Hai bước ngoặt "để đời" của CEO Du lịch Việt Trần Văn Long

NHA TRANG 26/05/2021 03:00

Hai năm trước, không ai có thể nghĩ rằng sếp của một công ty kinh doanh lữ hành lớn lại trở thành chuyên gia về khẩu trang trên thị trường ngày hôm nay.

Năm 2020 với đại dịch COVID-19 là trải nghiệm chưa từng có trong đời với nhiều doanh nhân mảng du lịch. Các doanh nhân đã vật lộn để giữ việc làm cho nhân viên, chuyển đổi để tồn tại.

Liều lĩnh "chọn lối đi riêng"

Tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội, Khoa Văn hóa du lịch vào năm 1998, ông Trần Văn Long khăn gói vào TP.HCM lập nghiệp với những suy nghĩ mông lung về con đường tiếp theo trên mảnh đất này.

Rời Hà Nội năm 2001, ông Long không nghĩ rằng mình có thể trụ lại được ở thành phố này với quá nhiều thứ khác lạ về văn hóa, lối sống…Nhưng một cái duyên, ông Long gắn bó với Sài Gòn trong 10 năm bằng nghề hướng dẫn viên của một doanh nghiệp lớn thuộc Nhà nước. Tuy nhiên, bước ngoặt đầu tiên của ông đó là ông được điều động quay trở lại Hà Nội nhận nhiệm vụ mới.

Ông Trần Văn Long (bên phải) nhận giải thưởng Sao Đỏ.

Ông Trần Văn Long (bên phải) nhận giải thưởng Sao Đỏ năm 2019.

“Trở ra Hà Nội làm việc là điều tôi không mong muốn khi đã quen với cách làm việc ở TP.HCM rồi. Áp lực thúc đẩy tôi ra làm riêng, thử đặt chân lên một hành trình mới” - lý do khởi nghiệp của CEO Du lịch Việt đơn giản là vậy.

Thế nhưng, ra khởi nghiệp đúng vào giai đoạn suy thoái kinh tế năm 2008, ông Long đã gánh những "bão táp" không hề nhỏ. 

Nhiều người trong gia đình cho rằng ông quá mạo hiểm khi dồn tiền cho một bước ngoặt mới là kinh doanh du lịch - là ngành rất khó khăn khi đó.

Công ty có 6 nhân sự, bản thân ông Long cũng làm ngày đêm. 

"Không ai biết trong Công ty tôi là Chủ tịch, sáng ra vẫn đi xem khách, đưa đón khách ở sân bay. Làm điều hành, quản lý, bồi bàn…, tôi không từ một công việc nào liên quan đến du lịch. Khách hàng vốn thường không quan tâm ông chủ doanh nghiệp là ai, mà chỉ cần được hài lòng. Tôi hiểu điều này luôn lắng nghe khách hàng và tặng lại họ món quà là sự cố gắng, nỗ lực như một lời tri ân”, ông trải lòng.

Dần dần, khách hàng đến với ông Long nhiều hơn, Du lịch Việt cũng dần qua giai đoạn khó khăn. Ít ai biết, trước khi kinh doanh du lịch, ông Long từng hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và lĩnh vực này đã hỗ trợ ông rất nhiều.

Xác định đổi mới và phát triển Công ty theo hướng khác biệt, nên ngay từ đầu ông đã mạnh tay đầu tư, thay đổi một số seri booking, làm mới hoàn toàn chương trình.

"Mọi người bảo tôi rửa tiền, tôi chỉ cười. Vì tôi quan niệm, kinh doanh thì phải đầu tư, trước tiên là đầu tư về con người, sản phẩm, sau đó là quảng cáo trên nhiều kênh truyền thông, các diễn đàn, mạng xã hội…”, ông chia sẻ.

CEO Du lịch Việt cho rằng, mình sinh ra là để phục vụ, mà nghề "làm dâu trăm họ" như nghề du lịch thì không tránh khỏi những sai sót, nhưng có sai có sửa.

“Tôi hay chia sẻ với nhân viên của mình rằng, mau ăn mau nói, mà mau nói thì mau lỗi, có lỗi phải sửa và thực sự nhận trách nhiệm. Khách hàng sẽ thấy mình dành cho họ cái gì, biết nhận về vấn đề gì. Khi mình cho đi ắt sẽ được nhận lại”, ông Long nói.

COVID và bước chuyển "tay ngang"

Du lịch Việt đã không ngừng lớn mạnh, cho đến khi đại dịch COVID-19 tới. Mọi hoạt động của Du lịch Việt phải dừng lại. Có thời điểm, công ty nhập một số nông sản như dưa hấu, thanh long,... về bán. Miễn sao có đủ tiền trang trải cho đội ngũ cán bộ nhân viên. 

Có khi ông Long đã đề nghị liên kết với một người bạn là chủ một công ty về mỹ phẩm để bán nước rửa tay. Nước rửa tay sát khuẩn  "cháy hàng", lên đến hàng trăm tấn mỗi tuần. Nhưng vì không sản xuất được vỏ hộp nên đành phải dừng hợp tác.

