Chuyện về Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam
Vốn được coi là “chàng trai vàng” trong giới ngân hàng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB Trần Hùng Huy không chỉ có học thức mà còn sở hữu khối tài sản khổng lồ cũng như tài năng kinh doanh đáng nể.
Năm 2012, khi mới 34 tuổi, vị thiếu gia nhà ACB, Trần Hùng Huy bất ngờ được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT với bài toán khó là phải nhanh chóng đưa ngân hàng thoát khỏi khủng hoảng.
Vị Chủ tịch "bất đắc dĩ"
Ông Trần Hùng Huy sinh năm 1978 trong gia đình có truyền thống làm ngân hàng, là con ông Trần Mộng Hùng – một trong những người sáng lập và giữ chức chủ tịch ACB trong thời gian dài, còn mẹ là bà Đặng Thu Thủy cũng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong nhà băng này.
Theo giới thiệu của ACB, ông Huy tốt nghiệp cử nhân với ba chuyên ngành quản trị kinh doanh, tài chính và kinh doanh quốc tế vào năm 2000, tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh vào năm 2002 tại Đại học Chapman, Hoa Kỳ, Tiến sỹ Quản trị Kinh doanh- Đại học Golden Gate - Hoa Kỳ (2011).
"Đế chế" ACB được gây dựng bởi nhóm cổ đông, trong đó bố đẻ của ông Trần Hùng Huy là ông Trần Mộng Hùng cũng từng là Chủ tịch hội đồng sáng lập ACB, giữ vị trí Tổng giám đốc ngân hàng trong 2 năm từ 1993-1994, Chủ tịch HĐQT trong suốt 15 năm từ 1994 đến 2008.
Năm 2008, ông Hùng rút về hậu trường với vai trò cố vấn quản trị. Năm 2012 sau "biến cố" bầu Kiên, ông Trần Hùng Huy bất ngờ đảm nhiệm vị trí ghế nóng Chủ tịch ACB khi mới chỉ 34 tuổi. Đến tháng 4/2013 ông chính thức được bầu làm chủ tịch ngân hàng này.
Bước ngoặt lớn của sự nghiệp cá nhân cũng như của chính ACB khiến bản thân ông Huy cũng phải thừa nhận mình “chưa chuẩn bị gì” cho việc nắm giữ vị trí cao nhất tại ACB.
Trong số các ngân hàng cổ phần tại Việt Nam, ông Trần Hùng Huy cũng là người đầu tiên "kế nghiệp" cha mình (ông Trần Mộng Hùng - nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch HĐQT) để trở thành vị Chủ tịch HĐQT kế tiếp của ACB. Thế nhưng, chuyện "kế nghiệp" của ông Huy thì không giống kiểu "cha truyền con nối" như mọi người vẫn nghĩ.
Trên thực tế, khi về nước và vào ACB làm việc, ông Hùng Trần Huy "không nghĩ có ngày mình sẽ ngồi vào chiếc ghế đó" dù cha là người sáng lập, cũng là Chủ tịch HĐQT ngân hàng. Lý do rất đơn giản, ACB là một công ty niêm yết với hàng chục nghìn cổ đông. Việc trở thành người đứng đầu HĐQT của ngân hàng cổ phần số 1 Việt Nam (lúc đó), với hàng loạt các thành viên gạo cội trong giới tài chính (cả trong nước và nước ngoài) thì không thể chỉ là con của người sáng lập.
Vào thời điểm đó, dù không được chuẩn bị nhưng ông Huy đứng giữa 2 lựa chọn, "một là đón nhận một thách thức dù không biết mình có đủ sức hay không, hai là đứng qua một bên". Và ông Huy đã đón nhận thách thức "với cả niềm tự hào xen lẫn lo lắng".
Tiếp quản "ghế nóng" đúng thời điểm ACB rơi vào giai đoạn khủng hoảng và khó khăn, phía sau là bệ đỡ của người cha kỳ cựu, doanh nhân trẻ Trần Hùng Huy cùng cộng sự dần đưa ACB từng bước thoát khỏi khủng hoảng.
