Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn: "IPP Air Cargo không cạnh tranh vận chuyển hành khách với các hãng hàng không"

Diendandoanhnghiep.vn Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) vừa có đề xuất gửi các Bộ, ngành xem xét chấp thuận chủ trương thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo chuyên về vận tải hàng hóa.

Sẽ "giành" lại 38% thị trường logistics cho Việt Nam

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về kế hoạch triển khai thực hiện dự án này, Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch HĐTV IPPG cho biết, để thực hiện dự án này, hơn 1 năm qua , IPPG đã âm thầm chuẩn bị đầy đủ từ nhân lực đến vật lực, không chỉ phục vụ việc thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo mà còn xây dựng chuỗi liên hoàn trung tâm logistics bao gồm công ty Bellazio Logistics, chuyên cung cấp giải pháp công nghệ thông minh, hiện đại nhất để quản lý kho hàng.

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch HĐTV IPPG, Chủ tịch HĐQT IPP Air Cargo.

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch HĐTV IPPG, Chủ tịch HĐQT IPP Air Cargo.

“Hệ thống này quản lý chặt, kiểm soát và minh bạch các nguồn  thu, không để thất thoát thuế cho ngành hải quan. Các doanh nghiệp logistic sẽ được giải phóng hàng nhanh với các thủ tục đơn giản, ...Đề xuất áp dụng phần mềm quản lý hoạt động hàng hóa xuất nhập khẩu online này đã được Tổng cục Hải quan ủng hộ, và đang nghiên cứu triển khai”, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết.

Theo Chủ tịch IPPG, dự án hãng hàng không IPP Air Cargo sẽ triển khai giai đoạn 1 (2021 – 2022), ở giai đoạn này, IPP Air Cargo sẽ chỉ hoạt động tại thị trường nội địa như 1 đơn vị trung chuyển. Ông Hạnh Nguyễn cho rằng, hiện nay các hãng cargo nước ngoài đang bị giới hạn chỉ được phép vận chuyển hàng hóa vào Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài. Do đó, IPP Air Cargo đang đàm phán hợp tác với các hãng hàng không nước ngoài, nối tiếp vận chuyển hàng hóa tới 16 sân bay tại 16 địa phương khác ở Việt Nam .

"Tại mỗi địa phương, Bellazio Logistics sẽ có mặt để quản lý kho hàng, kết nối với IPP Air Cargo. Số lượng hàng hoá không còn bị khống chế, sẽ tăng trưởng rất nhiều, giúp các công ty logistic nội địa phát triển mạnh mẽ.  Đây là chiến lược xây dựng, hình thành, phát triển mạng lưới logistics thông minh, hiện đại của chúng tôi  tại Việt Nam”, Chủ tịch IPPG Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Với giai đoạn tiếp theo (sau năm 2022), IPP Air Cargo sẽ đầu tư hệ thống máy bay sức chứa lớn hơn, cùng các hãng air cargo quốc tế khác bay vận chuyển hàng hoá ra nước ngoài và hợp tác chở hàng từ nước ngoài về Việt Nam. Khi đó, xuất khẩu hàng hóa từ rau quả, thực phẩm tươi sống và những mặt hàng suất khẩu có giá trị khác sẽ được vận chuyển đường hàng không, không chuyển lòng vòng qua nhiều cảng với chi phí cao như hiện nay. Trong giai đoạn nay IPPG cũng sẽ hình thành những “hub” logistics tại các thành phố lớn ở Việt Nam để khép kín hệ thống dây chuyền vận chuyển hàng hóa đường hàng không .

Chủ tịch IPPG đặt tham vọng trong giai đoạn này, IPP sẽ giành lại 38% thị trường logistics cho Việt Nam. Tuy nhiên, ông Hạnh Nguyễn cho rằng, thực tế là không “giành” của ai, bởi khi nghe tin này, các hãng Air Cargo nước ngoài cũng rất hào hứng vì theo đúng Hiệp định hàng không quốc tế, các chuyến bay vận chuyển hàng hóa trong nước bay ra nhiều thì số chuyến bay vào cũng sẽ được tăng lên.

“Các hãng Air Cargo nước ngoài tuy  giảm tỷ lệ thị phần khoảng 38% nhưng sản lượng hàng hoá của các hãng sẽ tăng khoảng 50% nhờ được tăng chuyến và còn có thể mở rộng mạng lưới vận chuyển tới nhiều tỉnh, thành khác”, Chủ tịch Johnathan Hạnh Nguyễn phân tích.

