Người viết nên "truyện cổ tích" của Dabaco
Chỉ có trong tay 1 chiếc máy hàn giá 2,5 triệu và 12 cán bộ, thế nhưng ông Nguyễn Như So đã biến một xí nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản thành một thương hiệu lớn mạnh với doanh thu nghìn tỷ.
Ông Nguyễn Như So sinh năm 1957, tại Tiên Du, Bắc Ninh, ông Nguyễn Như So đã có quãng thời gian 15 năm phục vụ trong quân đội. Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc DABACO (DBC).
Đi lên từ..."án kỷ luật"
Sau khi xuất ngũ và lấy được tấm bằng cử nhân kinh tế, năm 1988, ông được điều về làm Phó giám đốc Công ty Vật tư Hà Bắc. Năm 1996, khi đanh làm tốt công việc thì ông được tỉnh điều chuyển về làm Giám đốc Công ty Dâu tằm tơ Hà Bắc - một doanh nghiệp làm ăn bết bát và đang nằm trong diện giải thể. Về thực chất là được lên chức nhưng thực ra chẳng khác gì “án kỉ luật” đối với ông So.
Sau khi ông So về, tỉnh đổi tên Công ty Dâu tằm tơ Hà Bắc thành Công ty Nông sản Bắc Ninh. "Mác mới" nhưng "ruột" cũ. “Khi đó, Công ty không còn hoạt động sản xuất, chỉ còn lại vài công nhân. Cơ sở vật chất hầu như không có gì ngoài mấy cái máy hàn trị giá 2,5 triệu và khu đất cỏ mọc xanh um”, ông So nhớ lại.
Tiếp quản một doanh nghiệp tài sản gần như con số không, ông Sở quyết tâm tìm hướng đi mới cho doanh nghiệp: sản xuất thức ăn chăn nuôi và con giống và ông đổi tên Công ty thành Công ty Nông sản Hà Bắc.
Mục tiêu đầu tiên ông đặt ra là xây dựng được một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và một trại gà giống, nhưng việc triển khai kế hoạch này khó khăn hơn nhiều so với dự liệu ban đầu. Đề án xây dựng nhà máy có tổng vốn đầu tư 20 tỷ đồng (thời giá 1996) thì tỉnh chỉ đồng ý cấp kinh phí 1 tỷ đồng. Ông lập hồ sơ dự án xin vay vốn ngân hàng, song ngân hàng cũng từ chối nốt. Phải đến khi có sự bảo lãnh của UBND tỉnh, ông mới vay được 500.000 USD từ ngân hàng để nhập khẩu dây chuyền sản xuất và thiết bị.
Có tiền, ông So đã cùng đội ngũ kỹ thuật sang Thái Lan và một số nước có công nghệ nông nghiệp tiên tiến để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Sau rất nhiều nỗ lực, đến cuối năm 1997, mẻ sản phẩm thức ăn chăn nuôi đầu tiên của công ty cũng hoàn thành.
Song thời gian đầu, do công thức pha trộn chưa chuẩn, sản phẩm của công ty làm ra lợn không chịu ăn, còn gà ăn vào xù lông, chậm lớn.
Đứng trước nguy cơ mất vốn, ông So một lần nữa lại lặn lội sang Thái Lan mời một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi sang hướng dẫn kỹ thuật.
Sau khi nắm được công thức pha trộn chuẩn, công ty thực sự đi vào giai đoạn phát triển sản xuất và chỉ một năm sau đó, sản lượng đã tăng lên gần gấp đôi.
Đến cuối năm 1998, ông So tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy thứ hai. Sản lượng tăng theo từng năm và ông liên tục mở thêm các nhà máy mới. Đến nay, sản phẩm của công ty chiếm 20% thị phần tại các tỉnh miền bắc và miền trung, chiếm 6% tổng thị trường của cả nước. Những thương hiệu sản phẩm Dabaco, Topfeeds, Nasaco, Khangty Vina, Kinh Bắc, Nutreco... trở nên quen thuộc với thị trường nội địa, đạt chứng chỉ ISO 9001: 2000.
Cùng với sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông So cũng đầu tư mạnh vào sản xuất con giống và chăn nuôi, với việc thành lập xí nghiệp gà giống siêu trứng tại Tiên Du, Bắc Ninh (2002), xí nghiệp lợn giống hướng nạc Thuận Thành (2003) và xí nghiệp ngan giống Pháp tại Tiên Du, Bắc Ninh (2004). Từ năm 2010, Dabaco đã đưa vào vận hành nhà máy giết mổ gà có công suất 2.000 con/giờ tại Tiên Du, Bắc Ninh.
