Cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp của ông chủ Netflix
Netflix là một trong những câu chuyện thành công đáng kinh ngạc nhất của kẻ yếu thế đứng giữa ngã tư đường của công nghệ và truyền hình.
Để có được thành quả ấy, không thể không nhắc tới “cha đẻ” của thương hiệu này – Reed Hastings, người không chỉ xây dựng mà còn kiến tạo tương lai cho Netflix.
Bài học quản trị vỡ lòng
Ý tưởng thành lập Netflix đến vào năm 1997, sau khi Hastings nhận được thông báo trả khoản phí 40 đô la quá hạn thuê DVD từ hệ thống cửa hàng Blockbuster. Hasting cùng với người đồng sáng lập, Marc Randdolph ngay sau đó đã cùng nhau nuôi ý tưởng thành lập một công ty cho thuê DVD qua thư tín. Và đó là cách mà đế chế truyền thông Netflix ra đời.
Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của công nghệ đầu thế kỷ XX, mà đặc biệt là sự tiếp cận Internet ngày càng gia tăng đã ảnh hưởng rất nhiều đến ngành kinh doanh ban đầu của Netflix là cho thuê DVD qua email.
Nắm bắt xu thế sắp tới sẽ là công nghệ và Internet, Hastings đã quyết định chuyển hướng hoạt động của Netflix, đổi từ ngành kinh doanh chủ chốt là DVD thành dịch vụ truyền hình trực tuyến Internet, sản xuất cả phim và show truyền hình.
Chính tầm nhìn của Hastings đã giúp Netflix thành công và vững mạnh. Trong khi đó, gã khổng lồ cạnh tranh một thời là Tập đoàn Blockbuster vẫn kiên trì bám trụ vào dịch vụ cho thuê DVD và video trò chơi trong suốt thời kỳ mà Internet bùng nổ, đã phá sản vào năm 2010.
Tuy vậy, Netflix không phải là bằng chứng đầu tiên về tài năng của Reed Hastings. Ông tốt nghiệp Trường Bodoin College, với tấm bằng cử nhân toán học và làm Chủ tịch Club Outing, nơi ông tự lên kế hoạch tổ chức các chuyến leo núi và trèo thuyền.
Năm 1991, Hastings sáng tạo ra phần mềm Pure Software và nhờ vậy thu được một khoản tiền lớn khi bán cho Rational Software vào bốn năm sau. Lúc này, Hastings 35 tuổi, nằm trong top triệu phú công nghệ khi nắm trong tay 750 triệu đô la.
Song song với tài năng được cộng đồng Thung lũng Silicon công nhận, Hastings cũng “ghi dấu ấn” với hình ảnh của một tài năng lập dị.
Trang Business Insider “kể” một câu chuyện về Hastings: Sau khi ra trường, ông dành hai năm trong một công ty start-up về công nghệ ở Thung lũng Silicon. Ngoài chiếc máy tính cá nhân đặt trên bàn làm việc được chăm chút sạch sẽ, thì giấy tờ, quần áo và cả cốc cà phê bẩn của Hastings hiện diện khắp nơi trong phòng của ông.
Không hề chủ động dọn dẹp, thỉnh thoảng, ông thấy chúng được gọn gàng và các cốc cà phê tự sạch một cách bí ẩn. Ban đầu ông cho rằng ai đó, người lao công hay một cô gái để ý tới ông trong chỗ làm, đã dành thời gian cho công việc này.
Tuy nhiên, trong một lần đến chỗ làm sớm, Hastings thấy CEO của công ty đang rửa chiếc cốc cà phê của ông trong phòng tắm. “Cả năm nay sếp rửa cốc cho em à?”, Hastings đứng ngây người và hỏi.
Vị CEO gật đầu: “Đây là điều tôi có thể làm để hỗ trợ cho cậu. Cậu đã đóng góp và làm được rất nhiều cho công ty”.
Câu trả lời của vị CEO đã cho ông bài học vỡ lòng về việc quản trị nhân viên và giữ chân nhân tài. Văn hóa doanh nghiệp của Netflix đã hình thành từ sự yêu mến mà Hastings dành cho vị sếp ấy.
Văn hóa riêng tại Netflix
CEO Reed Hastings của Netflix được coi là một trong những kẻ "tài năng lập dị" khi điều hành công ty mà không có một văn phòng riêng tại trụ sở chính.
Một phần lớn di sản của Hastings với Netflix là tài liệu mà ông đồng sáng tạo với cựu giám đốc tài năng của Netflix, Patty McCord, được gọi là Sàn văn hóa Netflix.
Hastings, như rất nhiều CEO khác ở Thung lũng Silicon làm, có một tầm nhìn khác về văn hóa công sở. Phần lớn “bộ” văn hóa đưa ra là cực kỳ thân thiện với nhân viên, không còn một khoảng thời gian nghỉ phép được phân bổ hoặc nghỉ phép của nhân viên là cha mẹ. Nhân viên có quyền sử dụng theo ý riêng của họ. Văn hóa được thiết kể lỏng lẻo và linh hoạt, không quá vi mô.
