Vị ngọt cuối đời của "Cô Ba Sương"

NGUYỄN GIANG 12/06/2021 04:00

Doanh nhân Trần Ngọc Sương, nguyên Giám đốc Nông trường sông Hậu, từng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, từng bị bầm dập bởi 8 năm trời trong vòng lao lý vì một bản án oan.

Đến nay, dù đã bước đến cuối con dốc của đời người, bà vẫn tiếp tục thực hiện tâm huyết mà cả đời còn dang dở…

Có lẽ bạn đọc vẫn nhớ “kỳ án” xét xử “Lập quỹ trái phép” kéo dài từ 2008 đến 2012 đối với bà Trần Ngọc Sương, nguyên giám đốc Nông trường Sông Hậu. Vụ án của bà đã một thời làm dậy sóng dư luận và tốn không ít giấy mực của báo chí cả nước.

Sóng gió một thời

Nông trường Sông Hậu được thành lập ngày 20/4/1979. Đến năm 1992, nông trường thành doanh nghiệp nhà nước theo quyết định của UBND tỉnh Cần Thơ. Người lãnh đạo đầu tiên của Nông trường Sông Hậu là ông Trần Ngọc Hoằng, cha ruột bà Ba Sương. Năm 2000, ông Trần Ngọc Hoằng qua đời, bà Ba Sương được bổ nhiệm kế vị cha mình làm Giám đốc. Cũng trong năm này, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Những tưởng cuộc sống của bà sẽ ngày càng phát triển và thăng hoa với những thành quả đạt được trong hàng chục năm lăn lộn cùng cha và bà con nông trường. Thế nhưng, tai họa đã ập đến khi ngày 9/4/2008, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” xảy ra tại Nông trường Sông Hậu. Bản thân bà cũng bị khởi tố để điều tra về cùng tội danh vào ngày 9/9/2008.

Hiện nay, dù đã qua tuổi 70, bà Trần Ngọc Sương vẫn miệt mài trên các chuyến xe đò hằng đêm đi về giữa Hậu Giang với Đồng Nai để tìm kiếm vùng nguyên liệu cũng như phát triển kinh doanh cho công ty. 

 Tuy nhiên, sau đó, vụ án được thay đổi quyết định khởi tố bằng tội danh “Lập quỹ trái phép”. Theo cáo trạng, từ đầu năm 2001 đến cuối năm 2007, với vai trò là giám đốc Nông trường Sông Hậu, bà Ba Sương đã chỉ đạo cấp dưới thành lập nguồn quỹ riêng bằng cách để ngoài sổ sách kế toán một số khoản thu của nông trường. Cụ thể, bà Sương đã “lệnh” cho cấp dưới bán 4 lô đất để lấy tiền nhập vào “quỹ đen”; chỉ đạo cấp dưới mang các khoản thu từ tiền bán bạch đàn, cho thuê đất, thu quản lý công trình điện nông thôn... với số tiền hơn 8,4 tỷ đồng để nhập vào quỹ này. Theo kết luận giám định tài chính, hành vi lập quỹ trái phép, chi tiêu tùy tiện này đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước với số tiền trên 4,5 tỷ đồng.

Bà Trần Ngọc Sương và luật sư Nguyễn Trường Thành - người đã sát cánh bên bà Ba Sương bao năm qua các cấp sơ thẩm và phúc thẩm

Bà Trần Ngọc Sương và luật sư Nguyễn Trường Thành - người đã sát cánh bên bà Ba Sương bao năm qua các cấp sơ thẩm và phúc thẩm

Từ ngày 11 - 15/8/2009, TAND huyện Cờ Đỏ xử sơ thẩm phạt bà Sương 8 năm tù và phiên phúc thẩm của TAND TP Cần Thơ ngày 19/11/2009 y án sơ thẩm. Đến ngày 27/5/2010, TAND Tối cao xem xét giám đốc thẩm tuyên hủy hai bản án trên, trả hồ sơ để điều tra lại. Ngày 21/2/2011, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ tiếp tục có kết luận điều tra, đề nghị truy tố bà tội “Lập quỹ trái phép” với số tiền nhiều hơn trước.

