Chuyện chưa kể về người đứng sau "ông trùm" phân phối Canon tại Việt Nam
Với những người yêu thích bộ môn nhiếp ảnh hoặc cụ thể hơn là fan của thương hiệu máy ảnh Canon tại Việt Nam có lẽ đều biết đến cái tên Lê Bảo Minh - đơn vị phân phối số một của nhà sản xuất Nhật Bản.
Người đứng sau "ông trùm" phân phối Canon tại Việt Nam không ai khác chính là bà Lê Thị Ngọc Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Lê Bảo Minh.
Trưởng thành từ "máu" khởi nghiệp
Bà Ngọc Hải sinh năm 1968 tại mảnh đất nghèo Đức Thọ, Hà Tĩnh. 16 tuổi bà bước chân theo cậu vào Nam. Việc đầu tiên khi đặt chân tới vùng đất mới bà quyết đi học ngoại ngữ để mau chóng xin được việc làm tự nuôi sống bản thân.
Có ngoại ngữ, bà Hải đã xin vào làm nhân viên mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất. Khi ấy, rất nhiều người mừng vui cho bà với một công việc nhiều người mơ ước. Vậy mà chưa được nửa năm bà xin thôi việc, vì dù môi trường ở đây rất tốt, bà vẫn cảm thấy không thể bay nhảy với những ý tưởng kinh doanh được nung nấu và ấp ủ của mình.
Bà bắt đầu khởi nghiệp với một cơ sở nhỏ có vài nhân viên chuyên đi quấn mô tơ quạt điện, dù không biết gì về điện. Khi bắt đầu có chút vốn liếng về kinh doanh, cũng là thời điểm nước ta mở cửa và có nhiều công ty nước ngoài vào làm ăn tại Việt Nam muốn tìm đại diện phân phối, bà đã quyết định nhảy vào môi trường kinh doanh các sản phẩm của các công ty nước ngoài.
Bà bắt đầu mở cửa hàng bán máy văn phòng cho các hãng Toshiba, Canon, Ricoh… Dù chỉ được học qua loa về kinh doanh và tài chính, song với sự năng động, nhạy cảm và một cảm quan tốt về thị trường nên bà Ngọc Hải đã được các công ty nước ngoài chọn lựa làm đại diện phân phối cho các sản phẩm của mình. Từ một doanh nghiệp nhỏ chỉ với 15 nhân viên, bà thành lập công ty riêng trong lĩnh vực thiết bị máy văn phòng, Công ty cổ phần Lê Bảo Minh do bà làm Chủ tịch Hội đồng quản trị ra đời từ năm 1997 và từ năm 2003 đến nay là nhà phân phối độc quyền sản phẩm Canon tại thị trường Việt Nam.
Để đạt được thành công như ngày hôm nay thật không dễ dàng. Bà Ngọc Hải đã phải trải nghiệm những bước thăng trầm trong chặng đường đi lên của một thương hiệu. Đã có lúc bà cũng "nếm" những cú lừa ngoạn mục. Có nhiều người đã "ôm” một số tiền không nhỏ của công ty đi mất. Bà nói: "Tôi biết và có thể dùng pháp luật để xử lý họ, song nghĩ đi nghĩ lại, tôi cho rằng, thôi mình sống nhân ái, những người lầm đường lạc lối sẽ có những cái ngộ ra bởi chính lòng nhân của con người...".
Bà cũng tâm niệm: "Từng là một người làm công ăn lương nên tôi luôn trân trọng công sức của những người đã gắn bó, chữ "tín” phải đặt hàng đầu, nhắc nhở nhân viên coi khách hàng là thượng đế, khiêm nhường và tự nhắc mình đối xử với nhân viên bằng những đức tính ấy. Tôi thường giao trọng trách cho trưởng các bộ phận, giao trọn vẹn và tin tưởng trọn vẹn".
Cũng theo bà Hải, trong lĩnh vực tìm kiếm nhân tài, công ty của bà không có thói quen tìm người giỏi của công ty khác, mà là tìm người giỏi trong công ty và đào tạo lên. Bản thân công ty còn phải có khả năng tự kế thừa. Không có bà công ty vẫn phải làm việc vì đó là sự kế thừa một cách tự nhiên của một doanh nghiệp.
"Nhân viên phải thể hiện để lãnh đạo có thể tin và chuyển giao thế hệ tiếp theo, có thể không phải là 100% quyền lực nhưng là 100% công việc và trách nhiệm" - nữ doanh nhân này khẳng định.
"Ông trùm" phân phối Canon tại Việt Nam đang kinh doanh ra sao?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) vừa công bố việc đăng ký công ty đại chúng của CTCP Lê Bảo Minh, vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Động thái này có thể là bước đầu để đưa doanh nghiệp này lên sàn.
Lĩnh vực phân phối thiết bị điện tử hiện có 2 tên tuổi lớn trên sàn là Digiworld (DGW) và Petrosetco (PET). Bộ đôi cổ phiếu này đều đã tăng giá mạnh trong thời gian qua.
Lê Bảo Minh có hàng trăm đại lý trên cả nước, hoạt động kinh doanh của thương hiệu này tập trung vào hai đơn vị chính là CTCP Đầu tư LBM và CTCP Lê Bảo Minh.
