Trùm và “ong ve” một thuở?

Diendandoanhnghiep.vn Hàng xóm có cháu ở TP. HCM mới ra. Đệ tử kéo đàn đến chơi, oang oang khen: “B. xinê hết ý!” Cứ trông cung cách phóng xe trong ngõ của cô, “B. xinê” chắc chắn đã đóng phim hành động nào đó.

Tôi hỏi anh Thọ - một bậc “trưởng giả” trong ngõ - anh cười phá lên: “Diễn viên gì nó! Trùm phe vé ở Hải Phòng ngày xưa thì có!”. 

Những người không có “sổ phân phối vé” đành phải bâu chặt cửa rạp, chen lấn, cố thọc được một cánh tay vào cái lỗ cửa bán vé to hơn lỗ mèo, thả ra một mớ tiền héo.

Những người không có “sổ phân phối vé” đành phải bâu chặt cửa rạp, chen lấn, cố thọc được một cánh tay vào cái lỗ cửa bán vé to hơn lỗ mèo, thả ra một mớ tiền héo.

Nửa tuần lễ sau, tôi làm quen B. Tôi khen cô diện như “kiều”, B. sung sướng khoe: “Ngày xưa em còn diện hơn ấy chứ! 

Mọi con đường đều dẫn đến.... rạp chiếu bóng!

Hồi đó là thời bao cấp. Ở thành phố “Hoa phượng đỏ” không có thú giải trí gì sướng hơn xem phim. Dù Hải Phòng có đủ cả - Một đoàn kịch nói chợt sáng chợt tối, một đoàn ca múa được gọi đùa là “mua cá”, thường biểu diễn trong đám cưới hơn trên sân khấu, một đoàn chèo, một đoàn cải lương mà đa số người Hải Phòng không biết họ đang làm gì, ở đâu? Mọi con đường đều dẫn đến rạp chiếu bóng.

Người Hải Phòng gọi có phần thậm xưng nghề chiếu bóng là “VOSCO trên cạn”. (VOSCO – Công ty Vận tải biển Việt Nam - hồi đó là biểu tượng sự giàu có). Anh bếp tàu viễn dương xưa hãnh tiến thế nào, thì chị đưa chỗ rạp xinê ngày ấy oai như thế.

Công ty điện ảnh Hải Phòng có 7 rạp chiếu. “Thực” thì bé thôi, nhưng danh thì ông trưởng rạp to bằng một ông giám đốc doanh nghiệp. Đi đâu cũng có người biết mặt, kẻ gọi tên. Quen hết từ công nghệ phẩm, thực phẩm đến dược phẩm!

Sáng ông đến rạp, ngồi trước một chồng “sổ phân phối vé” cao như chồng “sổ gạo” ở cửa hàng lương thực, mặt lạnh như kem, nghe lời thưa gửi ngọt ngào của vài chục vị chủ nhân những quyển sổ đó: “Xin anh cho cơ quan em trăm vé”… “Cho” ở đây xin hiểu hộ là được mua vé với giá “mậu dịch”. Mà phàm cái gì “mậu dịch” ra chợ đen là có sự chênh lệch. Bởi thế, nó có giá trị trao đổi như tiền.

Dĩ nhiên, những người không có sổ đó đành phải bâu chặt cửa rạp, chen lấn, cố thọc được một cánh tay vào cái lỗ cửa bán vé to hơn lỗ mèo, thả ra một mớ tiền héo, miệng gào “Chị ơi!”.

“Chị” ngồi đâu đó sau tấm cửa sắt, ấn vào tay “em” tấm vé và đống tiền lẻ để cho quí khách nắm lại, nghiến răng rút ra, đầu bù tóc rối, mà mặt mũi vẫn hớn hở. Những người ấy có sẵn lòng dũng cảm. Còn kẻ nhút nhát, chậm chân và dân phong lưu thì đứng xa rạp khoảng 200 m đã có đội quân “ong ve” vài ba chục người của “B. xinê” đưa vé tận tay, tất nhiên, giá phải cao hơn” mậu dịch”.

Trong làng đánh vé chợ đen, “B. xinê” là trùm được kính nể. Trùm móc ngoặc với nhân viên của rạp, lấy vé cho “ong ve” (đàn em) “đánh”. B. giao khoán và định mức giá bán, phân chia lợi nhuận, bảo vệ lãnh thổ, cai trị bằng luật giang hồ.

Cô ta lăm lăm một cây que dài 2m, chỉ huy “ong ve” như chăn đàn vịt. Mỗi “ong ve” dấu trong người 5 đến 10 vé - mang nhiều sợ công an bắt, đem nhốt vào phường.

- “Thế phe vé có ngon không?” – Tôi hỏi “B. xinê “

- “Ngon! Sau mỗi đợt phim như “Những đứa con của Gấu mẹ vĩ đại”, em ra tiệm vàng Cầu Đất đánh vòng, đánh nhẫn”.

- “Khoác!”

