Nhân lực hạnh phúc
Một nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm các nhà kinh tế học hàng đầu tại Đại học Warwick (Anh Quốc) đã chỉ ra “sự hạnh phúc giúp tăng năng suất làm việc của con người lên đến 12%”.
Vậy khi nào thì nhân sự cảm thấy hạnh phúc?
Năm 2020, ngoài công bố kết quả khảo sát về Nơi làm việc tốt nhất thì mạng cộng đồng nghề nghiệp Anphabe và công ty nghiên cứu thị trường Intage cũng lần đầu tiên công bố 10 doanh nghiệp có nguồn nhân lực hạnh phúc. Theo công bố này, lương cao thu nhập tốt chỉ là một trong những yếu tố điều kiện của hạnh phúc. Từ kết quả khảo sát cho thấy, ngoài danh tiếng công ty và lương thưởng phúc lợi,… thì các tiêu chí đánh giá “nhân lực hạnh phúc” chủ yếu đến từ môi trường, văn hoá và sự gắn kết trong doanh nghiệp.
GẮN KẾT LÝ TRÍ VÀ CẢM XÚC
Cuộc đua lương thưởng không chỉ gây áp lực lên các ông chủ mà cũng tạo nên sức ép không kém đối với đội ngũ người lao động. Điều này cũng vô hình chung tạo nên không khí làm việc căng thẳng, nặng nề, thậm chí mang tính chất “đấu đá” trong nhiều doanh nghiệp, dẫn đến việc chảy máu chất xám ở những nhân sự cao cấp do áp lực quá lớn.
Tuy nhiên, có một thực tế “bất khả kháng” là năm 2020, khi Covid-19 bất ngờ ập đến, các doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện cắt giảm nhân sự, cắt giảm lương thưởng và điều này đã tác động không nhỏ đến cả lực lượng lao động lẫn các doanh nghiệp. Theo khảo sát được thực hiện trong giai đoạn tháng 4-9/2020 của Anphabe, chỉ trong 6 tháng, 51% nguồn nhân lực toàn thị trường đã bị ảnh hưởng bởi các hình thức cắt giảm mạnh tay của doanh nghiệp. Cụ thể là 37% người lao động bị giảm lương, 32% nhân sự bị mất việc, 11% nhân viên tại các công ty bị chuyển vị trí toàn thời gian sang lao động tự do, mùa vụ,… Và với tình hình diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, xu hướng “tinh giảm nhân lực theo lộ trình” vẫn sẽ tiếp tục diễn ra tại các doanh nghiệp.
Khi các doanh nghiệp cắt giảm nhân lực, số phận của những nhân sự nằm trong diện cắt giảm thì đã rõ, tuy nhiên, với lực lượng nhân sự còn đang “bám trụ” lại doanh nghiệp, thì điều gì xảy ra với họ? Lương thưởng rất khó để tăng, khối lượng công việc thì lại có thể phải đảm nhiệm nhiều hơn. Tất nhiên, có thể nói rằng trong bối cảnh hiện nay, giữ được vị trí làm việc, bảo đảm được thu nhập cũng đã là một điều may mắn. Nhưng để nhân sự cảm thấy hạnh phúc, thì chưa chắc!
Theo bà Thanh Nguyễn – nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Anphabe thì “nhân sự thực hạnh phúc khi gắn kết lý trí, tình cảm và chuyển đổi thành động lực xây dựng công ty. Họ vui sướng trải nghiệm công việc sẽ tạo ra giá trị tích cực cho doanh nghiệp”. Điều này, cũng trong 2 năm Covid-19 liên tiếp, các lãnh đạo doanh nghiệp mới thấu! Covid-19 là cơ hội tuyệt vời để “thanh lọc” những “zombie công sở”, những người vừa là rào cản của sự phát triển, lại vừa làm hao tốn tài chính doanh nghiệp. Ở một khía cạnh khác, khi nhân sự gắn kết được giá trị bản thân với văn hoá doanh nghiệp, họ chính là những người “chiến đấu” giúp doanh nghiệp có thể trụ vững và vượt bão.
