Lee Kun-hee - Nhà tư tưởng lớn của Samsung
Ông Lee Kun-hee, người đã có công thay đổi cả tập đoàn Samsung từ một thương hiệu bình thường thành nhà sản xuất smartphone, TV và chíp nhớ lớn bậc nhất thế giới vừa qua đời ở tuổi 78.
Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee là người giàu nhất Hàn Quốc, với tài sản ròng ước tính là 20,7 tỷ USD, theo Bloomberg. Theo công bố của Samsung, ông từ trần hôm 25/10 bên cạnh gia đình nhưng công ty này không đề cập đến nguyên nhân cái chết. Samsung, Chaebol lớn nhất Hàn Quốc, đã được con trai duy nhất của ông - Lee Jae Yong - lãnh đạo kể từ sau cơn đau tim.
Thành công từ triết lý “Thay đổi tất cả trừ vợ và con”
Thành công ngày hôm nay của Samsung gắn với tên tuổi Chủ tịch tập đoàn Lee Kun Hee.
Năm 1987, Chủ tịch sáng lập Samsung Lee Byung Chul qua đời, hai tuần sau đó Lee Kun- Hee, con trai thứ ba của ông tiếp quản đế chế Samsung.
Là con trai thứ ba trong gia đình có ba người con trai, trong xã hội Hàn Quốc vốn ưa tôn ti trật tự, từ khi sinh ra Lee Kun Hee vốn không được định trước sẽ trở thành lãnh đạo của cả tập đoàn Samsung khi cha ông qua đời. Nhưng định mệnh đã xui khiến hai người anh trai làm mất niềm tin của cha ông và Lee Kun Hee đột nhiên được lựa chọn trở thành người thừa kế. Cũng từ đây những trang mới trong cuộc đời ông bắt đầu mở ra.
Mặc dù đã là một trong những tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc, nhưng các sản phẩm của Samsung khi ấy hầu như chỉ được tiêu thụ trong nước, vì bị “lép vế” khi xuất khẩu ra những thị trường khó tính hơn như Châu Âu, Mỹ bởi chất lượng thấp dù giá thành rẻ mạt.
Đứng trước tình trạng trì trệ của tập đoàn, Lee Kun- Hee đã thực hiện một loạt những cải cách thay đổi. Ông bắt đầu chiến dịch thay đổi cách thức làm việc của Samsung bằng việc... không đến công ty. Làm việc tại nhà ở ngoại ô Seoul, kiên quyết không nghe điện thoại và tiếp khách, Lee Kun Hee muốn buộc các quản lý cấp dưới của mình phải tự ra quyết định và chịu trách nhiệm trước các quyết định đó.
Năm 1987, khi trở thành chủ tịch Tập đoàn Samsung và cầu viện sự tư vấn của cố vấn người Nhật Fukuda, Lee Kun Hee đã vô cùng sửng sốt trước nội dung của bản Báo cáo do chính ông Fukuda chắp bút: “Samsung Electronics mắc “căn bệnh Samsung”, đó là bệnh lãng phí, thiếu kế hoạch, thiếu triệt để và thiếu tính cụ thể. Căn bệnh khiến Samsung không phân biệt nổi vi mô (micro) và vĩ mô (macro). Nếu căn bệnh này không được chữa khỏi thì Samsung chắc chắn sẽ sụp đổ.”
Bản báo cáo này cùng với một vài vụ việc phát sinh đã gây ra cú sốc lớn cho chủ tịch Lee Kun Hee. Một trong số đó là sự kiện “dao cạo máy giặt”. Đây là vụ bê bối lớn về quy trình sản xuất máy giặt kém chất lượng của Samsung. Một nhân viên lắp ráp máy giặt đã dùng dao cạo để đẽo gọt cánh cửa máy giặt khi thấy cửa đóng mở không khớp. Vụ bê bối này thực sự là một đòn giáng nặng nề đối với Lee Kun Hee.
Tiếp đó, tháng 1 năm 1993, Lee Kun Hee đã bàng hoàng đến tái mặt khi cùng một số giám đốc phụ trách ngành điện tử của Samsung tiến hành chuyến thị sát tại một khu bán đồ điện tử ở trung tâm thành phố Los Angeles. Tại vị trí trung tâm của khu thương mại này trưng bày rất nhiều sản phẩm của các thương hiệu phổ biến như GE, Whirlpool, Philips, Sony, NEC,... trong đó các sản phẩm mang thương hiệu Samsung lại bị tấp vào xó xỉnh một cách không thương tiếc. Như vậy đã đủ để Lee Kun Hee thấy được vị trí của Samsung trên thị trường lúc đó và ông quyết tâm không để kéo dài tình trạng này lâu hơn nữa.
