Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung: Luôn nhìn ra thách thức ngay trên đỉnh vinh quang

KHÁNH HÀ 18/07/2020 04:53

Giữ chức Chủ tịch Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), bà Cao Thị Ngọc Dung là người làm nên "linh hồn" không chỉ cho doanh nghiệp này mà còn cho cả ngành kim hoàn trong nước.

Với tâm niệm “Cái gì nước ngoài làm được thì Việt Nam cũng sẽ làm được. Việt Nam cũng phải có một thương hiệu trang sức đẳng cấp, một doanh nghiệp kim hoàn lớn mạnh đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu trang sức nổi tiếng thế giới”, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã xây dựng một thương hiệu PNJ trở thành công ty trang sức hàng đầu châu Á.

Trăn trở vì những câu hỏi vì sao

Nữ tướng của PNJ cho biết thành công của doanh nghiệp này bắt đầu bằng câu hỏi tại sao và ngay từ lúc thành lập năm 1988, bà đã suy nghĩ rất nhiều về điều này, dù lúc đó Cao Thị Ngọc Dung là một cán bộ nhà nước trẻ và chưa biết gì về kinh doanh vàng bạc đá quý.

Cuối những năm 80, Nhà nước thành lập các xí nghiệp vàng bạc theo mô hình thí điểm để chính thức đưa ngành này thành một sản phẩm hàng hóa, không còn bị cấm đoán như trước. Quận Phú Nhuận cũng thành lập Cửa hàng Kinh doanh Vàng bạc Phú Nhuận - tiền thân của PNJ ngày nay.

Doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ

Doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ

"Ngày đó, tôi còn trẻ và được được giao nhiệm vụ thành lập công ty này. Đây là nhiệm vụ, buộc tôi phải nhận, và sau này chị cán bộ mới cho biết rằng 'nhìn vào mắt em, chị biết em làm được'. Đó cũng là niềm tin khiến tôi phấn đấu vì PNJ", bà Cao Thị Ngọc Dung nhớ lại.

Đồng ý đứng ra làm chủ cửa hàng, bà Dung cũng rất quyết đoán lựa chọn mô hình hoạt động cho "đứa con" của mình, dù thời điểm đó, cách thức hoạt động của PNJ được xem là không giống ai. Nguyên nhân là hầu hết công ty vàng bạc của thành phố và quận huyện ra đời đều đi theo mô hình hợp tác với tư nhân.

"Tôi nhớ rất rõ chú Trần Thiện Tứ lúc đó là đại biểu Quốc hội cũng cho rằng phải đi bằng con đường hợp tác tư nhân để phát triển doanh nghiệp. Nhưng tôi thì ngược lại, tôi chọn cách mình tự làm. Tôi nói với chú là 'nếu chú đã tin cháu, cho cháu làm thì phải làm theo cách của cháu'. Tôi không chấp nhận hợp tác để kinh doanh vàng", bà Cao Thị Ngọc Dung vẫn giữ vẻ cương quyết nói về quyết định cuối những năm 80.

Dù bị các bậc tiền bối cho là quá "cứng đầu" nhưng cuối cùng, mô hình của PNJ đã chứng minh là đi đúng hướng khi năm 1992, Nhà nước cho tư nhân kinh doanh vàng, vậy là xảy ra một làn sóng các nhà buôn bỏ đi kinh doanh riêng.

Trong khi các doanh nghiệp Nhà nước khác điêu đứng thì PNJ vẫn trụ vững. Thậm chí trong kí ức của bà Dung, PNJ thời đó lại nổi lên như một ngôi sao khi không bị phụ thuộc và có được đội thợ chế tác kim hoàn được xây dựng từ những ngày đầu tiên. Không chỉ có đội ngũ nghệ nhân nhiều kinh nghiệm mà PNJ còn có hẳn xí nghiệp kim hoàn riêng.

