Tổng công ty Đầu tư Mạo hiểm Hàn Quốc (KVIC) đang lên kế hoạch hợp tác với đối tác tại Việt Nam để sớm cho ra đời Quỹ đầu tư mạo hiểm Việt - Hàn.
Văn hóa khởi nghiệp được nâng cao đã góp phần giúp số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam tăng nhanh về số lượng trong hai năm qua. Đó cũng là lý do mà Tổng công ty Đầu tư Mạo hiểm Hàn Quốc (KVIC) đang lên kế hoạch hợp tác với đối tác tại Việt Nam để sớm cho ra đời Quỹ đầu tư mạo hiểm Việt - Hàn.
Sức hút đầu tư vào các dự án start-up
Một thông tin đáng chú ý cho cộng động khởi nghiệp, đó là Tổng công ty Đầu tư Mạo hiểm Hàn Quốc (KVIC) đang triển khai hợp tác với Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) để thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Việt – Hàn, dự kiến ra mắt vào năm 2019. Đồng thời, VCIC và KVIC sẽ triển khai các hoạt động hợp tác để tổ chức các diễn đàn thường niên nhằm tăng cường trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp giữa hai nước.
Theo nghiên cứu từ VCIC, tại Việt Nam hiện nay có khoảng 30 cơ sở ươm tạo (Incubator) và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (Accelerator), cùng với gần 40 quỹ đầu tư mạo hiểm có hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các cố vấn khởi nghiệp (mentor), nhà đầu tư thiên thần tại Việt Nam tuy chưa nhiều nhưng đang có xu hướng tăng lên.
Bên cạnh đó, số lượng các quỹ nước ngoài mong muốn đầu tư vào Việt nam cũng có xu hướng tăng lên, cùng với một số tập đoàn tại Việt Nam đang trong quá trình tìm hiểu mô hình đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
ông Phạm Đức Nghiệm, Phó cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) kiêm Giám đốc VCIC đánh giá, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã cơ bản hình thành. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam trong hai năm qua gia tăng nhanh về số lượng, chất lượng doanh nghiệp cũng được cải thiện đáng kể.
Theo VCIC, nhận thức về cơ hội khởi nghiệp đã tăng từ 36,8% trong năm 2013 lên 39,4% trong năm 2014. Đồng thời, văn hóa khởi nghiệp đã được nâng cao thông qua đào tạo, truyền thông, giúp văn hóa chấp nhận thất bại, rủi ro trong kinh doanh cũng có xu hướng tăng lên.
Quỹ mạo hiểm Hàn Quốc quyết “tham chiến”
Kế hoạch cho ra đời Quỹ đầu tư mạo hiểm Việt – Hàn được khẳng định chắc chắn khi tại buổi tiếp ông Lee Jae-hong, Tổng Cục trưởng Tổng cục chính sách sáng tạo và đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc (trực thuộc Bộ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và khởi nghiệp Hàn Quốc – MSS) ngày 7/11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy đã đề xuất hai bên sớm tiến hành ký kết Bản ghi nhớ hợp tác và khẳng định, Bộ KH&CN sẽ tạo mọi điều kiện để VCIC triển khai các chương trình hợp tác với KVIC đạt được các mục tiêu đề ra. Phía Hàn Quốc cũng đã hoàn toàn thống nhất với kế hoạch này.
Dự kiến sớm nhất, hai bên có thể kịp ký kết Bản ghi nhớ hợp tác vào trung tuần tháng 12, nhân dịp diễn ra Techfest 2018 tại Đà Nẵng.
Theo ông Kim Myung-Sun, Trưởng nhóm của KVIC cho biết, quỹ này thuộc Chính phủ Hàn Quốc và quản lý quỹ bằng cách cam kết với các quỹ mạo hiểm. KVIC hiện có 3 văn phòng quốc tế đặt tại Silicon Valley (Hoa Kỳ), Thượng Hải (Trung Quốc) và Singapore. Thông qua mạng lưới này, KVIC đã cam kết đầu tư 1,8 tỷ USD vào các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Ông Lee Jae-hong cho biết, cùng với chính sách hướng Nam của Chính phủ Hàn Quốc, số lượng các quỹ đầu tư mạo hiểm của Hàn Quốc đang ngày càng gia tăng, Việt Nam sẽ là điểm đến ưu tiển nhà đầu tư Hàn Quốc.
Vì vậy, MSS mong muốn hợp tác với các tổ chức của Việt Nam để cùng kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp hai nước, thông qua đó xây dựng không gian làm việc chung Việt – Hàn, hỗ trợ vốn mồi, hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm và tiến tới đưa các các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam sang tham gia các chương trình ươm tạo, huấn luyện tại Hàn Quốc.
Ông Phạm Đức Nghiệm tin tưởng trong thời gian tới, các nhà đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp Hàn Quốc phối hợp cùng phía Việt Nam sẽ góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo nền tảng cho phát triển các quan hệ đối tác thúc đẩy phát triển kinh tế của hai nước.