"Cuộc chiến bầu trời" giữa Elon Musk và Jeff Bezos

KHÁNH HÀ 29/01/2021 03:00

Hai công ty SpaceX của Elon Musk và Amazon của Jeff Bezos ‘đấu khẩu’ vì dự án vệ tinh Internet Starlink và Project Kuiper.

Trong suốt 15 năm, ông chủ Amazon Jeff Bezos và người sáng lập Tesla Elon Musk - hai CEO quyền lực hàng đầu thế giới - luôn hằn học, cạnh khóe nhau.

"Cuộc chiến" kéo dài 15 năm

Tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos và "Iron Man đời thực" Elon Musk là những CEO công nghệ giàu có và thành công nhất hiện nay. Cả hai có chung tham vọng là đưa người vào không gian và không tiếc tay đầu tư bộn tiền cho lĩnh vực này. Trên đường đua, hai tỷ phú không tránh khỏi những lần va chạm và tranh cãi gay gắt. 

Hai tập đoàn “con cưng” của hai tỷ phú giàu nhất thế giới tranh cãi về quyền sử dụng không gian (ảnh: CNN)

Hai tập đoàn “con cưng” của hai tỷ phú giàu nhất thế giới tranh cãi về quyền sử dụng không gian (ảnh: CNN)

Jeff Bezos thành lập Amazon vào năm 1994. Tuy nhiên, ông Bezos sớm chia sẻ giấc mơ chinh phục không gian với báo Miami Herald từ năm 1982. Năm 2000, CEO Amazon thành lập Blue Origin, startup tập trung vào ngành hàng không vũ trụ. 

Khoảng thời gian đó, Elon Musk đã là triệu phú công nghệ nổi tiếng nhờ một loạt thương vụ đáng chú ý. Musk bán startup Zip2 cho Compaq với giá khoảng 300 triệu USD trong quá trình gây dựng PayPal. Sau khi bán hệ thống thanh toán này cho eBay với giá 1,5 tỷ USD, Musk bỏ túi 160 triệu USD và dùng số vốn này để thành lập SpaceX vào năm 2002.

Khi cả hai dự án Blue Origin và SpaceX còn đang trong giai đoạn ấp ủ, Bezos và Musk đụng độ lần đầu tiên trong một bữa tối vào năm 2004. Cả hai tranh luận sôi nổi về tham vọng vận hành tên lửa có thể tái sử dụng. "Tôi đã hết mình khuyên nhủ nhưng (Bezos) bỏ ngoài tai", Musk bực bội kể trong cuốn The Space Barons của Christian Davenport.

Đôi bên quyết tâm thực hiện dự án theo những hướng riêng biệt. Sau đó, mâu thuẫn giữa hai tỷ phú bùng lên vì việc thuê bệ phóng tên lửa đẩy của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vào năm 2013. Khi đó, SpaceX nỗ lực khai thác độc quyền bệ phóng này. Tuy nhiên, Blue Origin liên kết cùng với đối thủ của SpaceX là United Launch Alliance và đề xuất chuyển đổi bệ phóng thành "một sân bay thương mại phục vụ lợi ích chung". 

Musk vô cùng tức giận và gọi đây là "chiến thuật can thiệp giả mạo". Ông công kích Blue Origin dữ dội. "Việc chế tạo tàu vũ trụ của (Blue Origin) chẳng có chút tiến triển dù đã mất tới 10 năm ròng rã. Nếu bằng cách nào đó một chiếc tàu vũ trụ của hãng được ra mắt trong vòng 5 năm tới, và đạt chuẩn chở người của NASA thì chúng tôi sẽ vui lòng đáp ứng nhu cầu khai thác bệ phóng của họ", ông mỉa mai. CEO Tesla còn nói châm biếm: "Thành thật mà nói, chúng ta đang chứng kiến những con kỳ lân nhảy múa trong đống lửa (ám chỉ việc tiêu tốn tiền vô ích)". Cuối cùng, SpaceX giành quyền tiếp quản bệ phóng này. 

Trong năm kế tiếp, cuộc đối đầu leo thang khi Blue Origin được cấp bằng sáng chế tàu không người lái. Đồng nghĩa, công ty hàng không của Elon Musk phải trả tiền khi vận hành tên lửa đẩy. SpaceX kịch liệt phản đối, cho rằng việc vận hành tàu không người lái phổ biến nhiều thập kỷ qua và việc cấp bằng sáng chế độc quyền là vô lý. Các thẩm phán đã đứng về phía SpaceX khiến Blue Origin phải rút lại hầu hết nội dung trong bằng sáng chế này.