"Cũng năm 1992, đây là cột mốc vừa thách thức, vừa khẳng định chúng tôi khi thành phố có giới thiệu cho PNJ một đối tác của Úc để thành lập công ty liên doanh sản xuất trang sức theo hướng công nghiệp hóa. Thời điểm đó, tôi lại đặt ra câu hỏi tại sao mình phải liên doanh", bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết.

Với bản tính cẩn thận, bà Dung đã chủ động đề nghị lãnh đạo quận Phú Nhuận sang nước họ để xem họ kinh doanh thế nào rồi hãy quyết định có liên doanh hay không.

"Sau khi học hỏi mô hình tại nước bạn, thời điểm đó, tôi cương quyết nói với các anh rằng với những gì tôi học hỏi được thì thế giới làm được, tôi cũng làm được. Tôi sẽ cho thế giới thấy ngành công nghiệp kim hoàn của Việt Nam phải ngang bằng thế giới", bà Dung cho biết và quyết định không chấp nhận liên doanh.

Sau đó, ngay lập tức, bà Cao Thị Ngọc Dung cho nhập máy móc để có những sản phẩm công nghiệp đầu tiên cho ngành kim hoàn Việt Nam. Bà cho rằng đây là giai đoạn hết sức khó khăn của doanh nghiệp lẫn toàn thể cán bộ, nhân viên của công ty. Thậm chí, có những hoài nghi nhưng cuối cùng tất cả đã vượt qua và tên tuổi PNJ lại càng sáng hơn.

"Tôi có niềm tin rằng đội ngũ cán bộ PNJ chúng tôi sẽ làm được, tôi cũng là người tạo niềm tin cho họ và cuối cùng chúng tôi đã làm được", nữ tướng Cao Thị Ngọc Dung nói bằng giọng tự hào khi nhớ về giai đoạn rất khó khăn này của công ty mà bà chính là vị thuyền trưởng lèo lái con thuyền vượt qua sóng gió.

Cứ tưởng bà Dung và PNJ sẽ tiếp tục băng băng phát triển sau khi định hình được nền công nghiệp kim hoàn, thì sự cố Ngân hàng Đông Á lại ập đến vào năm 2015. Bà không ngại thừa nhận thời điểm đó, nhiều người cho rằng PNJ sẽ gục ngã vì là cổ đông lớn của ngân hàng này, thậm chí, là "sân sau" của Đông Á.

"Đó là suy nghĩ rất bình thường trong xã hội, không trách được. Chỉ có Đông Á là khác, PNJ là khác. Ngày hôm nay, cái khác đó được trả lời. Chúng tôi đã vượt qua cơn sóng lớn nhất. Nếu chúng tôi không tự tin vào bản thân mình, nếu những con người PNJ không có niềm tin vào sự chính trực của mình thì không có PNJ với vóc dáng hôm nay", nữ tướng Cao Thị Ngọc Dung thường nhắc lại thử thách này với hàng nghìn nhân viên nhằm củng cố niềm tin và cổ động sự vươn lên của họ.

Đi lên từ niềm tin

Chủ tịch PNJ cho biết tầm nhìn của doanh nghiệp là phải xây dựng ngành kim hoàn Việt Nam cho thế giới thấy người Việt không hề thua kém. Đây chính là lí do tại sao phải xây dựng PNJ, tiếp đến là phải trả lời được câu hỏi "how" - phải làm như thế nào?

"Để đạt được tầm nhìn thì phải hình thành tổ chức. Tôi chọn con người, chính các nghệ nhân làm nền tảng. Con người là tài sản của PNJ chứ không phải vì tiền. Khi ngồi trên đống tiền không biết kết nối những người tài thì cũng không phát triển được", bà Cao Thị Ngọc Dung nhấn mạnh.

Từ một cửa hàng vàng bạc nhỏ với 20 thợ kim hoàn, hiện PNJ đã có khoảng 7.000 con người gắn kết và cùng nhau phát triển doanh nghiệp. Bà Dung cho rằng sợi dây gắn kết con người PNJ chính là lòng tin. Từ giai đoạn đầu làm ăn, vàng bạc là một ngành hàng đặc thù, chỉ tin tưởng nhau mới có thể đi lâu dài và suốt 31 năm qua vẫn luôn như vậy.