Không cạnh tranh vận tải hành khác với các hãng hàng không

Chia sẻ về quyết định thành lập hãng hàng không này, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, ngành logistics của Việt Nam hiện nay có khoảng 30.000 doanh nghiệp, nhưng chưa khai thác hết tiềm năng và hầu hết là ở quy mô vừa và nhỏ, chỉ nắm chưa tới 20% thị phần. Trong khi khối ngoại dù chỉ tham gia khoảng 30 công ty nhưng lại nắm tới hơn 80% thị phần.

Việt Nam chưa có hãng hàng không chở hàng hóa chuyên biệt, 88% thị phần đang nằm trong tay các hãng máy bay cargo quốc tế.

Việt Nam chưa có hãng hàng không chở hàng hóa chuyên biệt, 88% thị phần đang nằm trong tay các hãng máy bay cargo quốc tế.

Riêng về đường hàng không, Việt Nam chưa có hãng hàng không chở hàng hóa chuyên biệt, 88% thị phần đang nằm trong tay các hãng máy bay cargo quốc tế. Thực trạng “đau đớn” này chính là lý do lớn nhất thôi thúc IPPG phải “ra tay” mở hãng bay chuyên biệt về vận tải hàng hóa”, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Theo doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, hiện nay, đa số hàng hoá từ nước ngoài vào Viêt Nam bằng đường hàng không gồm 2 loại: Hàng phát chuyển nhanh: chủ yếu gồm hàng đặt online trên các trang thương mại điện tử quốc tế như Amazon, Alibaba,......;hàng gửi từ kiều bào nước ngoài và hàng nhập khẩu tổng hợp (General cargo) bao gồm hàng hóa tiêu dùng, trang thiết bị phục vụ sản xuất.

Chủ tịch IPPG cũng cho rằng, hiện nay các hãng Air Cargo quốc tế như UPS, Cathay Cargo, Airbrigde Cargo,… rất mạnh nên các doanh nghiệp Việt Nam không cạnh tranh được. Bên cạnh đó, hệ thống logistics của Việt Nam chưa phát triển, công nghệ đi chậm hơn so với thế giới 20 năm. Chi phí vận chuyển hàng hóa luôn bị “than” cao hơn nhiều so với thế giới, làm giảm sức cạnh tranh vì các kho hàng, bến bãi, vận chuyển chưa được đầu tư những hệ thống nhanh, gọn để giải phóng hàng hoá nhanh cho doanh nghiệ.

Hàng về phải chuyển vòng qua nhiều cảng, thời gian nằm bãi lâu, đẩy chi phí lên cao và giảm chất lượng hàng hoá. Việt Nam không có máy bay lớn chuyên dụng để chuyển hàng hóa nhanh nên phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp ngoại, chấp nhận bị họ “siết” giá.

“Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thị trường mua sắm online tăng trưởng mạnh mẽ nhưng vì không có chuỗi hệ thống logistics chuyên nghiệp nên Việt Nam đã đánh mất nhiều cơ hội. Các hãng hàng không cũng tận dụng máy bay thương mại để vận chuyển hàng hoá nhưng do không có thiết kế phù hợp, không đúng quy định bảo hiểm nên chỉ có thể vận chuyển ở mức rất hạn chế”, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Chủ tịch IPPG cũng đánh giá dịch vụ logistics là một trong những lĩnh vực có nhiều tiềm năng lớn và khả năng bứt phá mạnh nhất tại Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng và quá trình dịch chuyển, tái cơ cấu các chuỗi cung ứng quốc tế đang diễn ra ngày càng rõ nét. 

“Do đó, IPP Air Cargo hình thành với mục tiêu lớn nhất là góp phần làm cho ngành logistic Việt Nam vươn vai lớn mạnh, mở rộng thị trường logistic, mang đến lợi ích chung cho tất cả các bên. IPPG không cạnh tranh với các doanh nghiệp logistics Việt Nam và cũng không lấn sân cạnh tranh vận chuyển hành khách với các hãng hàng không hiện nay”, Chủ tịch IPPG nói về chiến lược của IPP Air Cargo.

Được biết, dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo do Công ty CP IPP Air Cargo làm chủ đầu tư. Đây là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương – IPPG. Dự án có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động.

Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng. Đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3. IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD vào năm đầu tiên, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn: "IPP Air Cargo không cạnh tranh vận chuyển hành khách với các hãng hàng không" tại chuyên mục Doanh nhân của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713883909 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713883909 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10