Kể từ đó, Musk và Bezos không ngại công khai mối quan hệ nguội lạnh và sẵn sàng công kích đối thủ trên các mạng xã hội. Chẳng hạn, khi Blue Origin hạ cánh thành công tên lửa New Shepard vào năm 2015, Bezos tự hào đăng tải dòng tweet mỹ miều về tên lửa tái sử dụng như "con thú quý hiếm nhất". Musk nhanh chóng tweet lại dưới bài đăng của ông chủ Amazon: "Đâu có gì là hiếm. Tên lửa Grasshopper của SpaceX đã hoàn thành tới 6 chuyến bay từ 3 năm trước".

Musk còn liên tục công kích chiến lược tuyển dụng nhân sự của Blue Origin. Ông tố cáo đối thủ nhiều lần chiêu mộ người của SpaceX bằng khoản lương cao gấp đôi, mỉa mai rằng đây là động thái "thừa thãi và có phần thô lỗ". Trong cuộc phỏng vấn vào năm 2016 với BBC, khi được hỏi về Jeff Bezos, CEO Tesla hỏi ngược lại: "Jeff là ai vậy?".

Musk còn lên án ông chủ Amazon là "copycat" (kẻ bắt chước) khi Bezos công bố kế hoạch phóng các vệ tinh phát sóng Internet và mua lại hãng taxi tự lái Zoox. Khi Bezos tự hào giới thiệu tàu Blue Moon, ông chủ SpaceX lập tức đăng dòng tweet: "Đặt tên Blue cho một quả bóng - đó quả là thương hiệu đáng ngờ", và chế giễu con tàu thám hiểm vũ trụ của Bezos là "Blue Balls". 

Bezos thường làm ngơ những lần gây hấn của Musk. Tuy nhiên, người giàu nhất thế giới đáp trả bằng hành động nhiều hơn. Bezos âm thầm chỉ trích tham vọng lớn nhất Musk, cho rằng việc khai phá Hỏa tinh là "vô nghĩa và xa vời". Khi giới thiệu dự án đưa người lên Mặt Trăng của Blue Origin, Bezos nói: "Hãy thử sống trên đỉnh núi Everest trong một năm, rồi bạn sẽ thích thôi. Nơi ấy chẳng khác gì thiên đường nếu so với Hỏa tinh". 

Trả lời phỏng vấnTimes, tỷ phú Musk còn mỉa mai rằng Jeff Bezos đã 56 tuổi, tương đối già trong khi tiến độ của Blue Origin thì quá chậm chạp. "Tốc độ của dự án quá chậm, số năm mà ông ấy (Bezos) hy sinh là chưa đủ. Nhưng tôi vẫn vui vì những gì ông ấy đang làm với Blue Origin". 

Ngoài xung đột trên đường đua chinh phục không gian, Musk còn chỉ trích Amazon lạm dụng độc quyền trong kinh doanh. Khi Amazon từ chối xuất bản một cuốn sách về virus corona của nhà văn Alex Berenson, Musk tweet tức giận "Thật điên rồ" và tag trực tiếp Bezos. Thậm chí, Musk còn viết thêm: "Đã đến lúc phá hủy Amazon. Độc quyền là xấu xa". 

Chưa có dấu hiệu dừng lại

Mới đây, việc SpaceX hạ quỹ đạo của những vệ tinh Starlink đã châm ngòi cho mâu thuẫn giữa Elon Musk và Jeff Bezos. Không gian vũ trụ đang bị tranh chấp như bất động sản.

Elon Musk và Jeff Bezos - 2 tỷ phú giàu nhất thế giới tranh cãi về “bất động sản” vũ trụ

Elon Musk và Jeff Bezos - 2 tỷ phú giàu nhất thế giới tranh cãi về “bất động sản” vũ trụ

Theo Bloomberg, tập đoàn SpaceX của Elon Musk vừa yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cho phép vận hành Starlink - hệ thống tập hợp những vệ tinh truyền thông - ở quỹ đạo thấp hơn so với kế hoạch ban đầu. Điều này nhận lại sự phản đối từ phía Amazon.

Cụ thể, vào năm 2019, Amazon cho phát triển một dự án mang tên Kuiper, tập hợp những vệ tinh cung cấp Internet tốc độ cao. Quỹ đạo đường bay đã được công ty này lên kế hoạch cụ thể với FCC. Đến năm 2020, họ được cấp phép phóng 3.236 vệ tinh vào vũ trụ. Tuy nhiên, vẫn chưa có vệ tinh nào được vận hành.