Ban đầu là một trình chiếu dài 124 trang được thực hiện để thuyết trình, Bộ Văn hóa Netflix lan rộng khắp Thung lũng Silicon đầy hứa hẹn cho môi trường văn phòng.
Business Insider dẫn lời Reed Hastings trong lần phỏng vấn về văn hóa Netflix, “mô hình tương lai của chúng tôi là tăng quyền tự do trong nhân viên cũng như cách chúng tôi phát triển, chứ không hạn chế nó, để tiếp tục thu hút nhân tài và nuôi dưỡng cá nhân sáng tạo. Chúng tôi sẽ có cơ hội thành công cao hơn một khi theo đuổi chiến lược này”.
Để thu hút và giữ chân những nhân viên tiềm năng, Hastings sẵn sàng trao cho họ những quyền lợi và sự hỗ trợ tốt nhất mà ông có thể làm cho họ.
Khi một nhân viên nữ trong Netflix lên chức mẹ, Hastings sẽ cung cấp chính sách nghỉ phép “không giới hạn” trong vòng một năm sau khi sinh mà vẫn giữ nguyên mức lương cho họ. Một nhân viên lên chức cha cũng có thể nghỉ tùy thích trong vòng một năm và vẫn nhận lương thưởng đầy đủ.
Ngoài ra, Netflix cũng không giới hạn ngày nghỉ phép cho nhân viên của mình. Công ty sẽ không gò bó và không theo dõi ngày nghỉ của nhân viên. Thay vào đó, nhân viên và người quản lý của họ sẽ cần có những cuộc trò chuyện về những gì là thích hợp cho sự phát triển và đảm bảo đặc quyền này sẽ không bị lạm dụng hoặc sử dụng không hiệu quả.
“Tại Netflix, chúng tôi nghĩ rằng các nhân viên có thể tự xây dựng một ý thức trách nhiệm khi họ thực sự yêu công việc họ làm. Điều chúng tôi cần là hiệu quả công việc, chứ không quan tâm số giờ nhân viên có mặt ở công ty. Vì thế, Netflix sẵn sàng tạo điều kiện để tài năng của nhân viên được ươm mầm, phát triển, từ đó gắn bó lâu dài với công ty”, Hastings cho biết trên Business Insider.
CEO Reed Hasting của Netflix cũng là người tạo ra nền văn hóa làm việc "mở" tại công ty, khi cho tất cả nhân viên tự do ngôn luận và chia sẻ tất cả thông tin với nhau. Điều đó khiến Netflix như một hãng "anti-Apple" với văn hóa công ty hoàn toàn trái ngược.
Trong một hội nghị TED, Hasting tiết lộ: "Chúng tôi giống như đang anti-Apple vậy. Nếu như văn hóa của họ là ngăn cách thông tin ra bên ngoài thì chúng tôi hoàn toàn ngược lại. Tại đây tất cả mọi người đều có thể nhận được bất cứ thông tin nào. Bất cứ khi nào tôi tìm và thực hiện bất cứ quyết định lớn nào, tôi đều không hề có ý định giấu diếm hay làm gì với chúng".
Apple được coi là công ty có nền văn hóa bảo mật nhất thế giới, những thông tin nhạy cảm về các sản phẩm đều phải được nhân viên trong công ty giữ kín. Thậm chí nếu không tuân theo quy định, họ sẽ phải đối mặt với án phạt về luật pháp nếu làm rò rỉ thông tin.
Còn với Hastings thì chiến lược chia sẻ thông tin tại Netflix nhằm thúc đẩy các cuộc tranh luận lành mạnh trong quá trình đưa ra cuộc định cuối cùng. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi Netflix là một dịch vụ phục vụ người xem phim và các show truyền hình thực tế, việc đóng góp các ý kiến, ý tưởng từ mọi người trong công ty có thể làm nội dung trở nên phong phú hơn.
CEO nói thêm: "Chúng tôi muốn mọi người nói lên sự thật, vì phản đối trong âm thầm đồng nghĩa với việc không trung thành. Không nên để một quyết định được đưa ra chỉ là quyết định của riêng bạn. Chúng tôi tập trung vào việc càng có nhiều cuộc tranh luận càng tốt".
Có thể bạn quan tâm
Ông Hồ Quỳnh Hưng chính thức rời ghế CEO Bóng đèn Điện Quang
16:01, 09/09/2020
Đại gia xăng dầu Ngô Văn Phát vừa bị khởi tố là ai?
11:00, 09/09/2020
Chuyện chưa kể về hành trình xây dựng khu du lịch Suối Tiên của doanh nhân kín tiếng Đinh Văn Vui
03:00, 09/09/2020
Doanh nhân Nguyễn Thanh Việt và lời khuyên với người trẻ
03:03, 08/09/2020
Sai lầm của 'thái tử' Red Bull liệu có thể giết chết cơ nghiệp của cả gia tộc?
16:07, 07/09/2020
Bí ẩn chủ công ty cắt tóc vừa huy động 738 tỷ đồng trái phiếu
03:00, 07/09/2020
Một ngày của các tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Đình Long diễn ra như thế nào?
16:11, 06/09/2020
Dầu thực vật Tường An có Tân Chủ tịch HĐQT
02:48, 06/09/2020