Tỷ phú Lee Man Tat và cuộc hồi sinh đế chế sản xuất dầu hào lớn nhất thế giới
Tỷ phú Lee Man Tat, người được mệnh danh là "vua dầu hào" với vai trò Chủ tịch của hãng sản xuất gia vị Lee Kum Kee Group, vừa qua đời.
Đối với những người ưa ẩm thực Trung Hoa, dầu hào (Oyster Sauce) có lẽ không xa lạ khi là thành phần không thể thiếu cho nhiều món ăn. Nói đến dầu hào thì lại phải nhắc tới Lee Kum Kee, hãng sản xuất dầu hào lớn nhất thế giới.
Cuộc chiến vương quyền
Người sáng lập lên Lee Kum Kee là Lee Kum Sheung, một đầu bếp nhỏ sáng chế ra dầu hào phục vụ cho một quán ăn nhỏ. Năm 26 tuổi, chàng đầu bếp họ Lee này nấu quá tay một nồi hàu và những gì còn lại dưới đáy nồi là hỗn hợp nước sốt thơm ngon, sau này được khá nhiều gia đình giàu có Trung Quốc ưa chuộng.
Năm 1888, Lee Kum Sheung thành lập nên Lee Kum Kee nhằm mở rộng buôn bán sáng chế của mình cho các hộ gia đình và quán ăn ở Quảng Đông và miền nam Trung Quốc.
Công ty này tiếp tục được các con cháu đời sau của Lee Kum Sheung gìn giữ và phát triển. Năm 1902, trụ sở công ty được chuyển đến Macau nhưng sau đó được chuyển về Hong Kong vào năm 1932.
Chủ tịch quá cố Lee Man Tat là người kiểm soát chính đế chế này suốt 50 năm qua. Bản thân ông Lee Man Tat hiện cũng là người giàu thứ 63 thế giới với 17,1 tỷ USD tài sản. Gia tộc họ Lee cũng là người cực kỳ có quyền thế tại Hong Kong, Macau và miền nam Trung Quốc nhờ kinh doanh nhiều đời trong mảng ẩm thực.
Dẫu vậy, đi cùng với hào quang đó là những cuộc đấu đá tranh giành nội bộ trong gia tộc. Năm 1972, cha của Lee Man Tat bị 2 người anh em ruột kiện ra tòa đòi quyền sở hữu tập đoàn. Năm 1986, lịch sử lặp lại một lần nữa khi chính Lee Man Tat bị người em của mình kiện ra tòa để đòi quyền kiểm soát Lee Kum Kee.
Đến cuối thập niên 1990, Sammy Lee, người con út trong 5 người con của Lee Man Tat kiện cha mình trong cuộc chiến giữ lại một công ty sản xuất mà 2 cha con đầu tư.
Để giải quyết tình hình, Lee Man Tat đã chi một số tiền lớn để đổi lại sự thống nhất trong gia đình cùng như duy trì tình cảm của dòng họ Lee. Điều này khiến ông từng mắc nợ rất nhiều nhưng đổi lại, Lee Man Tat vẫn kiểm soát 100% cổ phần Lee Kum Kee.
Gia tộc họ Lee đã đầu tư hàng tỷ USD cho bất động sản ở Hong Kong, Trung Quốc đại lục và London-Anh.
Mặc dù Sammy không tiết lộ con số cụ thể nhưng theo nhiều ước tính, Lee Kum Kee thu về khoảng 6-7 tỷ USD doanh thu và hơn 600 triệu USD lợi nhuận hàng năm nhờ các mảng đầu tư khác.
Lee Kum Kee là một trong số những tập đoàn gia đình trị hiếm hoi ở Trung Quốc tồn tại hơn 130 năm và vẫn phát triển. Tất cả là nhờ những cuộc đấu đá thành công và dứt điểm, không dây dưa dài dòng kéo hoạt động của công ty đi xuống như nhiều đế chế khác.
Để tiếp tục duy trì hoạt động của Lee Kum Kee, nhất là khi Lee Man Tat có đến 5 người con cùng nhiều cô dì chú bác cũng đang nhăm nhe tài sản của công ty, tập đoàn này đã thực hiện chế độ hội đồng biểu quyết vào năm 2002 với 7 thành viên chính: vợ chồng Lee Man Tat và 5 người con.
"Khi gặp nhau với tư cách người thân trong gia đình thì không nói chuyện làm ăn. Đã nói chuyện làm ăn thì bất kể tình thân gia đình", người con út Sammy nói.
