Con đường kinh doanh không bao giờ bằng phẳng, nhưng người lính thời bình sẽ vượt qua
Trên mặt trận kinh tế, tinh thần của “người lính thời bình” vẫn luôn tiến công về phía trước, chấp nhận gian khó để gặt hái thành công
Ông Nguyễn Tấn Thanh, Chủ tịch HĐĐT, Tổng Giám đốc công ty TNHH may mặc Hoan Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang chia sẻ với Diễn đàn doanh nghiệp nhân kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021).
- Thưa ông, những người lính trên mặt trận kinh tế có gì khác năm xưa, ông có thể chia sẻ những cảm nhận của mình?
Trong thời chiến cũng như thời bình, người lính bao giờ cũng được đánh giá và ghi nhận cao. Trên mặt trận kinh tế, tinh thần của người lính vẫn luôn tiến công về phía trước, chấp nhận gian khó để gặt hái thành công trên thương trường.
Với tinh thần xung trận ấy, nhiều người lính đã rất thành công trên mặt trận kinh tế, đóng góp to lớn cho sự phát triển chung của xã hội, cộng đồng. Và người lính thời bình đã được ghi nhận một cách xứng đáng với những gì mà họ đóng góp.
Riêng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của chúng tôi, song hành cùng tinh thần của người lính, nên trong công tác tuyển dụng lao động cũng có một số điểm khác biệt hơn. Đó là bên cạnh tuyển lao động bình thường, công ty chúng tôi cũng có nhiều người có những hoàn cảnh đặc biệt, cơ nhỡ, tàn tật, nhiễm chất độc màu da cam,...
Bởi trong sản xuất, kinh doanh, điều chúng tôi luôn quan tâm nhất là nguồn nhân lực, nhất là cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn. Thay vì ngành may thường chọn công nhân nữ, tôi lại chọn cả nam lẫn nữ; ưu tiên là con em gia đình chính sách, con em của Cựu chiến binh, người khuyết tật, thất nghiệp, học sinh nghèo phải bỏ học,...
Nhiều người cho rằng, chúng tôi làm vậy là “liều”, nhưng tôi vẫn không nao núng. Vì tôi sẽ đạt được hai điều, đó là kinh tế và xã hội… Từ khi thành lập đến nay, công ty được xem như mái nhà chung cho hàng trăm lao động địa phương, bởi hoạt động của công ty được xây dựng dựa trên nền tảng là văn hóa doanh nghiệp, môi trường làm việc thân thiện, hòa đồng, cùng với nhiều chính sách chăm lo đời sống cho người lao động.
- Có thể nói phẩm chất người lính không bao giờ có thể phai mờ, bởi các doanh nhân cựu chiến binh đã luôn vì doanh nghiệp, người lao động và nền kinh tế đất nước, điều này có đúng với Hoan Vinh không, thưa ông?
Bước trên con đường sản xuất, kinh doanh, các chỉ tiêu kinh tế như doanh thu, lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi đó là yếu tố mang tính sống còn của mỗi doanh nghiệp.
Tuy nhiên, xuất thân từ một cựu chiến binh, cảm nhận sâu sắc về lịch sử anh hùng, về những mất mát đau thương trong giai đoạn chiến tranh nên trong thời bình, đi vào lĩnh vực kinh tế, chúng tôi luôn nhận thức rằng ngoài mục tiêu kinh tế đó là trách nhiệm với cộng đồng.
Điều này chúng tôi đã xác định ngay từ đầu thành lập công ty thông qua cách tuyển dụng lao động, chi trả thu nhập và chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người lao động.
Bởi đó là ngôi nhà chung không chỉ đối với người lao động và còn gắn kết với gia đình của họ. Với tinh thần đó, những người cựu chiến binh làm kinh tế đã được cộng đồng xã hội đánh giá, ghi nhận.
Cũng như các doanh nghiệp khác, mục tiêu của công ty chúng tôi là từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khách hàng. Công ty luôn xác định chủ trương là cạnh tranh lành mạnh, thiết lập quan hệ gắn bó lâu dài với khách hàng theo phương châm “Hợp tác đôi bên cùng có lợi, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau” là yếu tố tích cực để giữ chân khách hàng lâu năm, thu hút khách hàng mới và luôn tìm kiếm nguồn khách hàng tiềm năng.