Nữ tướng Cao Thị Ngọc Dung gọi quãng thời gian hình thành và phát triển của PNJ từ cuối những năm 80 đến nay là niềm tin vàng, niềm tin gắn kết những người lãnh đạo, những người thợ kim hoàn và toàn bộ nhân viên.

"Cách đây 30 năm, tôi nói với nhân viên 'Tôi có thể tha thứ cho các bạn về nghiệp vụ nhưng không tha thứ khi không có niềm tin, đặc biệt là niềm tin khách hàng. Các anh chị đến công ty chúng tôi, cứ hỏi thì ai cũng biết được tầm nhìn, sứ mệnh của công ty. Nếu không tin nhau thì không làm được, nhất là làm vàng bạc đá quý", bà Dung tiết lộ.

Đi xa bằng tư duy phát triển bền vững

Lãnh đạo PNJ từ cuối những năm 80, vượt qua nhiều sóng gió để đạt lợi nhuận vượt nghìn tỉ sau 30 năm, bà Cao Thị Ngọc Dung được truyền thông nhắc đến với vai trò là một lãnh đạo có tầm nhìn xuyên thập kỉ, khi thấy trước được xu hướng và sự phát triển của ngành kim hoàn.

"Muốn được triệu USD thì phải bền vững, phải có tư duy phát triển bền vững. Doanh nghiệp không phải chăm chăm chỉ có lãi mà cần phải quan tâm cả môi trường và xã hội. Ba khía cạnh này phải giao thoa với nhau trong sự phát triển, kinh doanh phải nằm trong xã hội và môi trường", bà Cao Thị Ngọc Dung khẳng định.

Theo bà chính sự bền vững này sẽ chi phối trong xuyên suốt quá trình doanh nghiệp hoạt động. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải có một hệ thống quản trị bài bản, rõ ràng nếu không sẽ rất khó thành công.

"Chúng tôi theo văn hóa gia đình và tự hào khi xem tổ chức là gia đình. Văn hóa gia đình thường vị nể, bao che nhưng chúng tôi vẫn có quy trình, quy chế hẳn hoi. Tôi lưu ý các công ty gia đình thường nói họ có hệ thống quản trị nhưng thực tế, sự thể hiện này không rõ ràng", bà Dung khẳng định.

Song song đó, bà cũng cho biết thêm các doanh nghiệp phải chủ động mời các công ty tư vấn, chỉ họ mới có thể nhìn thấy những rủi ro có thể xảy ra trong doanh nghiệp. Điều này đã được PNJ thực hiện nhiều lần và có hiệu quả.

Nữ tướng Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận cho rằng sai lầm của người trẻ là sự tự mãn, trong khi đó, các doanh nghiệp truyền thống cũng chủ quan trước kinh nghiệm lâu đời của mình mà không thấy được xu hướng của tương lai, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có thách thức rất lớn với các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bà Dung cho rằng các đơn vị tư vấn sẽ chỉ ra những thay đổi cần có của công ty, nhưng nếu không hợp với văn hoá doanh nghiệp thì có thể xem xét lại, không nhất thiết nghe hoàn toàn ý kiến của họ.

"Thành công của PNJ là bắt đầu bằng chữ 'why' - tại sao, và cuộc đời tôi cũng như vậy. Khi chúng ta biết được tại sao làm điều đó thì mới xác định được tầm nhìn đi đến đâu, phải làm như thế nào và cuối cùng là làm gì, các sản phẩm và dịch vụ trả lời được câu hỏi why ban đầu đã đặt ra", nữ tướng Cao Thị Ngọc Dung kết luận về chặng đường hơn 30 năm của PNJ cũng như thời gian bà đã cống hiến hết sức cho "đứa con" của mình.