- “Anh không tin à! Mỗi ngày rạp chiếu 6 buổi. Rạp vừa vừa 600 chỗ. Tùy hôm, chúng em “đánh” nửa rạp hay 1/3 rạp. Ôi anh không tưởng tượng nổi khách đông như thế nào đâu!”

Đội quân phe vé

"Đội quân phe vé"

Biết chứ! Tôi đã chứng kiến cảnh tượng cả nửa tiểu đội công an cầm gậy thét loa, ngăn cản dòng người có vé và không có vé húc bật tung cả cửa sắt rạp công nhân để vào xem “Mối tình đầu”. 200 nhân viên Chiếu bóng Hải Phòng gọi phim “Tối mật” là phim “Tối mặt” vì chiếu suốt ngày tối tăm mặt mũi. Thế rồi những năm 90, không còn bao cấp. Cả ngành điện ảnh ngơ ngác. Người Hải Phòng đã bỏ rơi các rạp chiếu bóng, để những thánh đường của “Nghệ thuật thứ 7” phải lấm chân đời thường. Rạp Hòa Bình đã hạ xuống bức áp phích “Nữ hoàng Cleopatre” mà trưng lên tấm bảng hiệu “Bia và các loại đồ nhắm”. Cái không khí sôi động như đấu trường ngày xưa biến mất. Những cánh cửa sắt mở toang như lời mời chào ế ẩm.

Dân phe vé cũng không còn thủy chung với rạp chiếu bóng. “B. xinê” vào TP HCM. “Người Mohican cuối cùng” của làng đánh vé xinê Hải Phòng ra đi. Sau cô chẳng còn ai nữa. Cô đưa cho một “ong ve” thân tín mấy triệu đồng để nó mua cái xích lô ra đường kiếm ăn. Thế là hết đời “ong ve”!

Bây giờ không có công an đi bắt phe vé, bởi vé không thuộc mặt hàng nhà nước quản lý, thế nên họ bắc ghế ra ngồi hàng ngang ngay trước cửa nhà hát, như hàng rào người phong tỏa phòng vé. Đấy là những người phụ nữ tuổi từ 30 cho đến 50, phong cách tự nhiên từ trang phục đến lời nói. Buổi biểu diễn chưa bắt đầu, họ đã tràn đầy không gian trước rạp, “bắt” người từ xa: “Tao lấy anh áo vét đen!”, “Con xe Mẹc là của tao”…, rồi xông tới người “của mình” gí vé vào mặt.

Chàng, nàng đi xe máy đến cửa rạp, ghếch chân lên hè, tốn thêm vài trăm ngàn đồng, có đôi vé “đẹp”, khỏi cần vào trong phòng vé. Mà có vào cũng không dễ! “Ong ve” sẽ châm chích chàng bằng những lời lẽ khiến chàng muốn bỏ chạy ngay, vì chợt hiểu ra: Tranh chấp với người đàn bà bị lệch lạc về ngôn ngữ là một việc làm nguy hiểm vô ích. Hoạt động tích cực như thế, nên rất nhiều khi chương trình đổ bể, bầu sô chết đứng, song phe vé vẫn sống nhăn!

Rạp Công nhân một thời lớn nhất Hải Phòng

Rạp Công nhân một thời lớn nhất Hải Phòng

Phe lấy vé ở đâu ra? Họ mua từ chính bầu sô. Thích nhất là được mua lại từ các vị trong Hội đồng thẩm định nghệ thuật thành phố. Những người này thường không dùng các vé biếu theo “tiêu chuẩn”, một thứ đặc quyền đặc lợi lỗi thời rơi rớt từ thưở bao cấp, đem cho và người được nhận đem bán, dĩ nhiên, giá rẻ!

Ngày nay, văn hóa nghệ thuật bế tắc từ sáng tác đến biểu diễn. Những “ông sao” đang tắt dần. Hát cũng nhàm, hài cũng nhạt. Các nhà hát bắt đầu tối nhiều hơn sáng. Phải hôm ế ẩm, “ong ve” cả đám vào rạp, nói cười ầm ĩ, chí choé cãi vã, mắng con và ca cải lương!

Tuy nhiên, theo đúng tôn chỉ “Đâu cứ đông người là ta cứ đến!”, thỉnh thoảng họ lại lên sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) phục vụ bà con trên đó và ra Đồ Sơn, một năm 2 lần, đón du khách dự lễ hội chọi trâu.

Dẫu sao, bằng những hoạt động phe vé, “Ong ve” biến thành đám người quảng cáo nhiệt tình, các cộng tác viên tự nguyện mở rộng không gian hoạt động của rạp ra tận ngoài đường, tạo cho rạp một không khí sống động cần thiết. Phe vé trở thành thứ hàn thử biểu độc đáo để đo độ “hot” của các sân khấu biểu diễn. Nó cũng chỉ là một nghề mưu sinh theo quy luật của kinh tế thị trường.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Trùm và “ong ve” một thuở? tại chuyên mục Doanh nhân của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714148750 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714148750 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10