Sau đó 6 tháng, lần đại hội cổ đồng kế tiếp của năm 2013 và những kỳ họp tiếp theo, ông Huy vẫn tiếp tục ngồi "ghế nóng". Có lẽ những kết quả kinh doanh ở ACB là lý do để cổ đông và các thành viên HĐQT tiếp tục lựa chọn vị chủ tịch tuổi ngựa (sinh năm 1978) "ngồi yên chiến mã".
Có lẽ những kết quả kinh doanh ở ACB là lý do để cổ đông và các thành viên HĐQT tiếp tục lựa chọn ông.
Hiện nay, ông còn đảm nhiệm vai trò là Chủ nhiệm Ủy ban Nhân sự, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quản lý rủi ro, thành viên Ủy ban Chiến lược, và thành viên Ủy ban Đầu tư.
Từ bị động sang “phản ứng nhanh” với sự thay đổi
Ông Trần Hùng Huy cùng với thế hệ lãnh đạo thứ 2 tại ACB đồng thời cũng tạo ra một hình ảnh rất khác về ngân hàng này kể từ sau sự cố bầu Kiên năm 2012: trẻ trung, năng động, nhiệt huyết và rất "4.0".
"ACB không miễn dịch mà tôi muốn nói là ACB phản ứng nhanh với tình hình chung. Ngay khi dịch Covid – 19 bắt đầu bùng phát, Ban lãnh đạo ngân hàng đã họp bàn và chuẩn bị nhiều kịch bản hoạt
động với các cấp độ khác nhau để áp dụng trong những hoàn cảnh khác nhau của nền kinh tế. Chính sự chuẩn bị đó giúp cho ACB chủ động hơn, ứng phó kịp thời và thích nghi nhanh với những thay đổi về xu thế, về sản phẩm/dịch vụ và về trải nghiệm khách hàng", ông Trần Hùng Huy chia sẻ với báo giới tổng kết kinh doanh của "năm COVID-19".
Tính tới thời điểm 30/11/2020 kết quả kinh doanh của ACB là: Tổng tài sản gần 428 ngàn tỷ đồng, tăng 11,7%. Lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 8,723 tỷ đồng, vượt hơn 14% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận năm. Huy động đạt 343 ngàn tỷ đồng, có mức tăng trưởng là 11,5%. Tín dụng đạt 305 ngàn tỷ đồng, mức tăng trưởng đạt 13,7%. Nợ xấu được kiểm soát dưới 1%.
Một trong những xu hướng mới mà ông Trần Hùng Huy định hướng ACB theo đuổi chính là: tập trung mạnh vào ngân hàng số, phát triển các sản phẩm/dịch vụ online ở cả ba mảng là huy động, cho vay và thanh toán.
Một trong những chiến lược mà ACB chú trọng chính là tập trung phát triển ngân hàng số.
“Ở Việt Nam, tôi cho rằng ngân hàng chỉ phát triển một cái app và một trang giao dịch trực tuyến là chưa đủ để cạnh tranh và cũng chưa đủ để phục vụ nhu cầu khách hàng. ACB đang phác thảo về một hệ sinh thái ngân hàng số khép kín, có hướng đi kết hợp dịch vụ tài chính và phi tài chính gắn liền với hoạt động hàng ngày của một người. Tôi muốn mở rộng khái niệm về dịch vụ của ngân hàng để đem lại lợi ích cao nhất cho khách hàng của ACB. Ví dụ khi khách vay mua một ngôi nhà tại ACB, họ sẽ được sử dụng thêm các dịch vụ liên kết khác như thiết kế nội thất, mua sắm đồ điện máy gia dụng với một đối tác khác trong hệ sinh thái của chúng tôi với nhiều ưu đãi.”, ông Huy cho biết thêm.
Trước mắt vị Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam vẫn là những thách thức khổng lồ. Ông Trần Hùng Huy sẽ còn phải chịu nhiều áp lực và thách thức đến từ định chế tài chính số một Việt Nam này. Ông Huy có tiếp tục thành công hay không, câu trả lời sẽ chỉ có ở thì tương lai.
Có thể bạn quan tâm