Doanh nhân Cựu chiến binh Nguyễn Thị Bảo Hiền và khát vọng đồng hành cùng nông dân

Diendandoanhnghiep.vn Nền nông nghiệp của chúng ta vẫn còn khá lạc hậu, nhưng không có tiền và hệ thống kỹ thuật công nghệ cao thì sẽ không thể làm được nông nghiệp công nghệ cao.

Đó là chia sẻ của Nữ Doanh nhân Cựu chiến binh Nguyễn Thị Bảo Hiền - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Hiền Lê (Hiền Lê Group) với Doanh nhân về chặng đường sau khi rời quân ngũ trở về với đời thường, tham gia xây dựng phát triển kinh tế và đã gặt hái được nhiều thành công trên con đường kinh doanh.

- Bà có thể lý giải nguyên nhân tìm đến con đường kinh doanh sau khi rời quân ngũ?

Tôi đến với kinh doanh cũng rất tự nhiên. Sau khi rời quân ngũ về địa phương, với mong muốn tìm kiếm một công việc nào đó để tạo dựng cho gia đình một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trải qua nhiều lĩnh vực ngành nghề, và cuối cùng tôi cũng chọn được cho mình một lĩnh vực kinh doanh phù hợp và cảm thấy hài lòng với sự lựa chọn này.

- Nhưng kinh doanh không phải quân ngũ, đây là hai “con đường” thật sự khác nhau, thưa bà?

Đúng vậy! Khi còn tại ngũ, chúng tôi sống theo một quy tắc riêng, “ăn cơm tập thể, quần áo nhà nước lo”, hàng tháng lĩnh lương.

Từ khi rời quân ngũ, trờ về với cuộc sống đời thường thì hoàn toàn khác. Tôi phải lo lắng nhiều hơn cho gia đình với sự lo toan muôn thủa, đó là “cơm, áo, gạo, tiền” để duy trì cuộc sống hàng ngày.

Những năm đầu bắt tay làm kinh doanh, tôi liên tục gặp thất bại, thậm chí rất nặng nề. Sau khi gặp bạn bè để tìm những lời chia sẻ, tôi nhận được lời khuyên rất chí tình, đó là muốn thành công thì phải đi vào giữa “kẽ chân của người khổng lồ”. Nếu đi vào giữa bàn chân “người khổng lồ” thì sẽ bị họ “giẫm bẹp”. Từ lời “tư vấn” đó tôi đã thành công trong kinh doanh. Có được ngày hôm nay phần lớn là từ sự giúp đỡ, hỗ trợ của những đồng đội cũ.

Xuất thân từ con nhà nông, nhà nghèo, vào quân đội từ năm 14 tuổi, mình đi nhiều và chứng kiến được rất nhiều cảnh đời trong chiến tranh cũng như trong thời bình, tôi nhận thấy mình là người may mắn vì vẫn có sức khỏe, còn lành lặn, còn trí tuệ để làm việc thì phải cố gắng làm tốt nhất và phải biết chia sẻ.

- Bà có thể chia sẻ về một kỷ niệm gây ấn tượng sâu sắc nhất trong cuộc đời mình khi bắt tay vào làm kinh doanh?

Tôi có người bạn cũ cùng đơn vị, làm nghề lắp ráp xe máy Trung Quốc. Khi tôi đến chơi và tìm hiểu cách thức hoạt động của mô hình kinh doanh này, bạn tôi dí dỏm “tiền không có, bước khởi đầu là làm nghề đồng nát”.

Tôi đã bước vào nghề “đồng nát” từ đó. Đến nay, mặc dù đã có nhiều điều kiện hơn trong cuộc sống và kinh doanh, nhưng tôi vẫn trân trọng nghề “đồng nát”. Hiện nay tôi vẫn tiếp tục công việc thu gom chất thải công nghiệp trong các nhà máy. Cũng từ đây, tôi đã xây dựng và phát triển thêm được nhiều ngành nghề, lĩnh vưc khác ngoài lĩnh vực “cốt lõi” là thu gom rác thải công nghiệp.

- Được biết, hiện nay bà đang hoạt động cả trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Vậy con đường nào đã đưa bà đến với ngành này?

Tôi vốn xuất thân là một nông dân, từng được đi nhiều nơi trên thế giới, đến những nơi mà người dân cũng làm nông nghiệp nhưng họ lại rất giàu có. Ngược lại, người nông dân nước mình lam lũ, vất vả quanh năm nhưng vẫn nghèo.

Trong khi, công nghệ chế biến đang là khoảng trống của nông nghiệp Việt Nam. Nếu được đầu tư cho chế biến sâu thì dư địa thị trường rất lớn, doanh nghiệp lẫn nông dân đều được hưởng lợi. Từ đó, tôi quyết tâm đầu tư vào nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao.

