Chủ tịch Vina T&T Nguyễn Đình Tùng: Muốn chạy đường dài, hãy biết nhìn xa và cởi mở
Đúc kết những kinh nghiệm trong nhiều năm kinh doanh xuất nhập khẩu trái cây, ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, một công ty sẽ không thể phát triển lâu dài được nếu thiếu đi tầm nhìn chiến lược.
Vượt thử thách
Chuyện khởi nghiệp của ông Tùng bắt đầu với một công ty về logistics ra đời vào năm 2008 chuyên vận chuyển thực phẩm và cũng có tiếng trên thị trường lúc đó.
Trên đà phát triển, có một vị khách Trung Quốc đặt vấn đề đưa ra 300.000 USD tiền cọc (chưa tính tiền hàng ngày) để yêu cầu công ty xuất nhập tôm sú hàng ngày.
“Hợp đồng hấp dẫn khiến chúng tôi bỏ bê các mảng, lĩnh vực còn lại như trái cây. Nhưng đến khi doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn, doanh thu “số âm”, cần một sự hợp lực, bù đắp từ nhiều mảng thì đã muộn.
Kinh doanh đôi khi là thế, thành công là thành công luôn, còn thất bại cũng thất bại rất cay đắng.
Giai đoạn khó khăn đó, có một vị khách khác đặt vấn đề về thanh long. Tôi cũng chia sẻ về tình trạng công ty cũng như thực tế mình đã không còn làm về trái cây nhiều như trước nhưng vị khách này một mực muốn mình làm, chủ động đưa trước chi phí và khuyên cứ thử làm đi.
Do công ty đang gặp những hạn chế về tài chính nên dù nhận lời, tôi cũng gặp rất nhiều trở ngại: phải hạn chế “ra mặt” với các đối tác trong quy trình vận chuyển cũng như phải sống khép kín.
Rất may mắn là hợp đồng này đã diễn ra thành công và đây cũng chính là tiền đề cho sự phát triển của Vina T&T trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trái cây sau này”, ông Tùng nhớ lại quãng thời gian khó khăn khi mới khởi nghiệp.
Ghi điểm cho nông sản Việt
Dù là chủ một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây tới các thị trường khó tính bậc nhất thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… nhưng ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Vina T&T Group cũng là một người tiêu dùng như bao người Việt Nam khác.
Vào siêu thị, tìm đến quầy trái cây, ông nhận thấy trái cây nhập khẩu được bày biện đẹp “lung linh”, dù giá cao nhưng người Việt vẫn sẵn sàng bỏ túi mua. Trong khi đó, hàng của Việt Nam, theo mô tả của ông Tùng, là trông rất xơ xác.
“Tại sao lại như vậy trong khi người tiêu dùng trên thế giới rất thích ăn trái cây Việt, cưng chiều trái cây Việt. Ở Nhật, nếu đến nhà ai mà được mời ăn quả thanh long Việt Nam thì chắc chắn phải là một người khách VIP”, ông Tùng nói.
Ông Tùng cho rằng, nếu sản phẩm được bảo đảm sạch, chất lượng, và được trân trọng trong cách bày biện thì người Việt cũng sẽ sẵn sàng bỏ tiền mua.
Sau khi đã đưa được thương hiệu trái cây Việt Nam tới các thị trường lớn trên thế giới và khẳng định vị thế, Chủ tịch Vina T&T quyết định nâng tầm trái cây Việt trong mắt của chính người Việt Nam, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng trong nước. Ông mở một cửa hàng ngay trung tâm TP. HCM, trái cây chất lượng cao, mẫu mã đẹp được bày biện không thua kém trái cây ngoại.
“Mọi người bảo tôi trong Nam có sẵn trái cây rồi cần gì phải vượt mưa bão lên Sơn La cho vất vả. Tôi đã mang các sản phẩm tinh hoa xuất đi Mỹ nhưng thấy bà con khổ quá. Tôi làm vì đam mê, muốn mang tất cả sản phẩm Việt ra thế giới. Tôi cũng muốn người Việt trân trọng sản phẩm Việt Nam, tại sao thế giới trân trọng mà mình lại chê”, ông Tùng chia sẻ.
