SK Group và “khẩu vị mới” ở Việt Nam
SK Group được biết đến là một trong những tập đoàn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, chủ yếu qua các thương vụ mua lại. Nhưng, có thể thời gian tới sẽ là một SK rất khác…
- Bước đi mới của SK Group vào thị trường bán lẻ Việt Nam
Mới đây, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đón tiếp các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc bao gồm: Samsung, SK Group hay là Lotte Group.
Trong đó, SK Group, tập đoàn lớn thứ 3 của Hàn Quốc cho biết họ đã ký một thỏa thuận với chính phủ Việt Nam để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh doanh thân thiện với môi trường, chẳng hạn như các lĩnh vực liên quan đến cắt giảm khí thải carbon, hydro và công nghệ kỹ thuật số.
Nỗ lực của SK Group ở Việt Nam
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, trong 8 tháng năm 2021, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư 251 dự án mới tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký gần 759 triệu USD; điều chỉnh 179 lượt dự án, với tổng vốn điều chỉnh tăng 1,184 tỷ USD; cùng với đó là 967 lượt góp vốn, mua cổ phần, với tổng vốn đạt 494,46 triệu USD.
Tính chung cả 3 hình thức đầu tư trên, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã "rót" vào Việt Nam hơn 2,4 tỷ USD, xếp thứ 3 về số vốn đăng ký trên tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Còn riêng với SK Group, tập đoàn lớn thứ ba của Hàn Quốc dựa trên tổng tài sản vào năm 2019, đã từ lâu không hề giấu giếm ý đồ sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.
Tháng 8 năm 2018, họ thành lập công ty con SK South East Asia Investment, với mục đích đầu tư vào các doanh nghiệp phát triển nhanh ở Đông Nam Á. Chỉ hai tháng sau, công ty đầu tư này đã mua lại 9,5% cổ phần của Masan Group.
Tiếp đó, năm 2019, công ty tiếp tục mua lại 6,1% cổ phần của Vingroup. Bên cạnh đó, SK cũng đã mua lại 24,9% cổ phần kinh doanh dược phẩm của Imexpharm Corporation vào tháng 5 năm 2020.
Và hồi giữa tháng 11 vừa qua , SK Group đã thông qua SK South East Asia Investment đầu tư vào nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, VinCommerce. Họ đã mua lại 16,3% cổ phần của công ty với giá 460 tỷ won (410 triệu USD), như một phần của quan hệ đối tác chiến lược với công ty mẹ Masan Group.
Trên thực tế, SK Group vẫn được mệnh danh là “ông vua M&A” của châu Á. Đây là một trong ba tập đoàn Chaebol hàng đầu của Hàn Quốc, cùng với Samsung và LG, những tập đoàn do gia đình sở hữu chi phối nền kinh tế nước này. Họ có những hoạt động kinh doanh trải dài từ dịch vụ viễn thông, logistic, công nghệ đến du lịch, dịch vụ, năng lượng…
- Quỹ của VinaCapital thoái vốn, SK Group thế chân tại Imexpharm
- Vì sao SK Group “thích” Masan?
“Khẩu vị mới” của SK Group ở Việt Nam
Có thể thấy, kể từ thời điểm bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, người ta mới chỉ thấy tập đoàn này đang tập trung vào một số lĩnh vực đang phát triển mạnh của Việt Nam như là lĩnh vực phân phối bán lẻ, hậu cần và fintech.
Nhưng có lẽ giờ đây, “khẩu vị” của SK Group sẽ thay đổi khi Chủ tịch Chey Tae Won đã ký biên bản ghi nhớ trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới đây.
Theo đó, SK Group sẽ nỗ lực tìm kiếm các cơ hội và cách thức mới để mở rộng hơn nữa hợp tác kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu phát thải và giảm thiểu phát thải. Các nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như sử dụng hydro và carbon, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cũng nằm trong số các lĩnh vực hợp tác và đầu tư của SK vào Việt Nam.
Trên thực tế, SK là tập đoàn kinh tế đa ngành nghề có giá trị vốn hóa thị trường gần 200 tỷ USD, đứng thứ ba tại Hàn Quốc và thuộc top 100 tập đoàn lớn nhất trên thế giới. Hiện tại, thế mạnh của Tập đoàn đang là các lĩnh vực Năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch, Dược phẩm - Y tế, Logistics và công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
Kể từ năm ngoái, SK Group đã có những sự thay đổi sâu sắc về chiến lược phát triển của tập đoàn. Họ đang bắt đầu một chuỗi bán các tài sản “không phù hợp” để đẩy mạnh việc chuyển dịch của tập đoàn từ các lĩnh vực kinh doanh truyền thống và từng là hàng đầu của mình sang tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng mới như pin xe điện, nhiên liệu hydro, sinh học và chip.
Theo sáng kiến của Chủ tịch Chey Tae Won, tập đoàn đã chuyển trọng tâm sang các lĩnh vực kinh doanh theo chủ đề ESG như pin EV và các thành phần của chúng, cũng như pin nhiên liệu hydro, thông qua một loạt vụ mua lại, bao gồm 9,9% cổ phần trongPlug Power của Mỹ hồi đầu năm nay.
Chính vì vậy, trong cuộc hội đàm cùng Chủ tịch Quốc hội Việt Nam hôm thứ Hai, Chủ tịch của SK Group đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cam kết của Việt Nam về việc trung hòa carbon vào năm 2050 và hứa sẽ tìm kiếm các cơ hội đầu tư và kinh doanh tốt để đóng góp vào những nỗ lực đó, với sự hỗ trợ chính sách từ Chính phủ Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam cũng đang đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các tập đoàn lớn của Nhà nước. Và đồng thời luôn khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính, kỹ thuật và thị trường to lớn, trong đó có SK Group, tham gia nỗ lực với tư cách là các đối tác chiến lược.
Có lẽ, thời gian tới SK Group sẽ ngày càng thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường Việt Nam. Nhưng, có thể sẽ với một “khẩu vị” khác…
Có thể bạn quan tâm
Bước đi mới của SK Group vào thị trường bán lẻ Việt Nam
04:08, 14/11/2021
Quỹ của VinaCapital thoái vốn, SK Group thế chân tại Imexpharm
04:55, 16/06/2021
Vì sao SK Group “thích” Masan?
11:00, 15/04/2021
SK Group đầu tư cho thành viên Masan, VinCommerce được định giá 2,5 tỷ USD
10:49, 06/04/2021
Sau thương vụ tỷ USD, SK Group trở thành cổ đông lớn của Vingroup
10:00, 29/05/2019
SK Group có thể rót tiếp 1 tỷ USD vào Vingroup sau khi đầu tư 470 triệu USD vào Masan
17:13, 22/03/2019
SK Group trở thành đối tác chiến lược của Masan Group
11:59, 02/10/2018