Chữ “Tâm” tạo tầm, taọ thế
Đó là chia sẻ của ông Khương Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu chiến binh TP. HCM, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty Công nghệ sinh học (TVT) với Diễn đàn doanh nghiệp.
Nhân kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021), Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với ông Khương Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu chiến binh TP. HCM, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty Công nghệ sinh học (TVT) về quá trình xây dựng doanh nghiệp của những người lính năm xưa.
- Thưa ông, cơ duyên nào đưa ông từ một người lính tới doanh nhân?
Trong công cuộc xây dựng đất nước, những “người lính thời bình” không được đứng ngoài sự phát triển kinh tế của đất nước. Với xu thế hội nhập quốc tế, chủ trương làm kinh tế của Đảng, nhà nước với các thành phần ngày càng được cụ thể hóa, đặc biệt là được khẳng định từ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Là người lính trở về với cuộc sống đời thường, trước những nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền của cuộc sống xã hội. Sau khi nghỉ hưu theo chế độ, tôi thấy còn sức khỏe, đam mê công nghệ mới và thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân, tôi đã tự học tập nghiên cứu công nghệ sinh học về các loại nấm dược liệu, nấm ăn và cùng các kỹ sư bác sỹ quân đội đã nghỉ hưu khởi nghiệp thành lập Công ty Công nghệ sinh học TVT để tạo công ăn việc làm cho các kỹ sư công nghệ sinh học tốt nghiệp các trường đại học và ký hợp tác với các trường đại học Nông Lâm TP. HCM, đại học Cần Thơ và đại học Thủ Dầu Một cùng các Giáo sư, Tiến sĩ trong việc nghiên cứu Công nghệ sinh học.
Với vai trò là Chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh TP. HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty Công nghệ sinh học TVT, tôi mong muốn được góp một phần nhỏ bé của mình cho một Việt Nam phát triển và giàu mạnh của Việt Nam.
- Vậy trở thành "người lính thời bình" có khó khăn gì với ông không?
Thực tế, những “người lính thời bình” làm kinh tế cũng chỉ là một phần nhỏ trong lực lượng phát triển kinh tế của đất nước. Vì kinh doanh được ví như một trận tuyến không “tiếng súng”, thậm chí không “dễ chịu” khi phải chịu áp lực cạnh tranh với “trận tuyến” toàn cầu.
Đặc biệt, ngày nay cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang tác động to lớn đến đời sống văn hóa, tinh thần của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam khi 4.0 đã đi sâu vào từng gia đình và mỗi con người, ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực đến đời sống của mọi người dân.
- Theo ông, để phát triển trên mặt trận kinh tế, mỗi doanh nhân cựu chiến binh cần điều gì?
Tôi cho rằng phẩm chất, năng lực cần có của doanh nhân Việt Nam nói chung, doanh nhân CCB nói riêng hiện nay cũng giống như phẩm chất, năng lực cần có của một sĩ quan quân đội. Đó là trí, dũng, nhân.
Do đó, với những doanh nhân đã từng được rèn rũa trong môi trường quân đội sẽ có những thuận lợi nhất định khi tham gia vào thương trường, chính vì vậy họ xứng đáng là những dũng sĩ, những anh hùng.
Với góc độ của cá nhân, những năm tháng gắn bó với đời lính, được rèn luyện về khả năng chiến thắng bản thân, kiên trì vượt khó, bình tĩnh, bản lĩnh để nhận định tình hình, tìm cách vượt qua và đặc biệt không bao giờ lùi bước, bỏ cuộc đã giúp bản thân tôi rất nhiều trong vai trò của một người lính làm kinh tế hiện nay.
Là doanh nghiệp của người lính, chúng tôi luôn đặt lên hàng đầu những mục đích chung, không vì lợi nhuận mà tách rời “mục tiêu xã hội” luôn nỗ lực để đảm bảo đời sống của cán bộ, nhân viên người lao động, quyền lợi của cổ đông, khách hàng và sự phát triển chung của cộng đồng.
