Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng: Thị trường chứng khoán thực sự là sản phẩm của chung nhân loại
Để có thành công của ngày hôm nay, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng - một trong những người làm chứng khoán "đời đầu" của Việt Nam thực sự đã có có những lúc “ăn chứng khoán, ngủ chứng khoán”.
Ông Nguyễn Duy Hưng Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI). Tính theo thị phần và giá trị thị trường, SSI hiện là công ty môi giới lớn nhất Việt Nam.
Chia sẻ trên trang cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết, trung tuần tháng 7 của 20 năm về trước, Lãnh đạo Uỷ ban chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký, 2 công ty niêm yết và 4 công ty chứng khoán di chuyển hết vào TP. HCM để chuẩn bị ra đời thị trường chứng khoán Việt Nam.
Được biết, SSI là một trong những công ty chứng khoán đầu tiên hoạt động tại thị trường Việt Nam, với khởi đầu là công ty chứng khoán tư nhân duy nhất và nhỏ nhất, có vốn điều lệ chỉ 6 tỷ đồng.
Nhưng để được như ngày hôm nay, người làm chứng khoán "đời đầu" của Việt Nam đã có có những lúc “ăn chứng khoán, ngủ chứng khoán”.
Ông Hưng cho hay lãnh đạo đất nước cũng rất quan tâm sự kiện này. Trước ngày khai trương, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lúc ấy là Trưởng ban Kinh tế trung ương, đã đi kiểm tra một vòng, bao gồm cả trụ sở SSI. Trước đó, khi còn làm Bí thư thành uỷ TP. HCM, ông Trương Tấn Sang đã kiên quyết ủng hộ lấy trụ sở thượng viện của chính quyền cũ làm trụ sở Trung tâm giao dịch chứng khoán, nay là Sở Giao dịch chứng khoán.
“Thế quầy này bán máy lạnh REE, quầy kia bán cáp SACOM à?”, ông Sang quay sang đùa chúng tôi (ông Cao Sỹ Kiêm, ông Lê Văn Châu và tôi) rồi nói với mọi người: “Khi chưa có thị trường chứng khoán, TP. HCM đã có nhiều sản phẩm giống như vậy, như cơ chế đổi đất lấy hạ tầng… Hy vọng thị trường chứng khoán ra đời sẽ giúp thành phố huy động được nhiều nguồn lực phát triển”, Chủ tịch SSI hồi tưởng.
Ngày khai trương thị trường, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lúc ấy là Phó thủ tướng, đến dự rồi sang thăm SSI.
"Ông Sáu Dân quay sang ông Châu và nói với chúng tôi: “Rất khó khăn mới cho ra được thị trường chứng khoán vì còn nhiều quan điểm chưa thật thống nhất. Hãy làm tốt nhất để khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn và sáng suốt!” ", lãnh đạo SSI kể lại.
"13 con người của SSI lúc ấy đứng đầu là chàng trai 38 tuổi. Chúng tôi vốn là dân tư vấn đầu tư nước ngoài, có ít nhiều khái niệm về thu xếp vốn cho doanh nghiệp, về cổ phần cổ phiếu... và cả chút kiến thức học được về hệ thống giao dịch qua những lần tham gia đoàn của ông Lê Văn Châu đi tìm hiểu tại các thị trường Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Mỹ. Thực lòng nghĩ lại thấy “dũng cảm” thật! Vừa học, vừa làm, vừa kiếm thầy học hỏi nhưng lại vừa phải đóng vai trò người giải thích khi có ai đấy muốn hiểu rõ hơn về thị trường chứng khoán", ông Hưng bày tỏ.
"Chúng tôi cũng băn khoăn lấy nguồn thu ở đâu để vừa tồn tại vừa hoạch định chiến lược phát triển song hành với sự ra đời và phát triển của thị trường. Nhưng tôi luôn có niềm tin vững chắc, thị trường chứng khoán sẽ tồn tại và phát triển ở Việt Nam và SSI sẽ là nhân tố rất quan trọng của thị trường. Đấy là lý do tôi từng xin gặp nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trình bày “giấc mơ xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam” đề ông tin và bật đèn xanh cho ông Lê Văn Châu xem xét cấp phép hoạt động cho SSI - công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên và là duy nhất tại thời điểm đó", Chủ tịch SSI nhớ lại.