Tất nhiên, mọi chuyện vẫn chưa êm xuôi khi người con gái duy nhất trong 5 người con của Lee Man Tat muốn nhiều hơn do không được tham gia điều hành công ty trực tiếp. Theo truyền thống gia tộc Lee cũng như tại Châu Á, con trai mới là người được thừa kế và tham gia điều hành gia nghiệp cha ông để lại. Vậy là những người anh em trai quyết định chia một phần tài sản của họ cho bà để thống nhất gia đình cũng như duy trì hội đồng quản trị của Lee Kum Kee.
"Nếu Hội đồng quản trị được duy trì, gia tộc Lee sẽ không phải chịu những cuộc nội đấu. Dù tỷ lệ sở hữu công ty được chia đều nhưng các thành viên trong gia đình không có sự tin tưởng lẫn nhau. Họ không có chung mục tiêu. Rất nhiều gia tộc đã đổ vỡ bởi không thể tìm tiếng nói chung. Gia tộc chúng tôi cần tránh vào vết xe đổ trong quá khứ. Nếu chúng tôi không làm gì thì lịch sử sẽ lặp lại. Đây là bài học mà tôi đã học được từ rất nhiều cuộc đổ vỡ của các gia tộc khác", người con út Sammy nói về hội đông của gia đình mình.
Theo Sammy, nhờ chế độ hội đồng quản trị như trên mà Lee Kum Kee không những có thể duy trì thêm 130 năm nữa mà thậm chí là 1.000 năm tiếp theo.
Lui về "hậu trường"
Trên thực tế, gia tộc Lee hiện tại không sóng yên biển lặng như nhiều người thấy. Năm 1999, người con út Sammy đã có cuộc xung đột lợi ích vô cùng gay gắt với người cha Lee Man Tat. Cả 2 cha con đã đầu tư xây dựng một công ty kinh doanh thảo dược Trung Quốc theo đề nghị của Sammy vào năm 1992. Khoản đầu tư đó vô cùng lớn và Sammy cho rằng chúng sẽ thu được lợi nhuận.
Trớ trêu thay, Sammy lại thích kinh doanh mảng thảo dược hơn nước chấm và anh muốn bán số cổ phần trong Lee Kun Kee của mình để toàn tâm theo đuổi sự nghiệp riêng, đây là điều mà người cha Lee Man Tat không bao giờ muốn.
Trong vòng 2 năm kể từ năm 1999, Sammy hầu như vắng mặt trong các cuộc gặp và sự kiện gia đình vì xung đột với cha và chỉ đến cuối năm 2000, anh mới trở lại.
"Tôi đã nghĩ thông. Tôi đã sai. Gia đình luôn cần được ưu tiên hơn cái tôi", người con út Sammy thừa nhận và đề nghị khoảng thời gian 5 năm để anh có thể hoàn toàn chuyển từ kinh doanh thảo dược quay ngược lại công việc của gia đình.
Khoảng 3 năm trở lại đây, cố chủ tịch Lee Man Tat không còn tham dự quá nhiều vào công việc điều hành mà 5 người con cùng 14 đứa cháu mới là những nhân vật chủ chốt quản lý công ty. Họ thành lập một hội đồng để biểu quyết những vấn đề lớn, từ đóng góp từ thiện cho đến đầu tư phát triển kinh doanh.
Trong suốt 15 năm kể từ năm 2002, gia tộc Lee đã có 59 cuộc họp hội đồng. Bản thân Sammy cùng các anh chị em đã phải đến Harvard để theo học các khóa đào tạo cho việc duy trì những đế chế kinh doanh nhiều thế hệ.
Trên thế giới hiện nay, chỉ có 1 gia tộc kinh doanh tại Nhật Bản và 2 tại Pháp là đã duy trì được hơn 1.000 năm và gia tộc họ Lee cũng đang có tham vọng này. Thậm chí, gia tộc họ Lee còn đang dự định đưa thêm người lạ vào hội đồng quản trị nhằm thu hút nhân tài cũng như duy trì, phát triển việc kinh doanh của Lee Kum Kee.
Có thể nói, nội đấu tại Lee Kum Kee đã khiến tập đoàn này có thời gian lao đao, nhưng nhờ giải quyết dứt điểm và giữ vững khối đoàn kết, gia tộc họ Lee vẫn duy trì được công việc kinh doanh truyền thống mà cha ông để lại.
Hiện tại, mảng kinh doanh chính của Lee Kum Kee không chỉ xoay quanh dầu hào mà còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, từ bất động sản, chăm sóc sức khỏe đến đầu tư liên doanh.
Có thể bạn quan tâm