Việt Nam - Hàn Quốc: Nỗ lực cân bằng cán cân thương mại

Thu Hoài 16/11/2018 01:47

Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc đã thống nhất nâng mục tiêu tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều lên 100 tỷ USD. Đồng thời từng bước cân bằng cán cân thương mại giữa hai quốc gia.

Dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Hàn Quốc

Dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Hàn Quốc

Thương mại 2 chiều tăng cao

Số liệu thống kê từ Tổng Cục Hải quan Việt Nam cho thấy, 9 tháng năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Hàn Quốc đạt 48,52 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 13,45 tỷ USD, nhập khẩu 35,07 tỷ USD từ thị trường Hàn Quốc.

Đặc biệt, nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc đã giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 21,62 tỷ USD. Điều này cho thấy, chất lượng hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp Hàn Quốc đề nghị được đầu tư vào KCN Hoàng Long

    Doanh nghiệp Hàn Quốc đề nghị được đầu tư vào KCN Hoàng Long

    13:23, 15/11/2018

  • Quỹ mạo hiểm Hàn Quốc “nhòm ngó” các start-up Việt

    Quỹ mạo hiểm Hàn Quốc “nhòm ngó” các start-up Việt

    05:19, 14/11/2018

  • Mở rộng lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và thành phố Geochang, Hàn Quốc

    Mở rộng lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và thành phố Geochang, Hàn Quốc

    14:28, 13/11/2018

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã tăng 123 lần, từ 0,5 tỷ USD năm 2000 lên 61,5 tỷ USD năm 2017. Theo đó, 10 năm gần đây tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều luôn tăng trưởng 2 con số.

Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu là các sản phẩm dệt may, điện thoại, linh kiện điện tử, thuỷ sản, gỗ… Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu dệt may da giày, phương tiện vận tải… Cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hoá giữa 2 nước có sự bù trừ. Hơn nữa, các mặt hàng của Việt Nam có chất lượng ngày một tốt hơn, chiếm được niềm tin của người tiêu dùng Hàn Quốc cũng đã đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều trong những năm qua.

Theo ông Đỗ Thắng Hải  - Thứ trưởng Bộ Công Thương, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc chưa cân bằng. Tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam vẫn cao, trong khi tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc còn lớn và doanh nghiệp trong nước chưa khai thác hết lợi thế.

Các chuyên gia cho rằng, Hàn Quốc là thị trường phát triển, yêu cầu về chất lượng hàng hoá, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cao, vì vậy nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được. Cùng đó, khả năng giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước còn yếu.

Tiếp tục đẩy mạnh giao thương

Để cân bằng cán cân thương mại giữa hai quốc gia, ông Vũ Bá Phú cho rằng, một trong những biện pháp hữu hiệu giúp cân bằng cán cân thương mại 2 nước là Việt Nam hợp tác với Hàn Quốc đẩy mạnh các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại.

Trên thực tế, Chính phủ 2 nước đã rất quan tâm tới hoạt động này. Từ cuối năm 2015, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc có hiệu lực, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan của Hàn Quốc tổ chức nhiều hoạt động giúp doanh nghiệp 2 nước giới thiệu hàng hoá, tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Riêng với Hiệp hội Doanh nghiệp xuất khẩu Hàn Quốc (KOIMA), từ năm 2000 trở lại đây, KOIMA đã tổ chức 13 đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc sang giao thương với doanh nghiệp Việt Nam. Ông Myoung Jin Shin- Chủ tịch KOIMA cho biết, năm nay, đoàn giao thương có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc “gạo cội” với 20-30 năm kinh nghiệm. Hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được kinh nghiệm của các doanh nghiệp này để tiến sâu hơn nữa vào thị trường Hàn Quốc.

 “Bộ Công Thương sẽ tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp Hàn Quốc kinh doanh sản xuất tại Việt Nam và mong muốn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan của Hàn Quốc tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Hàn Quốc”- ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Thu Hoài