Nhân viên mới là người nuôi mình

Chia sẻ về bí quyết thu phục nhân tâm và phát triển con người thành một tập thể gắn kết, bà Cao Thị Ngọc Dung cho rằng: Phải coi nhân viên là con người và tạo điều kiện cho họ phát triển cả tâm, trí, lực chứ không đơn thuần coi họ là người lao động. Bởi họ chính là nguồn nhân lực lâu dài để phát triển doanh nghiệp.

"Là lãnh đạo đừng bao giờ nghĩ mình trả lương cho nhân viên nghĩa là họ phải làm cho mình. Cũng đừng bao giờ nghĩ mình đang nuôi nhân viên mà chính họ mới đang nuôi mình. Nếu không có những người nhân viên đó thì không ai làm cho mình cả, không thể gầy dựng được doanh nghiệp bền vững. Người ta đi làm cũng hưởng lương chứ không phải đi ăn xin mình”, bà Dung nhấn mạnh.

Vị “nữ tướng” PNJ cho hay, trong tổ chức của mình bà luôn đặt lợi ích của nhân viên lên lợi ích của cổ đông. Đa số các doanh nghiệp thường đặt lợi ích cổ đông lên hàng đầu. “Riêng với tôi, tôi đặt lợi ích của nhân viên lên các ông cổ đông bởi vì họ mới là người nuôi mình, nuôi tổ chức”, nữ doanh nhân này chia sẻ.

Theo bà Dung, để phát triển một tổ chức bền vững thì phải lấy con người và văn hóa doanh nghiệp làm nền tảng. Tài sản lớn nhất của một doanh nghiệp là con người chứ không phải tiền. Nếu một doanh nghiệp ngồi trên đống tiền nhưng không có tầm nhìn, không có hướng đi, không có kết nối con người thì sẽ không bao giờ phát triển được.

“Đó cũng là cách tôi xây dựng từ đội ngũ 20 con người lên 7.000 con người như ngày hôm nay. Khi xác định thành lập PNJ, sứ mệnh và tầm nhìn của tôi là lấy con người làm nền tảng phát triển. Theo đó, khi chọn các nghệ nhân, tôi luôn đảm bảo cho họ đời sống vật chất và tinh thần cao nhất có thể”, bà Dung chia sẻ.

Chủ tịch PNJ tiếp tục được vinh danh “Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất VN 2019”

Chủ tịch PNJ được vinh danh “Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất VN 2019”

“Phải tạo được niềm vui để nhân viên thấy thoải mái. Giải phóng nội năng cho họ tự khắc họ cảm thấy hạnh phúc và muốn được làm việc, được cống hiến. Khi đó, họ bước đến công ty là bước đến ngôi nhà hạnh phúc”, bà Dung chia sẻ bí quyết quản trị con người của PNJ.

Đặc biệt, làm lãnh đạo phải dành thời gian để phát triển nhân tài. Phải có thời gian để làm cho những con người đó đi lên cùng mình theo tầm nhìn, sứ mệnh của công ty. Phần lớn ở các doanh nghiệp lớn, đã chứng minh rằng: chỉ có 20% người ngoài vào công ty thành công; còn lại là do đào tạo từ bên trong doanh nghiệp mới có thể đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp đó.

“Ngay từ đầu thành lập PNJ, tôi đã xác định xây dựng văn hóa doanh nghiệp là văn hóa gia đình, người lao động coi tổ chức như gia đình. Mà gia đình này có quy trình, quy chế và sự học hỏi. Trong đó, không có sự vị nể và bao che”, bà Dung cho biết.

Ở đó, văn hóa được xây dựng trên giá trị niềm tin và sự chính trực. Nữ tướng PNJ nhấn mạnh: “Cách đây 30 năm, tôi đã nói với nhân viên của mình: Tôi có thể tha thứ cho các bạn nếu các bạn sai nghiệp vụ nhưng không bao giờ tha thứ khi các bạn làm mất niềm tin với nhau trong tổ chức, với khách hàng”.