Tuy nhiên, trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận, ngày 17/1/2012, VKSND TP Cần Thơ ra quyết định đình chỉ vụ án và đình chỉ mọi hoạt động tố tụng đối với bà cùng các bị can khác ở Nông trường Sông Hậu. Ngày 9/2/2012, bà Sương được khôi phục sinh hoạt Đảng.

Sự trở lại ấn tượng

Ngày 25/7/2013 một doanh nghiệp chế biến hàng nông sản mang tên Ba Sương ở TP.HCM được bà Sương lập ra với mong muốn đi xa hơn nữa trong lĩnh vực mà bà lên nhiều kế hoạch với bao dự định tốt đẹp.

"Sống tử tế và chân thành với những người xung quanh mình. Được phúc đáp như thế nào, chưa rõ, nhưng trước hết là rèn cho mình bản lĩnh sống!"

Bà Ba Sương cho hay, ý định làm trái cây đã được bà ấp ủ từ lâu, nhưng phải đến tháng 11/2009, sau khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm (bị tòa tuyên 8 năm tù nhưng được tại ngoại vì lý do sức khỏe và bà Sương có đơn kháng án), bà mới từ giã bạn bè, bà con ở Cần Thơ lên TP.HCM thuê một căn nhà trọ nhỏ ở quận 10, vừa kháng án vừa thực hiện ấp ủ của mình.

Bà Ba Sương nhận ra rằng, lâu nay doanh nghiệp và thương lái khi mua các loại trái cây của nông dân thường chú trọng hình thức bên ngoài, chọn loại bóng đẹp về đóng thùng để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, ít có doanh nghiệp chú trọng đầu tư cho khâu chế biến sản phẩm. Vì vậy, bà đã đưa người đến tận từng hộ dân đặt hàng, tổ chức mua rồi chở về nhà máy tại Đồng Nai chế biến. Các loại trái cây có mẫu mã đẹp thì mua về xuất tươi, loại bên ngoài xấu xí xù xì đưa về nhà máy chế biến thành dạng đông lạnh, đóng hộp, muối mặn, sấy khô...

Khi có nguồn nguyên liệu dồi dào và sản phẩm đã có thể xuất khẩu được sang thị trường một số nước khu vực châu Á, bà Ba Sương liền nghĩ ngay đến việc phải làm thương hiệu cho sản phẩm của mình. Bằng kinh nghiệm làm thương hiệu cho các sản phẩm của nông trường Sông Hậu trước đây, và nhờ sự giúp sức của một số bạn bè có kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu hàng nông sản, cuối năm 2012, hơn 20 sản phẩm rau củ quả do bà mày mò nghiên cứu làm ra đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận thương hiệu độc quyền “Cô Ba Sương”.

Không dừng lại ở đó, cũng thời gian này, bà quay trở lại “cứu” Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Sông Hậu (Sohafood) thoát cảnh nợ nần càng làm dư luận thấy cảm phục với sự tận tậm, một lòng vì đời sống người nông dân của nữ anh hùng lao động một thời.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang: Đầu tư đôi khi là một nghệ thuật

    Doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang: Đầu tư đôi khi là một nghệ thuật

    03:00, 07/06/2021

  • Câu chuyện về Chuck Feeney: “Tấm vải liệm không có túi”!

    Câu chuyện về Chuck Feeney: “Tấm vải liệm không có túi”!

    04:20, 06/06/2021

  • Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn:

    Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn: "IPP Air Cargo không cạnh tranh vận chuyển hành khách với các hãng hàng không"

    03:30, 05/06/2021

  • FABBI “dụng nhân như dụng mộc”

    FABBI “dụng nhân như dụng mộc”

    03:00, 05/06/2021

  • "Giấc mơ Mỹ" của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

    03:00, 04/06/2021

NGUYỄN GIANG