập trung phát triển các hạ tầng lớn có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, hoàn thành xây dựng cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2.

Ông Phương đánh giá, giải pháp về đầu tư công là giải pháp khó, đây là vấn đề cả trong ngắn và dài hạn. Để thực hiện trong thời gian ngắn, công tác chuẩn bị phải rất tốt, dự án phải sẵn có, năng lực của nhà thầu thực hiện phải tốt, nhưng trên thực tế khi chuẩn bị dự án có rất nhiều thủ tục cần nhiều thời gian.

Còn đối với năng lực nhà thầu, hiện nay giá cả nguyên liệu đầu vào cho đầu tư công đang ở mức cao, không phải nhà thầu nào cũng chịu được sức ép này.

Thứ năm là chính sách về quản lý điều hành để bảo đảm cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát và rủi ro. Theo Thứ trưởng Phương, trong nội hàm của giải pháp có một nhiệm vụ đòi hỏi sự đồng thuận cao của các bộ, ngành đó là giải pháp về cải cách hành chính.

Cụ thể, trong đầu tư thì có đầu tư công và đầu tư ngoài nhà nước. Trong đó, tỷ trọng đầu tư ngoài nhà nước chiếm phần lớn, khoảng hơn 70%. Để khuyến khích được đầu tư ngoài nhà nước thì cải cách thủ tục hành chính là rất quan trọng.

“Nhà đầu tư tư nhân hoặc nước ngoài sẽ cảm thấy ngại và từ chối đầu tư, huỷ dự án vì có quá nhiều thủ thủ tục. Để thay đổi việc này cần quyết tâm thay đổi rất lớn của các bộ, ngành”, ông Phương cho biết 

Có thể bạn quan tâm

  • Gói kích thích kinh tế mới: Tính đến khả năng hấp thụ của doanh nghiệp

    04:00, 16/11/2021

  • Chủ tịch Quốc hội: Gói kích thích kinh tế phải chú trọng cả tổng cung, tổng cầu

    15:10, 12/11/2021

  • Thiết kế các gói kích thích kinh tế có liều lượng hợp lý

    12:00, 08/11/2021

  • Trọng tâm của gói kích thích phục hồi kinh tế giai đoạn mới

    05:30, 04/11/2021

THY HẰNG