Nhờ đó, Dabaco hiện là doanh nghiệp duy nhất trên cả nước đã sản xuất và cung cấp con giống - thức ăn - chăn nuôi tập trung và tổ chức chăn nuôi gia công - giết mổ và chế biến thực phẩm theo một chu trình hoàn toàn khép kín.
Là người làm việc chu đáo, cẩn thận, ông So luôn khắt khe trong kiểm soát chu trình sản xuất. Bao năm qua, nhờ quy trình phòng dịch nghiêm ngặt, Dabaco đã đi qua hàng loạt cơn bão cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh,...
Doanh thu được ghi nhận “đáng nể” hôm nay phải đánh đổi bằng nhiều năm dài cả một bộ máy vận hành không hề có khái niệm ngày nghỉ, lễ Tết, như chính ông So tâm sự: "Chưa bao giờ được cùng vợ con đi chơi, chẳng có cơ hội nghỉ dưỡng ở bất cứ một bãi biển nào”.
"Mình thấy mình cần làm việc"
Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới dành cho tập thể (2004) và cá nhân (2008) cùng các Huân chương Lao động hạng nhì - hạng ba, Giải thưởng Sao vàng đất Việt 2004 và rất nhiều giải thưởng danh giá khác là sự tưởng thưởng xứng đáng cho Dabaco Group và ông Nguyễn Như So - người làm nên câu chuyện dường như không tưởng “nước lã mà vã nên hồ”.
Mới đây, khi chia sẻ với các chuyên gia phân tích của nhiều công ty chứng khoán về tình hình kinh doanh của Dabaco, ông So cho biết có khá nhiều tập đoàn muốn hợp tác nhưng mối duyên chưa thành vì “ông nào cũng muốn nắm 60%”.
"Nhiều ông bảo tôi nghỉ đi, về đi chơi cho sướng nhưng mình thấy mình cần làm việc”, ông Nguyễn Như So nói.
Vị chủ tịch tự tin năng suất trong lĩnh vực chăn nuôi lợn của Dabaco đang đứng đầu cả nước. Doanh nghiệp cũng có hệ thống, bộ máy, nguồn nhân lực được cho là “cực kỳ ổn định, có tay nghề cao, gắn bó từ 10-25 năm”.
Và bản thân ông luôn nghĩ đến việc phát triển bền vững, không chỉ đời công nhân viên Dabaco hiện tại mà còn cho con cái họ.
.Lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Dabaco là chăn nuôi lợn và sản xuất giống gà. Bên cạnh đó, Dabaco còn làm “nghề tay trái” là đầu tư bất động sản và có một nhà máy ép dầu.
Tổng đàn lợn nái của công ty hiện có hơn 40.000 con và mục tiêu trong tương lai sẽ tăng lên 60.000 - 65.000 con.
Ông So cho biết, Dabaco chỉ đứng sau tập đoàn CP Thái Lan về thịt lợn tại Việt Nam và cũng là đơn vị sản xuất giống gà lớn nhất cả nước (về gà màu, chứ không làm gà trắng) khi quy mô thị trường trong nước khoảng 170 triệu con thì riêng công suất trang trại của Dabaco tại Bình Phước sẽ nâng từ 37 triệu con lên 60 triệu con giống trong năm nay.
Còn về mảng sản xuất trứng, Dabaco chú trọng trứng có hàm lượng giá trị gia tăng như Omega 3, DHA, “chứ không quan tâm đến trứng tươi”.
Năm 2021, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận hơn 900 tỷ đồng, trong đó, 100 tỷ đồng đến từ mảng bất động sản. Hai tháng đầu năm 2021, Dabaco ghi nhận doanh thu 2.280 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 268 tỷ đồng, xấp xỉ 30% kế hoạch.
Có thể bạn quan tâm
Chuyện chưa kể về người phụ nữ viết nên huyền thoại Coco Chanel
03:41, 30/03/2021
“Làm ít kiếm nhiều” - chiến lược đại tài của CEO UPS
03:08, 29/03/2021
Trùm và “ong ve” một thuở?
04:27, 28/03/2021
Nhà toán học được in lên đồng 50 bảng Anh sắp phát hành là ai?
03:00, 28/03/2021
Jang Kều mơ về những ngôi nhà hạnh phúc
04:19, 27/03/2021