Trong thời bình, giá trị người lính Cụ Hồ vẫn tỏa sáng trong nhân dân. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống của xã hội. Tuy nhiên, qua khó khăn đã khẳng định được tinh thần lạc quan, kiên cường khả năng chống chịu của doanh nghiệp trong đó có những người lính trên mặt trân kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp của người lính đã sẻ chia, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, cùng gánh vác trách nhiệm với cộng đồng ngay cả khi doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
- Theo ông, điều gì sẽ giúp các doanh nhân áo lính đứng vững trên mặt trận kinh tế?
Với tôi, luôn kiên định theo phương châm “tiến chậm mà chắc”, làm ít mà “chất” là một trong những yếu tố then chốt để giúp doanh nghiệp may mắn đứng ngoài vòng xoáy đổ vỡ của thương trường kinh doanh.
May mắn cho doanh nghiệp chúng tôi là có được một tập thể tốt, đoàn kết trên dưới một lòng, đồng cam cộng khổ, cùng nhau đối diện với những khó khăn, thách thức và cùng đón nhận thành công mang lại. Nói cách khác, điều giúp cho những người lính chúng tôi không lùi bước trước khó khăn thách thức chính là ở sức mạnh tập thể.
Trong kinh doanh rủi ro là điều luôn rình rập và không ai mong muốn điều này. Nhưng cũng không ngại rủi ro và phải luôn xác định cái phải đối đầu sắp tới là cái gì? Xác định chiến lược đầu tư có trọng điểm dựa trên thực lực hiện có, đồng thời biết tận dụng tối đa những cơ hội mang lai.
- Ông có thể gửi lời nhắn nhủ đến những thế hệ doanh nhân trẻ ngày này về những điều ông còn trăn trở, suy nghĩ để Việt Nam sớm trở nên hùng cường và thịnh vượng?
Xã hội hiện nay thường nhắc tới cụm từ “thương trường là chiến trường” một phần nào nói lên tính khốc liệt của sự cạnh tranh trong kinh doanh. Nhưng với những gì bản thân đã trải qua thì thương trường không nhất thiết phải là những cuộc đấu trực diện. Tại sao lại cứ phải là kẻ thắng, người thua mà không phải là mọi người cùng chiến thắng?
Doanh nhân ngày nay đều chung quan niệm, hội nhập sẽ thành công với tất cả các doanh nghiệp nếu các doanh nghiệp không chọn phương thức đối đầu. Cách mà các doanh nhân trẻ hãy lựa chọn là đối tác cùng làm ăn và sẻ chia lợi ích trên tinh thần win – win (hai bên cùng có lợi)
Tuy nhiên, đứng góc độ chiến thuật thì có thể ví kinh doanh cũng giống như một trận đánh “biết địch, biết ta, trăm trận, trăm thắng”. Doanh nhân phải đọc được trận đánh thì mới có được cả chiến dịch đại thắng. Mỗi doanh nhân đều có một chiến dịch riêng, nhưng để thích ứng được sự thay đổi bất thường trong nền kinh tế thì cần phải có nhiều phương án linh hoạt.
Ở góc độ nhà binh, nhìn nhận khách quan thì chiến thuật kinh doanh là vấn đề tính toán, kỹ năng và phương pháp. Còn để có những thành công thì bất kỳ doanh nhân nào cũng đều phải xác định và không thể thiếu được điều quan trọng nhất đó là chữ “Tâm”, tâm sẽ tạo tầm taọ thế.
Thành công tuyệt đối không xây dựng bằng lối đi tắt và những xảo ngôn. Nếu kinh doanh theo kiểu ăn xổi thì sự thành công chỉ nhất thời, không thể lâu bền. Sự khôn ngoan nhất chính là làm sao dung hòa được lợi ích của doanh nghiệp và các nhóm lợi ích liên quan, luôn giữ chữ Tín, sự trung thực như giữ sinh mạng của Doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam Lê Văn Kiểm: Bản lĩnh một người Anh hùng!
08:33, 11/12/2020
Hội Doanh nhân Cựu chiến binh TP. HCM: Nghĩa tình – Hợp tác – Hiệu quả
17:34, 06/11/2020
Doanh nhân Cựu chiến binh Nguyễn Thị Bảo Hiền và khát vọng đồng hành cùng nông dân
11:00, 27/07/2020