Nhiều chuyên gia nhân sự nhận xét rằng, sau bối cảnh “thanh lọc” nhân sự thì hậu Covid-19, các doanh nghiệp sẽ cần tập trung vào chiến lược gắn kết và gia tăng động lực để giữ chân “nhân lực hạnh phúc”. Cũng theo Anphabe, điều quan trọng nhất của nhân lực hạnh phúc là người lao động phải được thường xuyên nâng tầm động lực tự thân. Có 5 yếu tố hỗ trợ cho quá trình, bao gồm: Sự tự chủ, Sức khoẻ thể chất & tinh thần, Sự kết nối, Năng lực và đặc biệt là hiểu rõ Ý nghĩa công việc. 5 yếu tố này giúp người lao động có nhiều năng lượng để nỗ lực gắn bó và cống hiến cho doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.
Điều cần lưu ý là sự gắn kết của nhân sự hạnh phúc với doanh nghiệp đến từ cả 2 yếu tố: lý trí và cảm xúc. Mặt lý trí gắn liền với chế độ lương thưởng phúc lợi và các cơ hội thăng tiến phù hợp (nhấn mạnh sự “phù hợp”). Mặt cảm xúc gắn liền với yếu tố văn hoá – môi trường làm việc, mối quan hệ lãnh đạo – nhân viên, mối quan hệ đồng nghiệp tương ứng. Nỗ lực gắn bó và cống hiến được đánh giá bằng hiệu suất công việc và lòng trung thành của nhân sự hạnh phúc với doanh nghiệp.
XÂY DỰNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP
Vai trò của người chủ doanh nghiệp và đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong việc thiết lập một môi trường làm việc và văn hoá doanh nghiệp phù hợp sẽ là yếu tố tiên quyết quyết định mức độ hạnh phúc của nguồn nhân lực. Để giúp nhân viên có thể hạnh phúc thì bản thân người lãnh đạo phải hạnh phúc, vững vàng, thể hiện tính trách nhiệm và cam kết với doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh mới, hệ thống đào tạo nội bộ (learning & development) phải được nhìn nhận đúng mức về vai trò và trách nhiệm trong việc thúc đẩy văn hoá doanh nghiệp và mức độ gắn kết – hạnh phúc của nhân sự.
Ngoài ra, các phương pháp giúp gia tăng mức độ tin cậy trong trao quyền đối với đội ngũ lãnh đạo/ quản lý và gia tăng mức độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhân sự như coaching (khai vấn) cũng sẽ tạo thêm những “khoảng trống hạnh phúc” trong môi trường làm việc, giúp các vị trí đều cần sự nỗ lực tự thân (cả lãnh đạo/quản lý lẫn nhân viên), tăng cường sự tin câỵ - thấu hiểu, qua đó gia tăng sự gắn kết – ý nghĩa công việc và hạnh phúc.
Cuối cùng, đích đến của một doanh nghiệp chính là sự phát triển bền vững và thịnh vượng. Nếu có một đánh giá về hiệu suất làm việc của nhân sự hạnh phúc trong bối cảnh Covid-19 hiện nay thì chắc chắn con số sẽ không chỉ là tăng trưởng 12% (so với năm 2015). Và năm 2021 sẽ tiếp tục chứng kiến một minh chứng rằng: Nhân lực hạnh phúc sẽ giúp cho doanh nghiệp bền vững, và ngược lại, doanh nghiệp bền vững cũng sẽ tạo nên môi trường làm việc lan toả hạnh phúc. Hạnh phúc cuối cùng vẫn đến từ sự phù hợp về hệ giá trị giữa người lao động với doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Cho thuê ngoài quy trình (RPO): Xu hướng mới trong tuyển dụng tại thị trường Việt Nam
14:34, 27/05/2021
Thanh Hóa: Nhân sự ngành du lịch chật vật mưu sinh
11:00, 27/05/2021
Sắp ra mắt Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam
14:33, 05/05/2021
Lao động Việt Nam tại Nhật (Kỳ 3): Khó thay giấc mộng đổi đời!
05:00, 03/05/2021
Tự động hóa có làm tăng nguy cơ thất nghiệp?
09:30, 01/05/2021
Lao động Việt Nam tại Nhật (Kỳ 2): Đồng tiền mặn chát nước mắt
04:00, 01/05/2021