Doanh nhân Phạm Thị Huân: Chữ tình tròn đầy sẽ đưa doanh nghiệp vượt mọi gian nan
Ngấp nghé tuổi "thất thập cổ lai hy", tròn 50 năm với nghề quả trứng - con gà nhưng bà Ba Huân tự nhận niềm đam mê với quả trứng của mình "vẫn tròn trịa, mãnh liệt như cô gái tuổi đôi mươi".
Doanh nhân Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Ba Huân (thường được gọi là Ba Huân) là một trong những cá nhân đạt danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới giai đoạn 2016 – 2020.
Trăn trở với sản phẩm sạch
Cả cuộc đời gắn với trứng gà, trứng vịt từ khi còn là một thiếu nữ với đôi quang gánh bán trứng ở chợ làng Vĩnh Thạnh Đông, tỉnh Long An rồi gầy dựng, nuôi lớn thương hiệu Ba Huân, bà tự hào cho biết trứng gà sạch của công ty đã xác lập được vị trí vững chắc tại thị trường TP HCM.
Tại TP HCM, công ty hiện chiếm 25% thị phần trứng các loại, tiêu thụ rất mạnh ở kênh phân phối hiện đại và các lò bánh. Tại thị trường Hà Nội, Ba Huân đã chiếm được 10% kênh hiện đại.
Từ năm 2018 đến nay, Công ty Ba Huân chuyển hướng phát triển sản phẩm theo xu hướng tiêu dùng gắn liền với sức khỏe, liên tục ra mắt thị trường những sản phẩm mới có bổ sung thành phần omega 3, DHA, vitamin E. Đầu năm 2019, bà Ba Huân ký hợp đồng với tập đoàn ISE của Nhật để cung cấp trứng gà tươi ăn liền (không cần qua chế biến) cho chuỗi siêu thị, cửa hàng Nhật tại Việt Nam.
Khi việc hợp tác đang trên đà thuận lợi thì dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều cửa hàng Nhật tại TP HCM phải đóng cửa theo lệnh giãn cách và tiếp tục đóng cửa vì doanh thu thấp dẫn đến doanh thu mảng khách hàng này sụt giảm. Mặc dù vậy, Ba Huân vẫn tiếp tục duy trì sản xuất dòng trứng dinh dưỡng với thương hiệu công ty.
"Nhiều chuyên gia dinh dưỡng và khách hàng là diễn viên, người mẫu, vận động viên thể hình… khen sản phẩm ngon, chất lượng" - bà Ba Huân hào hứng. Bà cho biết những lời động viên đó đã tiếp sức cho công ty đi tiếp hành trình trứng sạch, dinh dưỡng cao.
"Tôi tham quan các trang trại chăn nuôi gà ở nước ngoài, thấy họ làm trứng sạch dinh dưỡng. Đem so với điều kiện công ty thì Ba Huân có đủ điều kiện để làm như họ nên tôi về bàn với anh em bắt tay vào thực hiện. Sau 3 năm, dòng sản phẩm này còn khá khiêm tốn, chỉ đóng góp 5% doanh thu của công ty nhưng còn nhiều khả năng phát triển" - bà Ba Huân kỳ vọng.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm thị trường, Chủ tịch Công ty Ba Huân nhận ra hạn chế lớn của sản phẩm này là chưa kết nối được với khách hàng: người tiêu dùng thiếu thông tin, chưa biết và hiểu nhiều về trứng dinh dưỡng.
Bà Ba Huân nhìn nhận: "Đó là điều rất đáng tiếc, nguyên nhân một phần là do lựa chọn chủ quan: tập trung nguồn lực đầu tư cho sản xuất, hướng đến nông nghiệp công nghệ cao bền vững nên có phần bỏ quên mảng truyền thông cho sản phẩm. Toàn bộ chuồng trại, con giống được nhập khẩu từ Hà Lan. Những nhà máy, chuỗi sản xuất của Ba Huân được công nhận là chuỗi sản xuất công nghệ cao. Đến nay, công ty đã đầu tư 550 tỉ đồng cho giai đoạn 1 dự án trang trại trên diện tích 50 ha ở Long An để xây dựng thành mô hình hiện đại đa chức năng, vừa chăn nuôi vừa nghiên cứu khoa học và phát triển các dòng trứng dinh dưỡng".
"Nhiều lúc tôi rất buồn vì mình dồn bao tâm huyết làm ra sản phẩm sạch - từ con giống đến thức ăn, điều kiện chăn nuôi, xử lý thành phẩm... - nhưng khi ra thị trường thì nhà phân phối lẫn người tiêu dùng chưa đánh giá đúng chất lượng. Họ cào bằng sản phẩm của chúng tôi với sản phẩm không sạch, trong khi cả về công sức lẫn giá thành, Ba Huân đều bỏ ra nhiều hơn. May mà quanh tôi luôn có những người thân, người bạn hiểu biết, đồng cảm và đồng hành trong mọi tình huống. Chính niềm động viên ấy đã cho tôi sức mạnh vượt qua những thăng trầm, kiên định với mục tiêu làm nông nghiệp sạch" - bà Ba Huân thổ lộ.