Sau nhiều năm tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở các nước tiên tiến đi trước, năm 2015, tôi bắt tay vào làm nông nghiệp công nghệ cao với việc đầu tư nhà máy chế biến rau quả tại Hải Dương và phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn tại Hải Phòng, Bắc Giang, Ninh Bình… Tập trung vào các sản phẩm chính như khoai sọ, đậu tương, vải thiều…

- Làm nông nghiệp thành công không dễ, thưa bà?

Khi bắt tay vào làm, doanh nghiệp của tôi phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Đầu tiên là ruộng đất manh mún, khó đưa công nghệ, máy móc vào sản xuất. Ngoài ra, tư duy của người nông dân vẫn theo tập quán sản xuất cũ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ, cho nên đồng đất 100% là nhiễm hóa chất. Điều này khiến công ty phải mất 3 năm cải tạo đất, tiêu tốn một khoản vốn không nhỏ.

Nền nông nghiệp của chúng ta vẫn còn khá lạc hậu, nhưng không có tiền và hệ thống kỹ thuật công nghệ cao thì sẽ không thể làm được nông nghiệp công nghệ cao. Tôi đã phải bỏ ra 3 năm để đi tìm hiểu về lĩnh vực này tại các nước phát triển. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng được nhà máy rau, củ, quả cấp đông. Muốn làm được việc này, trước tiên phải có vùng nguyên liệu, hiện tại tôi đang sở hữu 200 ha đất, với phương thức hoạt động là “tự” sản xuất, “tự” đưa về nhà máy chế biến và cuối cùng là “tự” tìm đường xuất khẩu.

Thời điểm này, công ty vẫn đang trong giai đoạn đầu tư, cải thiện đồng đất và thay đổi tư duy làm nông nghiệp của nông dân. Đưa máy móc, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó hướng vào sản phẩm xuất khẩu để có thể đi đường dài.

- Tìm được con đường “xuất ngoại” cho hàng nông sản đang là trăn trở không chỉ của các doanh nghiệp. Xin bà chia kinh nghiệm của mình?

Để thành công trong kinh doanh, điều quan trọng là xây dựng được chữ tín. Chính vì có chữ tín nên tôi được đối tác, bạn hàng các nước nhiệt tình giúp đỡ. Các sản phẩm nông nghiệp của chúng tôi nhanh chóng có chỗ đứng tại thị trường châu Âu là do phía đối tác Nhật Bản đã giúp đỡ và giới thiệu với bạn hàng. Thị trường Châu Âu rất khắt khe về tiêu chuẩn nhưng vì có được sự giới thiệu từ đối tác Nhật Bản thì họ rất tin tưởng và nhập khẩu hàng của chúng tôi.

Tôi tự hào nói rằng chúng tôi là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam làm nông nghiệp công nghệ cao để xuất khẩu. Các sản phẩm này được xuất khẩu đến những thị trường khó tính nhất thế giới như Anh, Nhật Bản, Đức, Bỉ… Đặc biệt, công ty lúc nào cũng ở trong tình trạng thiếu hàng, vì nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tại những thị trường trên là vô cùng lớn.

- Vậy bà có chiến lược đầu tư “lớn” vào nông nghiệp, thưa bà?

Nông nghiệp là một trong những thế mạnh phát triển của Việt Nam nhưng phương thức làm nông nghiệp của Việt Nam cần phải nhanh chóng thay đổi. Nhà nước đã đưa ra các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Tôi thấy đây là hướng đi đúng đắn để đất đai của Việt Nam tạo ra được những giá trị gia tăng lớn hơn.

Đến giữa năm 2021, tôi phấn đấu sẽ đưa 500 ha đất làm nông nghiệp công nghệ cao, khi đó mới “tạm” đủ hàng để xuất khẩu. Vì tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp của Mỹ và Australia muốn bán hàng cho họ nhưng chúng tôi không có đủ hàng. Trong giai đoạn tới, nông nghiệp sẽ là một trong những lĩnh vực chiếm tỷ trọng đầu tư lớn của công ty.

- Là nữ doanh nhân cựu chiến binh không được qua các trường lớp về công nghệ nhưng các mảng kinh doanh của công ty đều liên quan đến công nghệ, công nghệ cao, chắc hẳn bà có một hậu phương vững chắc hỗ trợ?

Tôi là người lạc hậu, điện thoại chỉ biết nghe gọi, máy tính cũng ít dùng.

Trình độ và kinh nghiệm kinh doanh có được qua trải nghiệm thực tế và ý chí. Thành công của công ty ngày hôm nay có sự hỗ trợ đắc lực của chồng và các con. Đặc biệt mình có sự hỗ trợ giúp đỡ của các bạn hàng.

Khi công ty làm cho Canon, Samsung, các chuyên gia xuống tận nơi hướng dẫn, setup nhà xưởng, lắp đặt máy móc. Các con mình được đào tạo bài bản và rất chịu khó đã đồng hành cùng các chuyên gia để nắm bắt các công nghệ hiện đại.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Doanh nhân Cựu chiến binh Nguyễn Thị Bảo Hiền và khát vọng đồng hành cùng nông dân tại chuyên mục Doanh nhân của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714151267 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714151267 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10