Tháng 2 năm 1993, Lee Kun Hee đã triệu tập các giám đốc phụ trách sản xuất hàng điện tử của Samsung tới Los Angeles, Mỹ. Và từ Los Angeles, Lee Kun Hee tiếp tục thay đổi địa điểm và chọn Frankfurt làm địa điểm chính thức, tại đây ông đã đưa ra Tuyên bố kinh doanh mới của Samsung với mục đích ‘Hãy thay đổi từ chính bản thân mình’, ‘Hãy thay đổi tất cả trừ vợ và con cái bạn’, ‘Hãy bỏ qua số lượng để tập trung cho chất lượng’ chính là phát pháo hiệu mở ra cuộc đại cách mạng đổi mới toàn bộ tổ chức Samsung.
Trong suốt bốn tháng, Lee Kun Hee mang theo đội ngũ 1.800 người bao gồm các nhân viên và nhiều lãnh đạo của Samsung đi tới các ‘cứ điểm’ chính của Samsung trên toàn thế giới như Los Angeles, Tokyo, Frankfurt, Osaka, London,.. ‘khai nhãn’ cho cấp dưới của mình thấy rằng thế giới đã thay đổi ra sao và Samsung đang ở đâu trên vũ đài quốc tế.
Cuối cùng, sau 350 giờ đồng hồ, Lee Kun Hee đã giải thích cặn kẽ về tầm nhìn chiến lược mà Samsung cần phải tiến tới. Đặc biệt, những cuộc họp thuyết trình về triển vọng mới của Samsung của chủ tịch Lee Kun Hee mà theo thống kê kéo dài tổng cộng 800 giờ đồng hồ này thường bắt đầu vào 8 giờ tối và kết thúc vào 2 giờ sáng ngày hôm sau.
Có thể nói, ‘Tuyên bố kinh doanh mới’ chính là hồi chuông cảnh tỉnh những con người Samsung đang tự hài lòng với hiện tại, yên phận với vị trí số 1 của Samsung tại thị trường Hàn Quốc và dương dương tự đắc chẳng khác nào “ếch ngồi đáy giếng.”
Nội dung của "Tuyên ngôn Frankfurt" được cô đọng lại thành "Chính sách quản lý mới" của Samsung và trình bày thành 1 cuốn sách 200 trang, phát đến tận tay cho từng công nhân. Một quyển phụ lục riêng để giải nghĩa các khái niệm trong "Chính sách quản lý mới" được phát hành sau đó. Thậm chí những công nhân đọc viết không thông thạo còn được nhận 1 phiên bản vẽ theo phong cách... truyện tranh nhằm diễn giải dễ hiểu các gạch đầu dòng quan trọng của chính sách mới.
Kể từ đó, "Chính sách quản lý mới" được coi như thánh kinh của Samsung, thậm chí cả căn phòng khách sạn nơi diễn ra cuộc họp năm 1993 cũng được Lee cho "bốc" về tổng hành dinh của Samsung ở Hàn Quốc và tái tạo nguyên bản để làm nơi "thờ phụng", tồn tại như 1 vật chứng nhắc nhở nhân viên Samsung không bao giờ tự thỏa mãn và luôn khát khao hướng đến chất lượng sản phẩm để chinh phục thị trường quốc tế.
Vào đầu những năm 1990, Samsung vượt qua các đối thủ Nhật Bản và Mỹ để trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực chip nhớ. Sau đó, họ thống trị lĩnh vực màn hình phẳng. Tiếp theo, công ty chinh phục thị trường di động từ trung cấp đến cao cấp khi điện thoại di động trở thành thiết bị điện toán mạnh mẽ vào những năm 2000.
Samsung Electronics ngày nay là nền tảng của nền kinh tế Hàn Quốc và là một trong những công ty chi tiêu nhiều nhất trên thế giới cho nghiên cứu và phát triển. Ông Lee nắm vai trò Chủ tịch Samsung Group từ năm 1987 đến 1998, Chủ tịch kiêm CEO Samsung Electronics từ 1998 đến 2008, và sau đó là chủ tịch Samsung Electronics từ năm 2010 cho đến khi ông qua đời.
Quyết đoán và nhìn xa trông rộng
Cố chủ tịch Samsung được miêu tả là người yêu thích vận động và các hoạt động thể thao. Theo BBC, ông Lee từng tiết lộ môn thể thao ưa thích là gofl, cưỡi ngựa, bóng bàn và trượt tuyết. Ông còn thích xem phim và nghe nhạc cổ điển.
Ông Lee được biết đến với lối lãnh đạo quyết đoán và có tầm nhìn đáng kinh ngạc. Trong thông báo về sự ra đi của ông, đại diện Samsung cho biết: "Chủ tịch Lee là người có tầm nhìn xa trông rộng, thúc đẩy Samsung thành đế chế công nghiệp hàng đầu thế giới từ một doanh nghiệp địa phương và trở thành một nhà đổi mới sáng tạo hàng đầu. Di sản của ông ấy sẽ mãi trường tồn".