Với phương châm sản xuất, kinh doanh như thế đã giúp công ty có mức doanh thu tăng trưởng bình quân hằng năm từ 15% - 20%. Đồng thời, công ty cũng đã giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu ở các nước, trong đó thị trường Hoa Kỳ chiếm khoảng 80%.
Bên cạnh đó, thời gian qua công ty cũng đã mở thêm được 3 chi nhánh tại thị xã Gò Công, huyện Chợ Gạo và thị xã Cai Lậy. Trong thời gian tới, bên cạnh việc giữ ổn định trong sản xuất - kinh doanh, công ty sẽ phát động cho toàn thể công nhân thi đua lao động sản xuất, không ngừng nâng cao tay nghề, xứng đáng là người công nhân giỏi về nghiệp vụ, vững về chuyên môn góp phần hoàn thành kế hoạch, nhằm đưa thương hiệu công ty ngày càng lớn mạnh, người công nhân có mức thu nhập khá cao để ổn định cuộc sống.
Nhờ phương châm hoạt động như vậy, liên tục những năm gần đây, công ty luôn hoàn thành kế hoạch về các chỉ tiêu kinh doanh như: Doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của người lao động. Đồng thời, công ty cũng hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.
Từ những kết quả đạt được và những đóng góp tích cực cho địa phương, công ty nhiều năm liền được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tặng Cờ thi đua Doanh nghiệp tiêu biểu xuất sắc; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vào năm 2013 và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III…
Chúng tôi cũng nhận thức rằng, con đường sản xuất, kinh doanh không bao giờ bằng phẳng. Do đó, với những người bắt đầu khởi nghiệp, muốn thành công cần có ước mơ và hoài bão lớn, chấp nhận thách thức và vượt qua mọi khó khăn với quyết tâm thật cao.
- Chắc hẳn, trở thành một người lính trên thương trường không phải là điều dễ dàng?
Tôi từng tham gia du kích trong chiến tranh, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng tôi chuyển sang ngành Công an đã cống hiến tuổi xuân suốt mấy mươi năm tôi vinh dự được giải quyết chính sách nghỉ hưu và cơ duyên gắn với môi trường sản xuất, kinh doanh khi bắt đầu thành lập doanh nghiệp vào những năm 2005-2007.
Những ngày đầu “đi” trên con đường sản xuất, kinh doanh chúng tôi cũng khá khó khăn. Đó là kinh nghiệm, vốn, là các mối quan hệ với khách hàng. Để đảm bảo cuộc sống, gia đình phải làm đủ thứ nghề, kể cả gia công huy hiệu, kỷ niệm chương cho Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành và địa phương; sau đó chúng tôi mới chuyển dần sang ngành may mặc thời trang cao cấp xuất khẩu, như ngày hôm nay.
Chính vì vậy, để được thành công trong sản xuất, kinh doanh, chúng tôi không quên sự giúp đỡ của các cấp lãnh đạo tỉnh, huyện, xã cũng như sự hợp tác của đối tác. Sứ mệnh của mỗi doanh nghiệp bên cạnh đảm bảo cuộc sống cho gia đình còn phải biết chia sẻ lợi ích với người lao động và cộng đồng xã hội.
Trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp không bao giờ tách rời khởi đời sống của người lao động, những người cùng đồng hành tạo ra sản phẩm và lợi ích chung cho đơn vị; đó là trách nhiệm trong việc cùng chung tay xây dựng quê hương, đất nước. Đó là sứ mệnh vẻ vang của những người tham gia sản xuất, kinh doanh, nhất là khi chúng ta được khởi nghiệp từ người lính.
Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam Lê Văn Kiểm: Bản lĩnh một người Anh hùng!
08:33, 11/12/2020
Hội Doanh nhân Cựu chiến binh TP. HCM: Nghĩa tình – Hợp tác – Hiệu quả
17:34, 06/11/2020
Doanh nhân Cựu chiến binh Nguyễn Thị Bảo Hiền và khát vọng đồng hành cùng nông dân
11:00, 27/07/2020
Doanh nhân Cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm: Bí quyết thành công của “người lính” xứ Thanh
05:00, 26/05/2020