Chuyện về cô gái Việt lãnh đạo quỹ đầu tư Mỹ

Diendandoanhnghiep.vn Rời nhóm nhạc Tymyty tới Mỹ du học, Vũ Võ Thùy My đã vươn lên trở thành lãnh đạo quỹ đầu tư mạo hiểm Fuel Venture Capital có tổng số vốn khoảng 150 triệu đô la Mỹ, chuyên rót vốn cho các startup.

Fuel VC quản lý một quỹ trị giá khoảng 200 triệu USD chuyên đầu tư vào các công ty mạo hiểm ở thị trường Mỹ, châu Âu do Jeff Ransdell sáng lập năm 2017 sau khi rời khỏi thị trường đầu tư tư nhân, cổ phiếu. Fuel VC được đồng sở hữu và điều hành bởi cô gái người Việt sinh năm 1987 Võ Vũ Thùy My (Maggie Vo).

90 ngày thử thách trên đất Mỹ

Rời quê nhà năm 17 tuổi để đến Mỹ học lớp 12, để có thể kiếm được học bổng vào đại học, tôi phải nỗ lực "chạy đua" để vừa có thành tích học tập tốt nhất, nhiều hoạt động ngoại khóa nổi trội trong vỏn vẹn... 9 tháng! Điều này có hơi thiệt thòi vì các học sinh Mỹ có đến 4 năm để thực hiện, gầy dựng một bộ hồ sơ tuyển sinh.

Võ Vũ Thùy My hiện là General Partner (người đồng sở hữu chịu trách nhiệm quản lý và điều hành quỹ) của Fuel VC. Ảnh: Maggie Vo.

Võ Vũ Thùy My hiện là General Partner (người đồng sở hữu chịu trách nhiệm quản lý và điều hành quỹ) của Fuel VC.

Bên cạnh đó, từ một học sinh luôn đứng đầu lớp ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), được nhiều người biết đến nhờ nhóm Tymyty, My trở thành một sinh viên quốc tế với vốn tiếng Anh ít ỏi, một người bạn cũng không có, chẳng ai biết đến mình. 

Theo học trường Centre College ở Kentucky (Mỹ) với hai bằng toán học và tài chính và tốt nghiệp năm 2009, đúng vào lúc xảy ra khủng hoảng tài chính nên rất khó kiếm việc làm, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư tài chính.

Năm đó, những sinh viên nước ngoài như My chỉ có vỏn vẹn 90 ngày để tìm kiếm việc làm, nếu không tìm được, sẽ phải rời khỏi xứ cờ hoa. Trong 90 ngày đó, My nhận một công việc phân tích tài chính ở Kentucky.

Vô tình trên chuyến bay từ New York về Kentucky, cô ngồi cạnh một vị Giám đốc quỹ đầu tư tại Florida. My xin contact của ông ấy và giữ liên lạc với ông mỗi tuần và coi ông như một mentor giúp mình học thêm các kiến thức thực tế về đầu tư, và biết rằng ông là cơ hội duy nhất có thể giúp mình tìm kiếm công việc trong ngành đầu tư mà mình mơ ước.

Sau đó không lâu, ông ấy khuyến khích My nên đi thi bằng CFA (một chứng chỉ 3 cấp độ do Hiệp hội quốc tế dành cho các nhà quản lý đầu tư chuyên nghiệp) vì đó là điều kiện để được làm việc ở các quỹ đầu tư.

My quyết định đi làm ban ngày và học thi CFA buổi tối. Sau 6 tháng ròng rã, My đỗ level 1 với điểm số cao trong mỗi hạng mục. Lúc đó, công ty của vị giám đốc nọ không hề có vị trí dành cho My, nhưng ông ấy đã thuyết phục mọi người mở ra một vị trí mới cho My làm việc. My rời Kentucky, bỏ lại mọi thứ để tới Florida bắt đầu công việc mới và thi tiếp level 2, level 3 của bằng CFA.

Sau khi thấy My đậu 3 level liên tiếp, không rớt lần nào và đảm nhận được mọi công việc của quỹ, ông đã cất nhắc cho My lên làm giám đốc quản lí một quỹ riêng và dần dần trở thành cánh tay đắc lực của ông.

