Nông sản Việt khó đi xa ở thị trường Mỹ, Úc
Việt Nam vẫn được xem là "giỏ" lương thực của thế giới, nhưng chiếc "giỏ" này còn đơn điệu và thiếu màu sắc, ít sản phẩm giá trị gia tăng cao, hệ thống tiêu chuẩn chất lượng hạn chế nên khó đi xa.
Mỹ, Úc ngày càng... khó
Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2011 – 2017 của Việt Nam đạt 8,6%. 8 tháng đầu năm 2018, Việt Nam có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tỷ USD gồm: Thủy sản, rau quả, cà phê, hạt điều, gạo, cao su, gỗ. Về thị trường xuất khẩu, có 26 thị trường đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 thị trường chủ lực gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu nông sản thiếu tính bền vững
00:09, 13/07/2018
Mục tiêu 40 tỷ USD xuất khẩu nông sản có khả thi?
03:19, 03/07/2018
Xuất khẩu nông sản vào Hàn Quốc: Cửa lớn nhưng khó qua
06:54, 21/06/2018
Ông Phạm Tuấn Long – Phó trưởng phòng Phòng Xuất khẩu nông – lâm – thủy sản (Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương) nhận định, theo lộ trình cam kết tại các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), thuế nhập khẩu của các thị trường sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng nông sản của Việt Nam.
Tuy nhiên, nông sản Việt cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ. Ông Phạm Tuấn Long phân tích, chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018
Tại thị trường Hoa Kỳ đang đặt ra quy định, yêu cầu về phân tích nguy cơ dịch hại, thực hiện kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật và yêu cầu xử lý kiểm dịch thực vật đối với trái cây tươi Việt Nam.
Hoặc, tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Úc, đặc biệt là hàng nông lâm thủy sản phải đáp ứng được các yêu cầu về sinh học và an toàn thực phẩm. Luật kiểm soát thực phẩm cho phép Bộ Nông nghiệp Úc thực hiện Chương trình kiểm tra thực phẩm nhập khẩu. Nếu thực phẩm có nguy cơ ở mức độ trung bình đến mức độ cao thì sẽ được phân loại là “thực phẩm hiểm họa”. 100% lô hàng của doanh nghiệp nhập khẩu loại thực phẩm này sẽ bị kiểm tra và xét nghiệm đối với vi khuẩn và chất ô nhiễm. Đối với “thực phẩm hiểm họa”, doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo hàng cần xét nghiệm và bị giữ cho đến khi biết được kết quả xét nghiệm. Thực phẩm khác được xem là có nguy cơ thấp được phân loại “thực phẩm diện giám sát”. Các lô hàng này sẽ có xác suất 5% bị kiểm tra việc có đạt yêu cầu về các tiêu chuẩn thực phẩm của Úc hay không. Đây chính là rào cản lớn nhất đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Úc.
Những yêu cầu khắt khe trên đang đặt ra thách thức không nhỏ khi nhiều mặt hàng nông sản Việt hiện đang sản xuất manh mún, tự phát dẫn đến chất lượng không đồng đều, khó kiểm soát an toàn thực phẩm và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc…
Hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt?
Thực tế cho thấy mỗi thị trường có những quy định nhập khẩu riêng, song có thể ẩn chứa yếu tố cạnh tranh, nhất là các nước có nhiều nông sản muốn bảo hộ nông sản trong nước thì họ có thể đưa ra các chính sách, rào cản kỹ thuật, thông tin bất lợi… để hạn chế xuất nhập khẩu.
Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Lê Nguyên Hòa, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty NutiFood cho rằng, các doanh nghiệp muốn vào thị trường Mỹ hay đứng vững ở các thị trường nhập khẩu cần phải làm tốt việc minh bạch thông tin. Đồng thời, phải nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của thị trường vì khó khăn lớn nhất chính là sự đón nhận của người tiêu dùng cũng như đầu tư công nghệ sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm để có thể xuất khẩu lâu dài.
Cùng chung quan điểm này, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu thông tin về chính sách thương mại của thị trường nhập khẩu. Đối với những thị trường lớn như Mỹ, cần xác định chính xác bang, tiểu bang muốn tiếp cận. Doanh nghiệp cũng cần tạo mối quan hệ tốt với các đối tác để được cảnh báo, nhận biết sớm các nguy cơ về thương mại.
Theo các chuyên gia, nông sản Việt rất phong phú nhưng thiếu đi những sản phẩm giá trị gia tăng. Đa số sản phẩm xuất thô, thiếu hệ thống tiêu chuẩn chất lượng. Muốn giải quyết được các vấn đề này cần tăng cường kết nối, sản xuất theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có một chiến lược xây dựng thương hiệu gắn liền với chất lượng. Trong đó, tập trung cải thiện về đóng gói, mẫu mã, bao bì. Đồng thời, cần có một quy trình sản xuất chuẩn có thể truy xuất thông tin.