Theo bà Ba Huân, ngoài mảng cốt lõi là sản xuất trứng, nhà máy sản xuất thực phẩm công nghệ của công ty đã đi vào hoạt động ổn định, sản phẩm thịt gà tươi cũng đã có thị phần tiêu thụ tốt.
Ngấp nghé tuổi "thất thập cổ lai hy", tròn 50 năm với nghề quả trứng - con gà nhưng bà Ba Huân tự nhận niềm đam mê với quả trứng của mình "vẫn tròn trịa, mãnh liệt như cô gái tuổi đôi mươi". Ở lâu với nghề, bà càng trăn trở làm sao phát triển được thị phần sản phẩm sạch, truyền cảm hứng để người tiêu dùng ăn sạch, sống sạch.
Cái tâm của người làm doanh nghiệp
Chưa từng bước chân vào giảng đường đại học, thậm chí chưa học hết lớp 5, song nữ doanh nhân này đã đạt được những thành tựu rất đáng kể. Ở tuổi 66, gắn bó với ngành trứng gia cầm nửa thế kỷ, bà Huân vẫn luôn tin rằng, chữ tình tròn đầy sẽ đưa doanh nghiệp vượt qua mọi gian nan.
Nói về những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bà tâm sự: "Ở tuổi này, tôi bắt đầu sống chậm hơn. Dịch Covid-19 vừa qua cũng là dịp để tôi suy ngẫm nhiều vấn đề, cả kinh doanh lẫn sức khỏe bản thân. Thế giới đã có sự thay đổi, tôi cũng muốn thay đổi. Ba Huân luôn đổi mới trong bao nhiêu năm nay, từ giờ về sau cũng sẽ liên tục cải tiến, thay đổi để đi tới nhưng vẫn giữ vững giá trị cốt lõi của mình là làm kinh tế nông nghiệp phải gắn với cái tâm yêu thương, chia sẻ".
Với nhân viên, hàng chục năm qua, kể cả trong đại dịch lần này, Công ty bà cũng không để ai nghỉ việc. “Tôi coi nhân viên như con cháu trong nhà, đôi khi còn đứng ra dựng vợ, gả chồng cho các nhân viên. Khi gia đình họ có việc hiếu hay gặp bất kể khó khăn gì, nội bộ cũng đều chung sức, chung lòng để cùng vượt qua. Dù trong hoàn cảnh khó khăn chung do tác động của Covid-19, 800 nhân sự của Công ty vẫn giữ một lòng tin sẽ cùng Công ty vượt qua khủng hoảng”, bà Ba Huân chia sẻ.
Với cộng đồng, gần đây nhất, bà Ba Huân bán giảm giá thực phẩm các loại trứng gia cầm 20 - 30%, sản xuất các sản phẩm đã qua chế biến để đồng hành, hỗ trợ bà con miền Trung vượt qua khó khăn do bão lũ…
Xưa nay, phương châm và cũng là sợi dây kết nối xuyên suốt của Ba Huân chính là chia sẻ niềm tin cộng đồng, lấy chữ tín làm hàng đầu. “Khi đặt niềm tin vào nhau và cùng nỗ lực, chúng ta chắc chắn có thể vượt qua đại dịch lần này cũng như những thử thách trong tương lai”, bà nói.
Nói với cái “duyên” với ngành, bà trăn trở: “Người tiêu dùng biết tới tôi, biết tới Ba Huân nhiều hơn và vì tấm lòng của bà con nông dân một nắng hai sương cùng liên kết với mình, nên tôi không thể nào đổi sang kinh doanh ngành khác được”.
Và theo bà, dù ngành này là “thu bạc cắc”, nhưng nếu thật sự yêu nghề, kiên trì làm chuyên sâu, thì vẫn có cách để tồn tại, phát triển.
Ở Ba Huân, chu trình khép kín được áp dụng từ trang trại đến bàn ăn. Doanh nghiệp phải làm đầu tàu liên kết với nông dân cho khâu sản xuất và đầu tư vào chế biến, tiêu thụ, lấy chỉ tiêu chất lượng và chữ tín đặt lên hàng đầu. Khi được nhân viên nội bộ cũng như người tiêu dùng tin tưởng, doanh nghiệp sẽ có cơ hội phát triển.
“Tôi tin, đây là hướng đúng đắn. Đặc biệt, khi có được sự quan tâm, tin tưởng của người tiêu dùng, doanh nghiệp không được lơ là, mà phải chuyên sâu hơn để không phụ lòng tin đó”, bà Ba Huân chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Ngày cuối tuần của tỷ phú Jeff Bezos có gì đặc biệt?
03:00, 13/12/2020
Doanh nhân Lê Đức Thuấn: Ước mơ lớn nhưng hãy bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất
03:00, 11/12/2020
Đất nước tôn vinh họ – những anh hùng lao động!
14:00, 10/12/2020
Ông chủ đứng sau doanh nghiệp tư nhân sắp tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người tại Việt Nam
03:26, 10/12/2020
Cổ đông Việt đang nắm giữ 51% Grab là ai?
05:05, 09/12/2020