Cắt giảm những bộ phận không cần thiết, không hiệu quả… để cùng nhau tồn tại, ông Long kể về quãng thời gian không dễ dàng vượt qua.

Xác định dịch có thể kéo dài 6 tháng, 1 năm, 2 năm, ông Long đã nghĩ tới việc sản xuất khẩu trang.

Bên trong nhà máy sản xuất khẩu trang của Công ty Du lịch Việt

Bên trong nhà máy sản xuất khẩu trang của Công ty Du lịch Việt

Bán nhà, bán tài sản, ông Long tập trung đầu tư vào hướng đi mới. Đây là một quyết định không dễ dàng đối với vị Tổng giám đốc này. Số tiền bỏ ra đầu tư để chủ động nguồn nguyên liệu, mua sắm dây chuyền sản xuất khẩu trang đến giờ đã lên tới hàng trăm tỷ đồng. Để khẩu trang thương hiệu Ecom Med có mặt được tại các cơ sở y tế ở Mỹ như hiện tại thì doanh nghiệp phải trải qua những tháng ngày “chảy máu mắt”, theo lời ông Long mô tả.

“Ngày thông báo quyết định chuyển đổi là thời khắc căng thẳng. Anh em cán bộ nhân viên đều khóc. Tôi khóc. Chúng tôi rơi nước mắt tạm xa du lịch. Rồi chúng tôi lại bơ vơ trong những ngày đầu chập chững làm thương mại, bị lừa bị gạt nhiều. Một số người chán nản”, ông Long nhớ lại.

Khi bắt tay vào làm, việc đầu tiên ông Long làm đó là đầu tư mua máy móc. Ban đầu ông mua lại máy móc từ các đơn vị trong nước với giá cao. Sau đó, nhận thấy nếu nhập máy trực tiếp từ Trung Quốc về giá sẽ rẻ, chất lượng tốt thì nên mua. Tuy nhiên, khi nhập về máy bị lỗi, không chạy được. "Đây là bài học lớn nhất vì tôi đã mất rất nhiều tỉ đồng chỉ riêng cho đầu tư máy móc nhưng không vì đó mà nhụt chí", ông Long chia sẻ.

Khó khăn thứ hai là nguyên liệu đầu vào đa số phải nhập khẩu từ Trung Quốc, vậy nên nhiều khi đang sản xuất không đủ nguyên liệu phải tạm dừng lại. Mặt khác, thị trường Việt Nam hồi tháng 4/2020 gần như bão hòa. Trong tình hình đó, tôi nghĩ đến con đường xuất khẩu.

Tuy nhiên, do không chủ động được nguyên liệu, sản phẩm không đạt chuẩn nên khi ra bản kiểm tra chất lượng các thông số đa phần bị trượt hết. 

Nhưng đó là câu chuyện của 1 năm trước. Giờ thì những chiếc khẩu trang “Made in Việt Nam” đã xuất khẩu tới hàng loạt quốc gia trên thế giới và đang phát triển ở thị trường trong nước.

TGĐ Công ty Du lịch Việt Trần Văn Long

Những chiếc khẩu trang vừa là tâm huyết, vừa được đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt của vị doanh nhân.

Trong không gian tại một văn phòng làm việc ở quận 1, TP.HCM bừa bộn với những hộp khẩu trang đủ loại, các mẫu mã khẩu trang đa dạng. 7h tối, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt Trần Văn Long đang ngồi và so sánh những chiếc khẩu trang cầm trên tay: Độ đàn hồi của quai đeo như thế nào? Nẹp mũi có chắc không? Mức tĩnh điện của nguyên liệu làm sản phẩm ra sao?

Hai năm trước, không ai có thể nghĩ rằng sếp của một công ty kinh doanh lữ hành lớn lại trở thành chuyên gia về khẩu trang trên thị trường ngày hôm nay.

“Người tiêu dùng Việt Nam nghĩ khẩu trang có màu xanh, màu trắng, 3 lớp hay 4 lớp là khẩu trang y tế nhưng thực tế không phải. Khẩu trang phải có các tiêu chí: lọc được virus, lọc được bụi mịn, kháng máu. Ba chỉ tiêu trên gần như công ty nào cũng đạt, nhưng chỉ tiêu cuối cùng là áp suất thở thì không nhiều công ty làm được Áp suất thở chính là việc người dùng đeo khẩu trang giao tiếp không bị cảm giác ngạt. Chúng tôi đã làm được điều này”, ông Long phân tích.

Có thể bạn quan tâm

  • Lời hứa của doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến

    Lời hứa của doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến

    03:00, 25/05/2021

  • Đằng sau sự ra đi của

    Đằng sau sự ra đi của "cha đẻ" TikTok

    03:00, 24/05/2021

  • Lý do nào khiến CEO ByteDance “bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông”?

    Lý do nào khiến CEO ByteDance “bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông”?

    04:50, 23/05/2021

  • 30 doanh nhân từ thương trường tới nghị trường (Phần 3)

    30 doanh nhân từ thương trường tới nghị trường (Phần 3)

    15:18, 22/05/2021

NHA TRANG