20 năm nhìn lại, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng nếu ai đã từng sống trong thời kỳ trước đấy sẽ thấy thị trường chứng khoán, cả trực tiếp và gián tiếp, đóng vai trò rất lớn cho sự phát triển của đất nước. Ngoài huy động vốn cho nền kinh tế mà quy mô tăng dần theo năm tháng, ngoài chức năng tổ chức kênh đầu tư cho người dân thông qua mua bán cổ phần, ngoài vai trò trong cổ phần hoá và tái cơ cấu và lành mạnh hoá hoạt động doanh nghiệp nhà nước theo chuẩn cùa công ty niêm yết... thì tất cả những gì xung quanh cuộc sống của chúng ta đều đâu đấy có bóng dáng thị trường chứng khoán.
"Thật sự nếu không có quyết định ngày ấy của lãnh đạo đất nước cho thì hôm nay chúng ta chắc cũng không có được những khu đô thị quy mô, những khu du lịch nghỉ dưỡng hiện đại, rồi ô tô, điện thoại, hàng tiêu dùng... cho đến các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính quy mô mang thương hiệu Việt, của nhà đầu tư Việt nam mà trước đấy chỉ có thể thấy ở nước ngoài hoặc của các tập đoàn nước ngoài", ông Hưng nêu góc nhìn.
Chủ tịch SSI nhấn mạnh: "Thị trường chứng khoán thực sự là sản phẩm của chung nhân loại chứ không phải là đặc sản riêng của chủ nghĩa tư bản".
Nhìn lại 20 năm qua, ông Nguyễn Duy Hưng cũng đánh giá quyết định thành lập thị trường chứng khoán của các lãnh đạo Nhà nước thời điểm đó là quyết định dũng cảm.
Khi ra đời, thị trường chứng khoán chỉ có 2 cổ phiếu niêm yết, 4 công ty chứng khoán, thanh khoản rất thấp. Chủ tịch SSI nhớ lại đến 1 năm sau đó, các tổ chức trung gian vẫn chưa hiểu lấy nguồn thu ở đâu để duy trì hoạt động ngoài việc tạo lập một thị trường cho nhà đầu tư vào tập dượt, mua bán kiếm lời và trải nghiệm.
"Thế nhưng, đến ngày hôm nay, bóng dáng doanh nghiệp Việt Nam, thương hiệu Việt Nam xuất hiện trên tất cả các lĩnh vực từ bất động sản, sản xuất, tiêu dùng, tài chính… Hệ thống quan trọng là hệ thống ngân hàng thương mại, từ chỗ vốn rất nhỏ vài tỷ, vài chục tỷ đến bây giờ là nhiều tỷ USD. Tất cả những điều đó chỉ có thể có qua thị trường chứng khoán. Ngày hôm nay đặt câu hỏi thị trường chứng khoán quan trọng như thế nào với nền kinh tế thì đặt ngược lại câu hỏi không có thị trường chứng khoán lúc bấy giờ thì hôm nay ta có những gì? Qua 20 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu mà những người tham gia từ đầu lúc bấy giờ cả 'trong mơ cũng không nghĩ ra được", ông Hưng chia sẻ.
Sau 20 năm, Việt Nam đã có 23 doanh nghiệp tỷ USD trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng thị trường chứng khoán còn có thể đạt được nhiều thành tựu hơn. Điều quan trọng để mở rộng quy mô không chỉ là tăng sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài mà làm sao để tăng sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước, biến thị trường chứng khoán thành nơi giữ tài sản chứ không đơn thuần là nơi mua bán kiếm lời, rút ra và giữ tài sản ở nơi khác.
“Các thị trường chứng khoán ở các nước phát triển lớn mạnh được vì người dân không chỉ có thói quen giữ tiền, vàng, tiết kiệm mà phần lớn giữ tài sản bằng cổ phần của các tập đoàn lớn”, lãnh đạo SSI nói.
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng: Tiền bạc rất quý nhưng đến lúc lao lý, bệnh tật chẳng có nghĩa gì
14:04, 02/03/2017
\"Ông trùm chứng khoán\" Nguyễn Duy Hưng dạy con trai như thế nào?
15:17, 12/08/2016
Công ty Quản lí quĩ SSI (SSIAM) bổ nhiệm tân chủ tịch
13:18, 26/05/2020
SSI dự kiến tăng vốn điều lệ lên 6.009 tỷ đồng
08:59, 25/10/2019