"Thái tử" Lee Jae-yong liệu đã "chắc chân" tại Samsung?
Việc "linh hồn" của Samsung - Chủ tịch Lee Kun Hee qua đời dư luận hướng sự quan tâm tới người thừa kế liệu có phải dành cho con trai duy nhất - "thái tử" Lee Jae-yong.
Theo số liệu của Reuters, doanh thu các công ty con của Samsung trong năm 2019 là 326,7 ngàn tỉ won, tương đương 17% tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc.
"Thái tử Samsung" là ai?
Ông Lee Jae-yong là con trai duy nhất của Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee. Theo bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes, ông Lee là người giàu thứ ba Hàn Quốc với khối tài sản 6,8 tỷ USD. Forbes cũng từng xếp hạng ông cùng Chủ tịch Lee Kun-hee là người quyền lực nhất Hàn Quốc.
Lee Jae Yong sinh ngày 23 tháng 6 năm 1968 ở Seoul, Hàn Quốc. Jae-Yong bắt đầu làm việc cho Samsung vào năm 1991. Ông đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Kế hoạch chiến lược và sau đó là "Giám đốc khách hàng" - một vị trí quản lý được thiết lập riêng cho ông.
Tháng 12 năm 2009, Jay Y trở thành Giám đốc điều hành của Samsung Electronics. Kể từ tháng 12 năm 2012, ông là Phó Chủ tịch của Samsung. Jay Y là một trong những cổ đông lớn của công ty con Dịch vụ tài chính của Samsung, sở hữu 11% Samsung SDS.
Là người thừa kế của đế chế Samsung và dự kiến sẽ kế nhiệm Lee Kun Hee vào tháng 4 năm tới, vẫn còn rất nhiều người ngờ vực về khả năng của người thừa kế. Jay Y vẫn khiến các cổ đông hoài nghi: "Liệu anh ta có thể điều hành tập đoàn chiếm đến một phần năm GDP Hàn Quốc không?".
Nếu như Lee Kun Hee được ví von như một vị thần thì người thừa kế của ông, Lee Jae Yong lại là một người khiêm tốn, cởi mở hơn cha mình. Bloomberg cho biết, Lee Jae Yong có thể giúp Samsung lấn sân từ địa hạt phần cứng sang phần mềm và tăng cường quan hệ ngoại giao của Samsung trong tương lai.
Tuy nhiên, Jae Yong vẫn phải chứng tỏ được rằng anh có thể quản lý đế chế Samsung. Ông nội của anh thành lập Tập đoàn Samsung và cha anh đã phát triển nó thành đế chế kinh doanh lớn nhất Hàn Quốc, đồng thời là một người khổng lồ công nghệ của thế giới.
Tại Hàn Quốc, Samsung là một đế chế khổng lồ còn Chủ tịch Lee Kun-hee được xem như một biểu tượng của giới kinh doanh. Nhưng người thừa kế duy nhất của ông vẫn là một nhân vật bí ẩn với giới truyền thông. Ông Lee Jae-yong hiếm khi tiếp xúc với phóng viên hay xuất hiện ở nơi công cộng.
Những người thân thiết nhận xét chính sự nhạy bén kinh doanh của vị phó chủ tịch đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi của gã khổng lồ điện tử tiêu dùng Hàn Quốc. "Ông ấy rất nhạy bén và thấu đáo. Ông Lee cũng có công lớn trong việc đưa ra những quyết định quan trọng, chẳng hạn như việc Samsung chuyển từ sử dụng LCD sang OLED", một vị giám đốc điều hành của Samsung tiết lộ.
"Luôn có những tin đồn xung quanh ông Lee, nhưng ông ấy không giống những gì được miêu tả trên các phương tiện truyền thông. Ông rất tận tâm với công việc và là một doanh nhân nghiêm túc", người này nói với Reuters.
Hồi tháng 9, Samsung tuyên bố Phó chủ tịch Lee Jae-yong đã "đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các hoạt động kinh doanh mới và mối quan hệ với khách hàng và đối tác toàn cầu". Tập đoàn bác bỏ các báo cáo của truyền thông về những hành vi sai trái của ông Lee và nhận định điều này có thể ảnh hưởng đến "không chỉ Samsung và còn tương lai của nền kinh tế Hàn Quốc".
Tập đoàn cũng nhấn mạnh vai trò của ông Lee trong thỏa thuận 5G với Tập đoàn viễn thông KDDI của Nhật Bản vào năm ngoái bất chấp quan hệ song phương ngày càng xấu đi. Samsung Electronics - viên ngọc quý của Samsung - báo cáo doanh thu hàng năm vào năm 2019 tương đương 12% sản lượng kinh tế của Hàn Quốc.
Liệu đã "chắc chân"?
