Hiểu sinh trắc học để "sống thuận tự nhiên"

NGUYỄN VIỆT - LÊ HÀ - MINH CHÂU 06/03/2021 12:47

Ứng dụng đầu tiên của bộ môn sinh trắc học vân tay là để giúp con người sống khỏe và thuận với tự nhiên hơn.

CEO Bùi Nguyệt Anh – Giám đốc Công ty TNHH Genecode Việt Nam chia sẻ với Diễn đàn doanh nghiệp về lĩnh vực được cho là còn khá mới mẻ này tại Việt Nam.

CEO Bùi Nguyệt Anh – Giám đốc Công ty TNHH Genecode Việt Nam.

CEO Bùi Nguyệt Anh – Giám đốc Công ty TNHH Genecode Việt Nam.

Theo bà Bùi Nguyệt Anh, Genecode là trung tâm đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu về dấu vân tay con người. Việc nghiên cứu này sẽ giúp phân tích cấu trúc não bộ và hiểu rõ hơn về chức năng bẩm sinh của não gắn với sự liên quan giữa vân tay và não bộ. Đồng thời hiểu hơn về những tố chất bẩm sinh của một con người khi sinh ra sẽ có điểm mạnh cũng như yếu điểm gì.

Giúp hiểu hơn về những tố chất bẩm sinh của một con người

Bà có thể phân tích kỹ hơn về lĩnh vực này?

Hiện nay, vấn đề quản trị con người đang là ưu tiên hàng đầu trong các doanh nghiệp. Vì có rất nhiều quy trình sản xuất hay công nghệ đã được tự động hóa, khi đó đối tượng nhân sự doanh nghiệp lựa chọn sẽ làm công việc gì, có phù hợp với tố chất của họ hay không... lại trở lên vô cùng quan trọng.

Đặc biệt, với thế hệ Z, là những người sinh từ năm 2000, theo các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, nhân sự ở tuổi này sẽ rất năng động, nhưng cũng lại có khả năng “nhảy việc” liên tục. Họ có thể chỉ làm trong một doanh nghiệp khoảng 6 tháng rồi sau đó đi tìm công việc mới.

Chính vì vậy, việc đầu tiên phải làm như thế nào để giúp cho bản thân những nhân sự này đi xin việc cũng tự hiểu về tố chất của mình, cũng như tự liệt kê và hình dung ra cho mình một lộ trình phát triển.

Bên cạnh đó, đối với các nhà quản lý nhân sự cũng rất cần hiểu rõ hơn về công cụ này để giúp họ sử dụng nguồn tài nguyên quan trọng nhất của doanh nghiệp, đó chính là nguồn vốn con người một cách hiệu quả nhất. Chủ doanh nghiệp sẽ chọn được đúng người, làm đúng việc, đúng thời điểm. Sau đó sẽ có một lộ trình phát triển tiếp theo cho nhân sự để có thể cùng đồng hành lâu dài cùng doanh nghiệp.

- Việc triển khai lĩnh vực này tại Việt Nam sẽ như thế nào, thưa bà?

Genecode đang triển khai trên 2 góc độ. Thứ nhất, Công ty TNHH Genecode Việt Nam là một trung tâm nghiên cứu khoa học, nên đã phối hợp cùng với Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ để làm những đề tài liên quan đến nghiên cứu và phân tích tố chất bẩm sinh, cũng như những tiềm năng của con người Việt Nam.

Thứ hai, thông qua những đề tài nghiên cứu này, chúng tôi sẽ thấu hiểu được kỹ hơn về những đặc điểm bẩm sinh của người Việt. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có những đề án nghiên cứu về tố chất doanh nhân bẩm sinh, hay có thể hiểu đơn giản là chương trình tiếp cận cụ thể đến các chủ doanh nghiệp.

Chúng tôi sẽ giúp chủ doanh nghiệp tự hiểu và nhìn lại tất cả những đặc điểm bẩm sinh của mình, xem trong quá trình bản thân đã ứng dụng tố chất bẩm sinh đó vào kinh doanh đến mức độ nào. Sự thành công có bao nhiêu phần trăm từ sự đóng góp của tố chất bẩm sinh.

Từ việc nghiên cứu trên chính chủ doanh nghiệp, chúng tôi cũng sẽ triển khai đến đội ngũ nhân sự nhằm giúp cho các nhân sự trong doanh nghiệp thấu hiểu bản thân mình hơn. Từ sự thấu hiểu này họ sẽ tạo ra một môi trường làm việc năng động và gắn kết hơn.

ứng dụng đầu tiên của bộ môn sinh trắc học vân tay do trung tâm chúng tôi nghiên cứu là để giúp con người sống khỏe, sống thuận với tự nhiên.

Ứng dụng bộ môn sinh trắc học vân tay là để giúp con người sống khỏe, sống thuận với tự nhiên.

- Bà có thể chia sẻ về những lợi ích từ công nghệ sinh trắc học vân tay này?