Cho đến nay, các dịch vụ và sản phẩm của Samsung hầu như chạm đến mọi khía cạnh cuộc sống của người dùng Hàn Quốc, trở thành đế chế điện tử lớn nhất khu vực với mạng lưới các lĩnh vực đa dạng như đóng tàu, xây dựng, thời trang, giải trí và tài chính.
Trong đó, Samsung Electronics là mũi nhọn chiến lược trong hệ sinh thái Samsung. Samsung Electronics nhiều năm giành vị trí công ty công nghệ lớn nhất thế giới tính theo doanh thu. Ông Lee là động lực thúc đẩy công ty trở thành nhà sản xuất chip nhớ máy tính và TV màn hình phẳng lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà sản xuất điện thoại di động số một toàn cầu.
Năm 1995, để nhấn mạnh vào tầm quan trọng của chất lượng, ông Lee từng đến thăm một nhà máy của Samsung ở thị trấn Gumi sau khi phát hiện lỗi trong một lô điện thoại di động. Theo cuốn sách “Samsung Electronics và cuộc chiến dẫn đầu ngành công nghiệp điện tử” của tác giả Tony Michell, hơn 2.000 công nhân của nhà máy Gumi được tập trung tại một sân đất trống, mỗi người phải đeo băng đô được ghi rõ “Chất lượng là trên hết”.
Ông Lee và ban giám đốc ngồi dưới biểu ngữ có nội dung “Chất lượng là niềm tự hào của tôi”. Tiếp theo, họ chứng kiến lô hàng hóa trị giá 50 triệu USD gồm điện thoại, máy fax và hàng tồn kho bị đập vỡ tan thành từng mảnh, sau đó bốc cháy nghi ngút.
Các nhân viên bật khóc. Câu chuyện này trở thành giai thoại truyền kỳ trong lịch sử Samsung về sự quyết đoán trong lối làm việc và mục tiêu xây dựng chất lượng sản phẩm của ông Lee Kun Hee về sau này.
Thành tích kinh doanh của ông Lee không phải là không có sai lầm. Tin rằng thiết bị điện tử sẽ trở thành một phần không thể thiếu đối với ô tô, ông bắt đầu kinh doanh ô tô vào giữa những năm 1990. Nhưng Samsung Motors đã bị bán tháo vào năm 2000.
Samsung bước vào giai đoạn chinh phục toàn cầu vào những năm 2000, sử dụng các thiết bị hào nhoáng và cách tiếp thị bóng bẩy để gắn liền tên tuổi của mình vào tâm trí người tiêu dùng phương Tây. Tuy nhiên, ông Lee hiếm khi xuất hiện trước công chúng.
Đến năm 2007, ông đã xác định được cuộc khủng hoảng tiếp theo sắp xảy ra đối với Samsung. Trung Quốc đi lên trong lĩnh vực sản xuất cấp thấp, trong khi Nhật Bản và phương Tây vẫn dẫn đầu về công nghệ tiên tiến. Các công ty Hàn Quốc - bao gồm cả Samsung - bị kẹp giữa.
Nhưng khi ông Lee bắt đầu thực cải cách Samsung thì những cáo buộc đã nổi lên rằng ông đã trốn thuế hàng tỷ USD trong các tài khoản bí mật. Thay vì chống lại các cáo buộc, ông đã khiến Hàn Quốc choáng váng khi tuyên bố từ chức trên truyền hình trực tiếp.
“Tôi đã hứa cách đây 20 năm rằng ngày mà Samsung được công nhận là doanh nghiệp hạng nhất, thì vinh quang và thành quả đều là của bạn,” ông nói vào năm 2008 trước các nhân viên, giọng gần như thì thầm. "Tôi thực sự xin lỗi vì đã không thể giữ lời hứa đó".
Ông được ân xá vào năm sau đó và được bổ nhiệm lại làm chủ tịch của Samsung vào năm 2010.
Sau một cơn đau tim vào năm 2014, con trai ông và hiện là Phó Chủ tịch Samsung Electronics, Lee Jae-yong, đã trở thành gương mặt đại diện cho công ty.
Samsung Electronics ngày nay là trụ cột lớn mạnh của nền kinh tế Hàn Quốc, đồng thời là một trong những đơn vị chi nhiều kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển nhất trên thế giới. Trong suốt thời gian tại vị, ông Lee luôn giữ vai trò nhà tư tưởng lớn của Samsung và là người đề xuất nhiều định hướng chiến lược quan trọng.
Có thể bạn quan tâm
"Thái tử Samsung" - người vừa sang Việt Nam để mở rộng kinh doanh là ai?
03:08, 21/10/2020
"Thái tử" Samsung đến Việt Nam: Cơ hội nào cho thị trường Việt sau đợt thoái lui ở Trung Quốc?
13:40, 20/10/2020
Samsung dẫn đầu doanh số smartphone toàn cầu trong tháng 8
11:23, 19/10/2020
Samsung – Đẳng cấp hay gặp thời?
15:18, 11/10/2020