Tuy nhiên, có một vấn đề chủ tịch T&T cũng thẳng thắn chia sẻ rằng, hiện nay, nông sản loại 1 do nông dân sản xuất đã xuất hết nhưng lượng nông sản loại 2 còn tồn đọng. Tình trạng này diễn ra sẽ tạo cơ hội cho thương lái ép giá, gây bất lợi cho nông dân. Do đó Vina T&T chủ động tạo ra đầu ra cho nguồn hàng này.
Từ thực tế đó, Vina T&T đã cho ra đời chuỗi cửa hàng trái cây mới trước nhu cầu đầu ra cho trái cây loại 2 từ nông dân.
Chủ tịch Vina T&T luôn trăn trở: “Tôi thấy trái cây Việt Nam đang cạnh tranh rất tốt trên thị trường thế giới. Cái khó là làm sao xuất khẩu được sản phẩm mang thương hiệu Việt, để nâng cao giá trị nông sản Việt”.
Vina T&T đã chọn cách khó như vậy để đi những bước rất vững chắc trên con đường xuất khẩu trái cây đầy chông gai. Cho tới nay, gần như các loại trái cây tươi xuất khẩu của doanh nghiệp này đều mang thương hiệu Việt Nam, với xuất xứ sản phẩm và địa lý rõ ràng. Dù chưa đạt tới mức truy xuất nguồn gốc xuất xứ, nhưng Công ty đã làm được thương hiệu, để khách hàng nhìn vào là biết sản phẩm đến từ Việt Nam.
Chính ông Nguyễn Đình Tùng đã ra quyết định mở trụ sở công ty tại Mỹ và EU chỉ sau một thời gian ngắn thiết lập được kênh xuất khẩu. Vina T&T thành lập chưa lâu, nhưng kinh nghiệm trong nghề đủ để họ hiểu rằng, để giảm rủi ro, thì phải giám sát được toàn bộ quy trình.
“Nếu mình thiết lập được vùng trồng an toàn thì có thể kiểm soát tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu chủ động được công đoạn logistic thì giảm được giá thành vận chuyển. Và nếu có được trụ sở ở thị trường xuất khẩu để giám sát hàng hóa thì giảm được tỷ lệ hàng lỗi cùng những sự cố phát sinh”, ông Tùng cho hay.
ới các doanh nghiệp, mục đích cuối cùng trong kinh doanh là tối đa hóa lợi nhuận. Ông Tùng bảo, điều này không sai, nhưng không hoàn toàn đúng với Vina T&T. “Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, cần phải san sẻ miếng bánh lợi nhuận cho tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất và xuất khẩu, gồm nông dân, những người làm công, Công ty và không quên dành cả phần lợi cho khách hàng ở bên kia biên giới”, ông Tùng chia sẻ.
Đối với doanh nghiệp chế biến trái cây tươi xuất khẩu, yếu tố quan trọng đầu tiên là phải quy hoạch, tổ chức được vùng trồng nguyên liệu đúng chuẩn. Đó là cơ sở để doanh nghiệp có nguồn hàng ổn định, giá thành tốt. Vì vậy, điều khiến ông Tùng trăn trở lúc này là đẩy được giá bán lên, để nông dân có lời hơn và để Vina T&T nâng cao được giá trị xuất khẩu trong những năm tới.
Có thể bạn quan tâm
"Chìa khóa" thành công của Chủ tịch Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn
03:00, 03/12/2020
Ba lần khởi nghiệp từ tro tàn của ông chủ Bita's
03:00, 02/12/2020
Doanh nhân trẻ Mai Sao Lonsdale và tham vọng về "transform" ngành làm đẹp
03:00, 01/12/2020
Doanh nhân Nguyễn Cao Hùng và hành trình làm smart home tại thung lũng Silicon
03:00, 30/11/2020