Đây là một công trình nghiên cứu do tôi nghiên cứu và là nhà sáng lập của trung tâm. Tôi tu nghiệp và học về bộ môn nghiên cứu và phát triển con người tại Thụy Sỹ.

Sau khi về nước, tôi có có hợp tác với Genecode – là một đơn vị của Malaysia để cùng đưa ra một chương trình phân tích tố chất bẩm sinh theo phân tích dấu vân tay đó để cho phù hợp với đặc điểm của người Việt Nam.

Hiện nay chúng tôi đang làm những test và phân tích để giúp người Việt Nam thông qua dấu vân tay sẽ thể hiện đặc điểm bẩm sinh nào rõ nét nhất.

Thứ nhất, ứng dụng trong kiểm tra sức khỏe. Sau khi phân tích những chỉ số trên vân tay thì có thể đưa ra những lưu ý về nguy cơ bệnh tật. Đơn cử, như các bệnh về rối loạn chuyển hóa hay cơ địa dị ứng.

Vì khi có dấu hiệu bẩm sinh nhưng lại phát triển trong môi trường không phát huy được tố chất bẩm sinh sẽ dẫn đến các vấn đề về sức khỏe. Ví dụ, với  bệnh tiểu đường, khi phân tích những người bị bệnh này thường có chỉ số vận động rất cao. Những người có chỉ số vận động cao sinh ra thì cần phải làm việc ở môi trường có sự vận động, nhưng nếu chọn môi trường làm việc ít vận động thì rất dễ bị mắc bệnh này.

Do đó, ứng dụng đầu tiên của bộ môn sinh trắc học vân tay do trung tâm chúng tôi nghiên cứu là để giúp con người sống khỏe, sống thuận với tự nhiên.

Thứ hai, khi đã hiểu về những đặc điểm bẩm sinh thì sẽ phát huy nó dưới góc độ phát triển năng khiếu, như nghệ thuật, toán học, các môn khoa học tự nhiên...

Thứ ba, sinh trắc học vân tay giúp hướng nghiệp. Ứng dụng này để tham chiếu giúp đưa ra những quyết định cụ thể như chọn học ngành gì, làm nghề gì... Tuy nhiên, tôi khẳng định việc này không mang tính chất tiên đoán tương lai.

Hiện nay, có nhiều người hiểu sai bản chất của sản phẩm này và cho rằng đây giống như hình thức xem tử vi, nhưng việc làm này chỉ đưa ra những thông tin bẩm sinh của mỗi cá nhân.

Từ thông tin đó sẽ chủ động ra quyết định trong việc ăn uống như thế nào để giúp cơ thể khỏe mạnh, tập luyện môn thể thao phù hợp, lựa chọn công việc và môi trường làm việc ra sao để có thể phát huy tối đa những phẩm chất bẩm sinh đó.

Biết tìm sự hài hòa giữa công việc và gia đình

- Bà có thể chia sẻ về sự cân bằng giữa công việc và gia đình đối với những người phụ nữ khi làm chủ doanh nghiệp?

Với phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, để tìm được sự cân bằng giữa công việc và gia đình là một thách thức rất lớn. Việc cân bằng này không chỉ riêng với phụ nữ mà đối với nam giới cũng như vậy. Tuy nhiên, do phong tục tập quán của người Việt nên nam giới có phần được “ưu ái” hơn phụ nữ để tập trung cho công việc.

Nhưng sau một thời gian làm việc và có sự trao đổi kinh nghiệm với bạn bè trong lĩnh vực kinh doanh, tôi nhận được sự chia sẻ rằng, tìm được sự cân bằng là rất khó, điều quan trọng nhất là tìm được cho mình sự hài hòa và biết phối hợp tốt giữa công việc với cuộc sống gia đình.

Để đạt được sự hài hòa này, với mỗi chủ doanh nghiệp không chỉ với phụ nữ hay nam giới, đặc biệt với phụ nữ thì rất cần có được sự chia sẻ và đồng điệu giữa công việc gia đình và doanh nghiệp. Điều này có được thông qua từ sự chia sẻ, trao đổi, giao tiếp với nhau hàng ngày.

Ở doanh nghiệp là sự trao đổi, chia sẻ với đối tác, nhân viên, nhưng khi về nhà cũng rất cần có sự chia sẻ từ những người thân trong gia đình, làm sao để họ hiểu được sự đam mê hay lý do mình lựa chọn công việc đang làm. Đây cũng là một tấm gương, hình ảnh “tham chiếu” cho con cái nhìn vào.

Do đó, theo tôi những nữ doanh nhân cần tìm cho mình sự hài hòa giữa công việc và sự chia sẻ trong cuộc sống gia đình. Khi đó, người thân sẽ hiểu và đồng cảm với công việc mình đang làm, thậm chí còn nhận lại được sự hỗ trợ từ bố mẹ, vợ chồng, con cái. Đây chính là “đà” phát triển tốt hơn trong công việc và niềm vui trong gia đình.