Nhiều người nghe như vậy thường nói My may mắn, nhưng My nghĩ, ai cũng có một cơ hội như thế, gặp một người có khả năng thay đổi vận mệnh của mình, nhưng nếu mình không biết nắm bắt thì mình cũng dễ dàng để cơ hội vụt khỏi tầm tay.

Từng làm nhiều năm ở các quỹ quản lý tài sản trong thị trường niêm yết. Nhưng từ sau khủng hoảng tài chính năm 2009, My chú ý rằng các kênh đầu tư như cổ phiếu hay trái phiếu ở Mỹ dần mất hấp dẫn. Mọi người chú ý nhiều hơn tới thị trường tư và thấy rằng, các công ty công nghệ ngày càng lớn mạnh với tốc độ quá nhanh. Và quan trọng hơn hết những công ty công nghệ này chọn ở lại thị trường tư lâu hơn để phát triển thay vì tham gia thị trường niêm yết từ sớm để gọi vốn.

Các nhà đầu tư hiểu rằng, muốn thu được lợi nhuận cao, phải đầu tư vào startup từ rất sớm, chứ nếu đợi các công ty này IPO thì đã quá trễ. Vì thế, lĩnh vực đầu tư mạo hiểm dần thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong đó có khách hàng của My. Họ rất mong muốn My đi tìm giúp những cơ hội mới hấp dẫn như thế.

Chính điều đó thúc đẩy My rời thị trường niêm yết và tìm tới quỹ Fuel VC, nơi My bắt đầu với vị trí chỉ là chuyên viên phân tích tài chính. Và trở thành người điều hành quỹ và chịu trách nhiệm chính về mặt đầu tư 2,5 năm sau đó.

Thành danh nơi xứ người

Ở Mỹ có rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm và người ta thường phân thành 3 loại: những quỹ lớn có vốn khoảng từ 500 triệu đô trở lên, quỹ tầm trung từ 100 tới dưới 500 triệu đô và dưới 100 triệu đô được coi là quỹ nhỏ. Từ lúc mới thành lập, Fuel VC đã xác định chỉ tập trung vào quỹ tầm trung và chỉ rót vốn vào các công ty công nghệ thời đại mới từ trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, thực tế ảo, robot, và công nghệ tài chính...

Một điều thú vị là 50% thành viên của quỹ xuất phát từ thị trường niêm yết và My là một trong số đó. Do đó quỹ có nhiều kinh nghiệm chuyên môn trong việc quản lí quỹ, gọi vốn đầu tư, phân bố tài sản, và quản trị rủi ro. Ngoài ra, thay vì đặt trụ sở tại Thung lũng Silicon như nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm khác, quỹ chọn Miami - một thành phố rất phát triển, hội tụ nhiều founder và thuận lợi khi kết nối với châu Âu và Nam Mỹ.

Tại Fuel VC, My phân loại startups theo nhiều dạng khác nhau tuỳ theo tiềm năng phát triển của công ty và khả năng sinh lời cho nhà đầu tư chứ không chỉ tập trung vào việc công ty có trở thành unicorn (kỳ lân) hay không. Bởi vì không phải công ty nào cũng có khả năng đó. Tấm bằng CFA giúp My nhiều trong việc định giá công ty, xây dựng mô hình tài chính, chiến lược phát triển và exit (lối thoát) cho những công ty startup.

Sau khi quyết định đầu tư, để giảm thiểu rủi ro, My không bao giờ chọn rót vốn một khoản quá lớn. Bởi vì My coi khoản vốn ban đầu chỉ là cơ hội giúp quỹ đầu tư và founder được làm việc sâu với nhau. Chỉ khi được đứng ở góc nhìn bên trong như thế, mình mới có cơ hội hiểu rõ nội tình hoặc những rắc rối mà doanh nghiệp đang vướng phải.

Cách làm này đồng thời giúp founder có động lực hoàn thành mục tiêu do quỹ đề ra để có thể nhận được những khoản vốn tiếp theo từ quỹ

My và ca sĩ Pitbull cùng đồng nghiệp

My và ca sĩ Pitbull cùng đồng nghiệp

Cuối cùng khi công ty startup tìm kiếm cơ hội exit, mối quan hệ với những ngân hàng đầu tư giúp My dễ dàng hơn trong việc tiếp cận những đối tác có thể mua lại hoặc giúp công ty chuẩn bị cho việc lên sàn niêm yết.