Việc SpaceX yêu cầu FCC hạ quỹ đạo của Starlink xuống gần Trái Đất đã xâm phạm vào quỹ đạo được Amazon đăng ký trước đó. Jeff Bezos nhận định Starlink sẽ cản trở đường bay của những vệ tinh Kuiper, gây nhiễu hoặc va chạm với chúng.

Bloomberg cho biết 2 người đàn ông giàu nhất thế này đều muốn hạ thấp quỹ đạo vệ tinh nhằm có được đường truyền Internet nhanh hơn.

SpaceX cũng khẳng định với FCC việc đặt các vệ tinh gần Trái đất sẽ giảm nguy cơ rác thải không gian vì chúng rơi xuống tầng khí quyển và bị tiêu hủy nhanh hơn so với rác từ tàu vũ trụ.

Tuy nhiên, Amazon cho rằng nếu quỹ đạo của Starlink được hạ thấp, chúng sẽ gây thiệt hại lớn cho dự án Kuiper.

Tháng 12/2020, đại diện Amazon thảo luận với Chủ tịch FCC Ajit Pai về yêu cầu thay đổi kế hoạch Starlink. Amazon đề nghị FCC giới hạn vệ tinh của SpaceX ở độ cao tối thiểu 580km cho đến khi nhà chức trách đánh giá đầy đủ nguy cơ can thiệp nếu thay đổi.

Vì vậy, đề xuất đưa gần 3.000 vệ tinh xuống độ cao từ 540 đến 570km của SpaceX bị Amazon xem là quá gần. Tuy nhiên, Giám đốc chính sách vệ tinh SpaceX David Goldman cho rằng, Amazon chỉ đang đưa ra kết luận dựa trên những dữ liệu mà họ quan tâm, không nhìn tới bức tranh tổng thể mà SpaceX đưa ra.

Về phần mình, SpaceX xem đề xuất thay đổi với hệ thống Starlink như một cách tốt hơn để quản lý “giao thông” và các vụ va chạm trong không gian. Vệ tinh và tên lửa giá rẻ dẫn tới số lượng vật thể đưa vào quỹ đạo tăng vọt, phần lớn là do các công ty như Amazon và SpaceX muốn triển khai hàng ngàn vệ tinh vào quỹ đạo dưới 2.000km vốn là khu vực đông đúc nhất.

Đưa vệ tinh xuống quỹ đạo thấp hơn được xem là thực hành tốt nhất, vì nếu vệ tinh hỏng, lực hấp dẫn của Trái đất sẽ kéo nó ra khỏi quỹ đạo nhanh hơn, tránh các vệ tinh khác. Vệ tinh trục trặc ở độ cao cao hơn có thể trở thành vũ khí lơ lửng trong quỹ đạo hàng năm, thậm chí hàng thập kỷ. Chẳng hạn, một vệ tinh liên lạc hỏng của Nga va chạm với vệ tinh của hãng viễn thông Mỹ Iridium năm 2009 ở độ cao 789km, tạo ra một trường mảnh vỡ khổng lồ, là mối đe dọa với các vệ tinh lân cận.

Vệ tinh Internet là dự án đầy tham vọng của cả SpaceX lẫn Amazon, tốn khoảng 10 tỷ USD xây dựng. Dù vậy, SpaceX ước tính Startlink có thể mang về 30 tỷ USD/năm, gấp hơn 10 lần doanh thu thường niên của kinh doanh tên lửa. Đầu tháng này, SpaceX mở rộng chương trình thử nghiệm sang Anh và Canada. Công ty mong muốn mở rộng trên thị trường quốc tế và đã đăng ký tại Áo, Australia, Argentina, Brazil, Pháp, Chile, Colombia, Đức, Hy Lạp, Ireland, Italy, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Philippines, Nam Phi và Tây Ban Nha.

Có thể bạn quan tâm

  • CEO Nguyễn Tử Quảng: LG bán mảng sản xuất, giữ lại mảng R&D và thiết kế smartphone là hợp lý!

    CEO Nguyễn Tử Quảng: LG bán mảng sản xuất, giữ lại mảng R&D và thiết kế smartphone là hợp lý!

    05:00, 25/01/2021

  • Coach Tuệ Nguyễn: Chọn đúng nghề để hạnh phúc!

    Coach Tuệ Nguyễn: Chọn đúng nghề để hạnh phúc!

    03:00, 24/01/2021

  • "Vị đắng" của ông chủ Nhà Vui Nguyễn Thu Phong

    03:00, 21/01/2021

  • Chuyện về Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam

    Chuyện về Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam

    03:00, 20/01/2021

KHÁNH HÀ