Theo bà, những nữ doanh nhân thành đạt thường "bộc lộ" những phẩm chất gì?

Để định nghĩa sự thành công sẽ có rất nhiều tiêu chí, và mỗi người nhìn nhận sự thành công theo các góc độ khác nhau. Đối với tôi, tố chất quan trọng nhất để đưa đến thành công cho một chủ doanh nghiệp là sự thấu hiểu, can đảm, tính kiên trì và bền bỉ. Với vai trò là phụ nữ, khả năng chia sẻ và thấu cảm sẽ giúp cho bản thân chủ doanh nghiệp luôn thấy rõ mục tiêu và truyền động lực cho những người đồng hành để hướng tới thành công.

- Nếu có hai con đường, hoặc bằng phẳng, hoặc gồ ghề nhưng cả hai đều dẫn đến đích, với cá nhân bà sẽ lựa chọn con đường nào?

Một câu hỏi thật đặc biệt, sẽ không còn là câu hỏi nữa nếu bạn biết chắc chắn rằng cả hai con đường đều dẫn đến đích. Theo tôi, sự “bằng phẳng hay gồ ghề” của con đường phụ thuộc vào thái độ và ý nghĩ chủ quan của mỗi người. Với tôi, tôi chọn con đường của riêng mình, tận hưởng từng giây phút đi trên con đường đó, dù lúc “gồ ghề “ hay “bằng phẳng”, luôn giữ vững niềm tin vào sứ mệnh của cuộc đời mình – đó là “giúp mọi người khám phá được năng lực và giá trị bẩm sinh của chính mình với khoa học vân tay”.

Vẫn biết công việc rất bận rộn, nhưng khi trở về gia đình, bà sẽ là một người phụ nữ như thế nào?

Cũng giống như những chị em doanh nhân khác, tôi luôn cố gắng duy trì một cuộc sống cân bằng giữa công việc và gia đình. Tôi có may mắn hơn các chị em khác là tôi được sống cùng bố mẹ chồng và có được sự ủng hộ, giúp đỡ rất nhiều từ ông bà. Gia đình tôi có truyền thống sống nhiều thế hệ dưới một mái nhà, các con tôi được sống cùng với cụ, với ông bà và bố mẹ.

Ngoài thời gian bận rộn với công việc, tôi luôn trân quý những giây phút sống trong gia đình, như giúp mẹ việc nhà, cùng chơi với con, giúp con học bài, tâm sự với ông xã… Những trải nghiệm sống trong một đại gia đình mang lại cho tôi rất nhiều kinh nghiệm sống, hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc.

Bà có thể dùng 3 từ để mô tả về mình?

Tâm huyết – Chuyên nghiệp – Học tập suốt đời. Đó là những giá trị mà tôi luôn nuôi dưỡng, gìn giữ và phát huy để mỗi giây phút sống và làm việc của mình đều thấy có ý nghĩa.

Khi phải đối đầu với khó khăn, bà sẽ nghĩ đến điều gì?

Thứ nhất, tự tin trải nghiệm và không sợ mắc lỗi. Thứ hai, làm việc chăm chỉ với phương pháp thông minh. Thứ ba, dám chịu trách nhiệm và học cách làm việc theo nhóm, kể cả với những người mà mình không cùng quan điểm.

Trân trọng cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm

  • Khởi nghiệp gian truân của nhà tạo mẫu cho cựu đệ nhất phu nhân Mỹ

    Khởi nghiệp gian truân của nhà tạo mẫu cho cựu đệ nhất phu nhân Mỹ

    05:05, 03/03/2021

  • Câu chuyện khởi nghiệp của đứa trẻ ít nghe lời thành ông chủ của đế chế tỷ ‘đô’

    Câu chuyện khởi nghiệp của đứa trẻ ít nghe lời thành ông chủ của đế chế tỷ ‘đô’

    04:05, 03/03/2021

  • Câu chuyện khởi nghiệp của cô giáo Zhong Huijuan dạy hoá trở thành nữ tỷ phú tự thân

    Câu chuyện khởi nghiệp của cô giáo Zhong Huijuan dạy hoá trở thành nữ tỷ phú tự thân

    04:05, 02/03/2021

  • Hành trình khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng của nữ tỷ phú mù chữ

    Hành trình khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng của nữ tỷ phú mù chữ

    05:18, 01/03/2021

  • Hướng đi khởi nghiệp thành công nhờ chọn mô hình sản xuất nông nghiệp sạch

    Hướng đi khởi nghiệp thành công nhờ chọn mô hình sản xuất nông nghiệp sạch

    05:15, 28/02/2021

  • Hành trình khởi nghiệp của tỷ phú da đen Aliko Dangote

    Hành trình khởi nghiệp của tỷ phú da đen Aliko Dangote

    03:29, 28/02/2021

  • Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    05:15, 27/02/2021

NGUYỄN VIỆT - LÊ HÀ - MINH CHÂU