Các công ty chủ chốt của tập đoàn này là Samsung Life Insurance và Samsung Electronics. Cố chủ tịch Lee sở hữu 20,76% cổ phần của công ty bảo hiểm và là cổ đông cá nhân lớn nhất của Samsung Electronics với 4,18% cổ phần.
Hãng thông tấn Yonhap nhận định nhiều vấn đề pháp lý sẽ phát sinh sau khi ông Lee Kun Hee qua đời.
Đối với các con ông, khối tài sản ròng hơn 20 tỉ USD của cha có thể khiến họ phải trả tiền thuế thừa kế đáng kể. Hiện vẫn chưa rõ ông Lee có để lại di chúc hay không và qua đời vì nguyên nhân gì, theo Yonhap.
Một chuyên gia trong ngành luật nhận định với Yonhap rằng nếu gia đình Lee quyết định thừa kế quyền sở hữu cổ phần, thuế thừa kế có thể lên tới 10 ngàn tỉ won (khoảng 882 triệu USD).
Việc tái cơ cấu các công ty con của Samsung và vấn đề ai sẽ là người kế vị tập đoàn cũng thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Ông Lee Kun Hee có 3 người con và vợ vẫn còn sống.
Bà Lee Boo Jin, con gái lớn của cố chủ tịch Samsung, hiện đang quản lý chuỗi khách sạn Shilla thuộc Samsung; bà Lee Seo Hyun phụ trách Quỹ phúc lợi Samsung.
Người con trai duy nhất của ông Lee - ông Lee Jae Yong - hiện đang là phó chủ tịch Samsung Electronics, vốn được xem như "con gà đẻ trứng vàng" của cả tập đoàn.
Theo Yonhap, kể từ khi cha đổ bệnh năm 2014, Jae Yong đã trở thành chủ tịch trên thực tế của cả tập đoàn và được nhiều người gọi bằng danh xưng "Thái tử Samsung".
Tuy nhiên, do hiện chỉ nắm giữ số cổ phần rất nhỏ trong Samsung Life Insurance và Samsung Electronics, những người trong ngành suy đoán ông Jae Yong có thể sẽ chọn thừa kế quyền sở hữu cổ phần của cha ông để nắm chắc hơn tập đoàn.
Điều này rất quan trọng vì ông Jae Yong đã công bố tham vọng đưa Samsung Electronics trở thành nhà sản xuất chip logic số 1 thế giới vào năm 2030. Trong kế hoạch được đưa ra vào năm ngoái, để đạt mục tiêu này, Samsung sẽ chi ít nhất 117 tỉ USD.
Nhưng việc thừa kế quyền sở hữu cổ phần của ông Jae Yong có thể gặp rắc rối pháp lý.
Vụ bê bối chính trị dẫn đến việc luận tội cựu Tổng thống Park Geun Hye, trong đó ông Jae Yong bị cáo buộc đưa hối lộ bà Park, đã khiến ông phải ngồi tù gần 1 năm. Ông được trả tự do vào tháng 2-2018 sau khi được tòa cho hưởng án treo. Tháng 8-2018, Tòa tối cao Hàn Quốc lại ra phán quyết yêu cầu xem xét lại bản án treo.
Mới tháng trước, phía công tố Hàn Quốc đã cáo buộc ông Jae Yong và ban lãnh đạo Samsung cấu kết hạ thấp giá trị của Samsung C&T trước khi sáp nhập với Cheil Industries. Cả hai đều là công ty con của Samsung và việc sáp nhập có lợi cho tiến trình "kế vị" của Jae Yong.
"Đã 6 năm kể từ khi ông Lee Kun Hee nhập viện, nếu vợ và các con của ông ấy đã đạt được sự đồng thuận phân chia tài sản, Samsung sẽ trải qua biến cố này một cách êm thấm. Nếu không, rất có thể sẽ có thù hằn giữa những người ở lại", ông Park Sang In, giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul, phân tích với Hãng tin AFP.
Trong một tuyên bố bất ngờ hồi tháng 5 năm nay, ông Jae Yong đã xin lỗi công chúng và cam kết sẽ không bao giờ để những tranh cãi liên quan việc "kế vị" xảy ra.
Ông cũng nhấn mạnh sẽ không tìm cách trao lại quyền quản lý tập đoàn cho con, ám chỉ khả năng Samsung sẽ không còn là một tập đoàn gia đình trị (Chaebol) như hiện tại.
Có thể bạn quan tâm
Lee Kun-hee - Nhà tư tưởng lớn của Samsung
10:45, 25/10/2020
"Thái tử Samsung" - người vừa sang Việt Nam để mở rộng kinh doanh là ai?
03:08, 21/10/2020
"Thái tử" Samsung đến Việt Nam: Cơ hội nào cho thị trường Việt sau đợt thoái lui ở Trung Quốc?
13:40, 20/10/2020
Samsung – Đẳng cấp hay gặp thời?
15:18, 11/10/2020