Theo bà Dung, bản thân doanh nghiệp muốn có được văn hóa bền vững thì phải tạo môi trường lành mạnh để con người coi nhau như người thân, phải tin nhau. Mà sự tin tưởng này phải trên nền tảng chính trực, cùng nhau tin vào tương lai và tin vào chính mình. Từ đó, phải có câu chuyện để truyền cảm hứng, cùng yêu thương và hướng vào tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp.

Bản lĩnh của nữ doanh nhân

Khi nhắc về lịch sử hình thành của PNJ và sự phát triển của doanh nghiệp, nữ CEO không hề có tư tưởng tự hào. Bà cho rằng luôn phải đọc những cuốn sách về giá trị sống, tư duy tích cực, tư duy đột phá để cập nhật kiến thức và chiến lược kinh doanh. Song song với quá trình học hỏi, bà xây dựng chiến lược cho từng giai đoạn. Chẳng hạn trong giai đoạn 2012-2022, PNJ đã không ngần ngại khi mạnh dạn mời chuyên gia tư vấn nước ngoài hỗ trợ quá trình tái cấu trúc.

Là người dấn thân trên thương trường từ sớm, đi qua đủ cả thăng trầm nên bà Dung hiểu được giá trị đích thực của cuộc sống. Có lẽ không nhiều người biết rằng bà đã từng bước qua ranh giới của tử thần, hai lần bước vào phòng mổ để cắt bỏ khối u ác tính. “Hãy làm điều gì đó cho người khác mà ta mong muốn được người khác làm cho mình!” – là lời răn dạy bà Dung tự áp dụng cho mình trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Ngay cả khi chồng bà là ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á – Donga Bank) bị vướng vòng lao lý, bà Dung vẫn lãnh đạo PNJ tăng trưởng mạnh.

Gia đình ông bà Dung – Bình không chỉ nổi tiếng vì tài giỏi, giàu có mà còn được khen ngợi khi có 3 cô con gái “siêu nhân”

Ba cô con gái là niềm tự hào mãnh liệt của Chủ tịch PNJ

Cũng đúng thôi, khi đứng trên cương vị lãnh đạo, gánh trên vai biết bao nhiêu trách nhiệm cộng với niềm đam mê kinh doanh từ trong huyết quản, thì bất kỳ ai cũng phải hy sinh những lợi ích cá nhân của mình.

Cô con gái Trần Phương Ngọc Thảo là niềm tự hào lớn của gia đình khi sở hữu bảng thành tích học tập đáng nể. Du học tại New Zealand, Thảo chỉ mất một nửa thời gian là một năm rưỡi kể từ khi bắt đầu vào lớp 10 đến khi tốt nghiệp lớp 12. Cô là một trong những sinh viên hiếm hoi được các giáo sư đại học Oxford viết thư giới thiệu vào học tại Harvard - trường học danh tiếng nhất tại Mỹ. Không chỉ vậy, cô được cả 5 trường đại học lớn của Anh và Mỹ muốn trao học bổng toàn phần.

Trần Phương Ngọc Giao là cô con gái thứ hai nắm giữ lượng cổ phiếu PNJ lớn, có tên trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán. Trần Phương Ngọc Hà cũng có tên trong danh sách này, tuy rằng có kém hơn chị mình về vị trí.

Hiện nay bà Dung đã rời vị trí điều hành PNJ, để cho thế hệ kế cận tiếp nối thành công và đưa PNJ lên tầm cao mới. Nhưng bà vẫn là một nhân tố cốt lõi, là linh hồn của PNJ. Với những gì nữ doanh nhân đã làm được và tiếp tục định hướng, PNJ sẽ ngày càng đi xa hơn trong tham vọng trở thành thương hiệu trang sức vàng được yêu mến nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung: Luôn nhìn ra thách thức ngay trên đỉnh vinh quang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO