Người đưa ATM nước ngọt ra Trường Sa
“Tôi hạnh phúc vì sợi dây kết nối đất liền với Trường Sa ngày càng bền chặt”.
Đó là chia sẻ của doanh nhân Trần Vũ Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Công nghệ môi trường SYL, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương.
Ông Thành nhớ lại năm 2014, lần đầu tiên ông đến với quần đảo Trường Sa, chứng kiến đời sống cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây còn nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu nước ngọt.
Duyên khởi của chiếc ATM nước ngọt
Trở về sau chuyến công tác, ông bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo máy lọc nước biển thành nước ngọt. Một năm sau, chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt NT-30 đầu tiên được ông và các đồng nghiệp lắp đặt thành công trên đảo Trường Sa Đông. NT-30 sử dụng công nghệ lọc màng RO, chạy bằng hệ thống năng lượng mặt trời, có công suất thực tế 50 lít nước ngọt/giờ, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn QCNN 01:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành.
Nói thì dễ, nhưng để chế tạo được chiếc máy “ATM nước ngọt”, ông Thành đã gặp rất nhiều khó khăn. Ông cũng phải trải qua 6 lần giải trình với Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân và các cơ quan chuyên môn mới được chấp thuận cho thí điểm. Ông Thành chia sẻ: “Bây giờ, máy lọc nước biển thành nước ngọt đã phổ biến trên quần đảo Trường Sa, nhưng vào thời điểm năm 2015 thì đây là một kỳ tích”.
Được chấp thuận nhưng quá trình lắp máy cũng trải qua nhiều gian nan, đoàn của ông Thành phải ra Trường Sa hai lần. Lần một để lắp hệ thống năng lượng mặt trời (tháng 5-2015); lần hai ra lắp máy lọc nước (tháng 8-2015), lại gặp thời tiết dông bão, phải ở 15 ngày trên tàu mới lên được đảo. Đến nay, hàng chục máy ATM nước ngọt, mỗi máy với công suất hàng ngàn m3 nước ngọt mỗi năm đã giúp cuộc sống nơi huyện đảo bớt khó khăn.
Cùng với máy lọc nước biển thành nước ngọt, ông Thành còn là “cha đẻ” của máy ép rác C-Sea được lắp đặt, vận hành thử nghiệm tại đảo Song Tử Tây từ năm 2019. “Trên những hải trình, chứng kiến cảnh túi ni-lon, vỏ chai nhựa trôi nổi, tôi đã quyết tâm chế tạo máy ép rác C-Sea. Bởi việc tập kết, xử lý rác thải tại các điểm đảo, nhà giàn rất khó khả thi do diện tích hẹp, nên cần làm giảm thể tích rác và vận chuyển vào bờ”, ông Thành chia sẻ.
Nhịp cầu... nối bờ vui
Không chỉ nặng lòng với Trường Sa, ông Thành còn thành lập Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương với mong muốn là cầu nối tấm nhiều tấm lòng ở đất liền với biển đảo.
Nhờ sự năng động của Chủ nhiệm Trần Vũ Thành, CLB còn tổ chức nhiều chương trình hoạt động ý nghĩa… như “Xuân biên giới-Tết hải đảo”; Chương trình “Bố ở đảo xa-Con ở nhà có bạn”, biểu diễn nghệ thuật và trao 100 suất học bổng, 4.000 suất quà tặng con em cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên biển, đảo.
Doanh nhân Trần Vũ Thành cho biết đang hình thành 1 starup triển khai ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để cho ra sản phẩm giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ. Ông Thành tâm sự: “Điều chúng tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là những người lính đảo được quan tâm nhiều hơn, các em nhỏ và người dân trên khắp đất nước biết rằng, ngoài khơi xa, đang có những người lính hy sinh vì bình yên Tổ quốc. Từ đó, mỗi người có khát khao, hoài bão, nỗ lực học tập, cống hiến, trở thành người có ích cho xã hội”.
Có thể bạn quan tâm
CEO Dat Bike: Bỏ giấc mơ Mỹ để theo đuổi mục tiêu "xanh hóa" 250 triệu xe máy xăng ở Đông Nam Á
03:00, 23/07/2021
Profile "khủng" của Giám đốc Phát triển thị trường Mỹ của VinFast
03:00, 22/07/2021
CEO Gojek: Mặt trái của tinh thần kinh doanh có thể khiến các doanh nhân hành động sai lầm
02:00, 21/07/2021
Sứ mệnh "nhân bản" của ông chủ Kakao
03:00, 20/07/2021