Cơ duyên đầu tư vào startup OhmniLabs

Trong danh mục đầu tư của Fuel VC có startup về robot OhmniLabs do Tiến sĩ Thức Vũ đồng sáng lập. Thức Vũ từng được Silicon Valley Business Journal, tạp chí kinh doanh uy tín tại Mỹ, vinh danh là một trong 40 nhân vật dưới 40 tuổi có ảnh hưởng nhất tại Thung lũng Silicon.

Khi kết nối với Thức Vũ và tìm hiểu về startup của anh, Thùy My nhận thấy tiềm năng ở sản phẩm robot vận hành bằng trí tuệ nhân tạo của OhmniLabs trên thị trường thế giới. Nhưng trên hết, quyết định đầu tư của cô đến từ chính con người của Thức Vũ, một người Việt thực sự đam mê với robot, AI, một tài năng mà cô đã dõi theo trong nhiều năm.

“Đầu tư vào startup cũng là đầu tư vào nhà sáng lập. Tôi muốn biết nhà sáng lập của startup đó đã có hành trình xây dựng công ty như thế nào trước khi đầu tư, họ đã vượt qua những khó khăn trong cuộc sống ra sao”, nữ lãnh đạo của Fuel VC chia sẻ.

Trên cương vị của nhà đầu tư, Thùy My cho rằng mỗi startup lại có một bài toán riêng ở từng giai đoạn cần tìm lời giải. Khi còn ở giai đoạn tạo ra sản phẩm, startup cần những nhà đầu tư có thế mạnh về sản phẩm hay công nghệ để đưa ra những góp ý.

Đến vòng gọi vốn series A, series B, khi đã có những kiểm chứng về sản phẩm, startup cần tiếp thị thương hiệu rộng rãi hơn tới thị trường, lúc này bạn cần những nhà đầu tư có thể hỗ trợ để mở rộng mối quan hệ hợp tác để phục vụ được nhóm khách hàng mới.

Thùy My cho rằng một trong những lý do startup thường “rạn nứt” là bởi những kỹ sư đã đặt những viên gạch đầu tiên bỗng một ngày không còn tìm được tiếng nói chung để xây tiếp “ngôi nhà” của mình nữa. Trong khi đó, các cofounder của OhmniLabs đã gắn bó một thời gian khá dài. Ngoài ra, cô cũng nhấn mạnh rằng ưu điểm khác biệt trong thị trường cũng là một yếu tố quyết định để Fuel Venture Capital rót vốn cho công ty này.

“Hiện nay ở Mỹ, tôi đang phát triển một hệ sinh thái bao gồm tất cả các nhà đầu tư có thể giúp đỡ cho startup từ vấn đề công nghệ, tiếp thị-bán hàng, truyền thông, luật pháp hay thoái vốn”, Thùy My nói.

“Mỗi công ty lại cần sự giúp đỡ khác nhau ở những thời điểm khác nhau. Do đó, tôi muốn trở về Việt Nam và tạo thêm nhiều kết nối với những nhà đầu tư như vậy để tìm kiếm sự hỗ trợ cho các startup và xây dựng một hệ sinh thái tương tự ở Việt Nam”, cô nhấn mạnh.

Ngoài thử thách đáng kể về kiếm việc làm giai đoạn gần tốt nghiệp tại Mỹ vì là sinh viên Việt Nam, My còn phải đối mặt với áp lực của một phụ nữ châu Á dám bước vào lĩnh vực đầu tư tài chính, nơi tỷ lệ cạnh tranh cao.

“Tôi luôn thích thử thách bản thân mình để sau đó tận hưởng cảm giác tự hào khi mình đã đạt được điều đặt ra và trưởng thành, hoàn thiện hơn”, My nói.

My giờ đây đã là một người có bằng cấp cao, kinh nghiệm chuyên làm về quỹ, biết cách quản lý, phân bố tài sản và tạo danh mục đầu tư… Điều đó giúp My nuôi dưỡng sự tự tin để bước lên thành công cao hơn nữa. Mục tiêu chinh phục tiếp theo của My là mở rộng mạng lưới của Fuel VC ở châu Âu và Nam Mỹ như hiện nay và còn có thể vươn tới thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam. Đó là cách để My có thêm nguồn lực hỗ trợ start-up ở Việt Nam.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Chuyện về cô gái Việt lãnh đạo quỹ đầu tư Mỹ tại chuyên mục Doanh nhân của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714154821 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714154821 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10