Lê Bảo Minh được thành lập từ năm 1997 với hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực thiết bị máy văn phòng như máy photocopy, máy in, máy fax, máy chiếu, … Tháng 9/2003, Lê Bảo Minh chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu là 6 tỉ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là bà Phan Thị Hường (nắm giữ 60% VĐL), bà Lương Thị Thanh Huyền (25%) và ông Lương Quốc Tuấn (15%).
Trải qua nhiều lần nâng vốn và thay đổi chủ sở hữu, tính đến cuối năm 2018, Lê Bảo Minh có vốn điều lệ 500 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông thời điểm này gồm 3 cá nhân khác là bà Lê Thị Ngọc Hải (nắm giữ 90% VĐL), bà Lê Thị Thanh (5%) và bà Nguyễn Thị Ngọc (5%).
Cập nhật đến ngày 26/5/2020, bà Hải đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 41,1% vốn điều lệ.
Tại Lê Bảo Minh, bà Lê Thị Ngọc Hải (SN 1968) hiện đang là Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra, bà còn đang nắm giữ chức vụ Giám đốc CTCP Địa ốc Đồng Nai và Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại Mini Số Việt Nam.
Về LBM (LBM Investment), công ty này được thành lập vào tháng 5/2009. Cập nhật đến tháng 10/2015, LBM có vốn điều lệ 260 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không được tiết lộ.
Chủ tịch HĐQT LBM hiện do ông Nguyễn Quốc Hoàng (SN 1978) đảm nhiệm. Ông Hoàng hiện đang là thành viên HĐQT của Lê Bảo Minh.
Hai công ty này có doanh thu khá tương đồng, năm ngoái Đầu tư LBM thu về 2.542 tỷ đồng, còn lại Lê Bảo Minh đạt 2.159 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của hai đơn vị này lần lượt ghi nhận 27 tỷ đồng và 100 tỷ đồng. Tổng doanh thu của hệ thống Lê Bảo Minh đạt trên dưới 5.000 tỷ đồng trong những năm gần đây.
Với chuyên môn là phân phối hàng điện tử - công nghệ, không khó hiểu khi biên lợi nhuận gộp của các công ty Lê Bảo Minh ở mức thấp. Tại Đầu tư LBM năm ngoái gần 11%, những năm trước đó giảm từ hơn 8% về 4%; còn tại Lê Bảo Minh chỉ loanh quanh 3%.
Trong nhiều năm qua, Lê Bảo Minh là đối tác hiệu quả của Canon, cùng với Công ty TNHH Canon Marketing Việt Nam (thuộc Canon) phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Bản thân Canon đang sở hữu 300 đại lý phân phối tại Việt Nam. Họ cũng đã thành lập 4 nhà máy trong vòng 18 năm qua gồm tại KCN Thăng Long – Hà Nội, Quế Võ và Tiên Sơn – Bắc Ninh, cũng như tại Phố Nối – Hưng Yên. Canon Marketing Việt Nam trong năm vừa rồi đạt doanh thu 1.661 tỷ đồng, lãi ròng 34 tỷ đồng, duy trì ổn định.
Không chỉ phân phối các sản phẩm của Canon, Lê Bảo Minh còn tham gia vào lĩnh vực bất động sản thông qua việc sở hữu 96% vốn điều lệ CTCP Đầu tư Bất động sản LFM (LFM) – thành lập vào tháng 2/2013, vốn điều lệ 960 tỉ đồng.
LFM hiện đang triển khai dự án bất động sản có quy mô 9.023,3 m2 tại lô số 5 trục đường 33 (đường Nguyễn Hữu Thọ đến đường dẫn vào cầu Tuyên Sơn), phường Hoà Cường Bắc, quận Hải Châu, Tp. Đà Nẵng.
Trong 4 năm trở lại đây, LFM chỉ báo lãi duy nhất vào năm 2019 với lãi thuần 3,7 tỉ đồng. Trước đó, từ năm 2016 – 2018, công ty này lần lượt báo lỗ thuần ở mức 1,79 tỉ đồng, 1,68 tỉ đồng và 168 triệu đồng.
Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của LFM lần lượt là 691 tỉ đồng và 690 tỉ đồng.
Quay trở lại với Lê Bảo Minh, công ty Đầu tư LBM đã có ý định trở thành doanh nghiệp đại chúng năm 2016 khi số lượng cổ đông công ty vượt quá 300 người. Tuy nhiên đến tháng 7/2017, công ty này thông báo tạm dừng đăng ký khi số lượng cổ đông giảm xuống còn 98. Ông Nguyễn Mạnh Bảo – Tổng giám đốc Lê Bảo Minh từng tiết lộ với báo giới rằng công ty có ý tưởng cho việc lên sàn chứng khoán.
Có thể bạn quan tâm
Tỷ phú "2 đô la" Trung Dũng và huyền thoại Việt trên đất Mỹ
03:00, 27/12/2020
Triết lý 4 chữ "D" của ông chủ Phố Xinh Dương Quốc Nam
04:00, 26/12/2020
Jeff Bezos giải quyết "nỗi ám ảnh" về khách hàng như thế nào?
03:00, 25/12/2020
CEO Softbank Masayoshi Son: "Gã điên" muốn mua cả thế giới công nghệ
03:00, 24/12/2020