Tân Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines là ai?

KHÁNH HÀ 10/08/2020 16:43

Với 100% số phiếu bầu, ông Đặng Ngọc Hoà, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, chính thức trở thành tân Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietnam Airlines từ ngày hôm nay (10/8).

Sáng 10/8, tại đại hội cổ đông thường niên của Vietnam Airlines, các cổ đông đã thông qua việc miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT gồm Chủ tịch Phạm Ngọc Minh nghỉ hưu theo chế độ, ông Nguyễn Xuân Minh - thành viên HĐQT và ông Koji Shibata, đại diện của All Nippon Airways (ANA). 

Ông Đặng Ngọc Hoà trở thành tân Chủ tịch VNA từ 10.8

Ông Đặng Ngọc Hoà trở thành tân Chủ tịch Vietnam Airlines từ 10.8

Đối ứng, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa, ông Lê Hồng Hà và Phó chủ tịch, kiêm Giám đốc chiến lược ANA Tomoji Ishii là 3 thành viên được bầu bổ sung vào HĐQT Vietnam Airlines.

Với số phiếu tuyệt đối, ông Đặng Ngọc Hoà (48 tuổi), Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty dịch vụ mặt đất sân bay Viags, được bầu làm Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines từ ngày 10/8 nhiệm kỳ 2020-2025.

Được biết, ông Đặng Ngọc Hòa sinh năm 1972, là thạc sỹ an toàn hàng không. Năm 1995, ông bắt đầu làm việc tại Vietnam Airlines.

Từ năm 2016, ông Hòa giữ chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật Vietnam Airlines. Giai đoạn từ tháng 3/2018 - 12/2019, ông Hòa còn giữ chức vụ chủ tịch tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất Việt Nam.

Đến tháng 1/2020, ngoài chức vụ Phó tổng giám đốc, ông Hòa cũng là Chủ tịch tại Công ty TNHH MTV Kỹ thuật bay (VAECO - công ty thành viên của Vietnam Airlines).

Phát biểu trước đại hội, tân Chủ tịch Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hoà cho biết: “Trong bối cảnh nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines đang chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, chúng tôi hiểu trọng trách này lại càng lớn lao, đòi hỏi nỗ lực bằng mọi giá để giữ vững thành quả mà các thế hệ đi trước đã gây dựng và đưa Vietnam Airlines phát triển bền vững thời gian tới”.

Làn sóng COVID-19 thứ hai bẻ gãy đà phục hồi

Đại hội cổ đông tổ chức hôm nay là đại hội thứ 5 kể từ khi Vietnam Airlines chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần vào năm 2015 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức cho ngành hàng không.

Trả lời chất vấn của cổ đông, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết giai đoạn từ tháng 5 đến hết ngày 28-7, thị trường hàng không Việt Nam đã phục hồi tới 90%, theo hình chữ V rất nhọn. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ phục hồi 60%, Nhật Bản phục hồi khoảng 70%. Việt Nam là thị trường có sự phục hồi mạnh mẽ bậc nhất trên toàn cầu. Báo chí quốc tế còn dùng từ shining - toả sáng để nói về sự phục hồi này.

Trong báo cáo hồi tháng 5, Vietnam Airlines xác định thị trường nội địa đến quý 4/2020 phục hồi. Thực tế là đến tháng 7, thị trường đã cơ bản phục hồi. Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 thứ hai đã lại bẻ gãy đà phục hồi này, số chuyến bay lại giảm mạnh.

Ngày 8/8 vừa qua, Vietnam Airlines chỉ bay 102 chuyến, giảm hơn 5 lần so với thời điểm phục hồi (hơn 500 chuyến bay mỗi ngày), chỉ bằng 28% so với cùng kỳ 2019.

Ông Thành cho biết nhiều kịch bản đã được hãng đưa ra, trong đó, nguyên tắc để tiến tới tương lai là đang tái cơ cấu đội máy bay. Bởi hiện tại, Vietnam Airlines đang thừa 72% phi công, tiếp viên và kỹ thuật có liên quan tới máy bay và việc này sẽ còn tiếp tục kéo dài. Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết máy bay đã có đơn hàng thuê, mua về sẽ phải hoãn, đẩy về tương lai, hoặc nếu không cần thiết thì hủy. Tất cả tài sản khác cũng phải tái cấu trúc, cái nào cần thì giữ, không thì sẽ bán. Phương án cụ thể sẽ nằm trong kế hoạch lớn của tổng công ty.

Lý giải về băn khoăn giá cổ phiếu của Vietnam Airlines sau 1 năm giảm 30% trong khi Vietjet vẫn giữ được và công bố khả năng năm nay vẫn có lãi, CEO Vietnam Airlines cho biết theo văn bản Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) gửi Chính phủ Việt Nam dự báo trong năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam mất trên 4 tỉ USD, trong đó, Vietnam Airlines mất một nửa, còn lại là các hãng khác. Ông Dương Trí Thành cho biết: Covid-19 xảy ra, hãng nào càng lớn, chi phí cố định lớn thì con số tổn hại càng lớn.

Trả lời băn khoăn của cổ đông về khả năng phục hồi của Vietnam Airlines, ông khẳng định việc vượt qua khủng hoảng phụ thuộc vào tiềm năng, năng lực của hãng hàng không, thị trường hàng không.

Ông Thành nhấn mạnh, Vietnam Airlines có nhiều điểm mạnh. Cùng với Vasco, Jetstar Pacific, hãng có chuỗi sản phẩm đa dạng và có thị trường ngách. Vietnam Airlines cũng có dây chuyền đồng bộ bao gồm sửa chữa máy bay, phục vụ mặt đất, công ty xăng dầu, các công ty suất ăn, 3 công ty phục vụ hàng hoá, 3 sân bay căn cứ, có đội ngũ hùng hậu, cung cấp chuyên gia cấp cao về phi công, kỹ thuật…

Có thể bạn quan tâm

  • Vietnam Airlines không may gặp “mưa to, gió lớn”

    Vietnam Airlines không may gặp “mưa to, gió lớn”

    11:00, 01/08/2020

  • Có nên dùng ngân sách để

    Có nên dùng ngân sách để "giải cứu" Vietnam Airlines?

    05:00, 23/07/2020

  • Điểm nghẽn trong việc

    Điểm nghẽn trong việc "cấp cứu" cho Vietnam Airlines

    16:00, 16/07/2020

  • Giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiêu liệu bay để cứu Vietnam Airlines?

    Giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiêu liệu bay để cứu Vietnam Airlines?

    20:19, 14/07/2020

  • Thế khó của Vietnam Airlines: SCIC nếu đầu tư phải được cấp

    Thế khó của Vietnam Airlines: SCIC nếu đầu tư phải được cấp "cơ chế đặc thù"

    19:30, 13/07/2020

  • Tổng giám đốc Vietnam Airlines:

    Tổng giám đốc Vietnam Airlines: "Chỉ có một câu ngắn gọn là tê liệt, đóng băng"

    18:02, 13/07/2020

KHÁNH HÀ