Chủ tịch Vĩnh Tiến Lâm An Dậu: Thất bại để thành công
Sinh ra một thương hiệu, một sản phẩm đã khó, duy trì và phát triển nó trong vài năm, vài chục năm lại càng khó khăn, vất vả hơn gấp vạn lần.
Có lẽ vì vậy, nhà sáng lập, Chủ tịch Lâm An Dậu của Công ty CP Giấy Vĩnh Tiến suốt những năm qua luôn đau đáu khát vọng đưa thương hiệu Vĩnh Tiến, đứng vững và vươn xa ở thị trường trong nước và quốc tế.
Cậu bé bán thuốc lá dạo tập kinh doanh
Chuyện khởi nghiệp của ông chủ thương hiệu giấy Vĩnh Tiến bắt đầu bằng những ngày đi bán thuốc lá dạo. Lâm An đi tìm khách.
Nghĩ là làm, tôi đề nghị chị ngồi bán thuốc, còn tôi ôm thùng gỗ đi bán dạo. Sáng kiến bước đầu thành công, thuốc lá tôi bán tăng gấp ba lần. Đó là cú kinh doanh đầu đời của tôi trên đường phố. Tôi lại nghĩ để bán được nhiều nơi hơn cần phải có xe đạp, thế là tôi xin ba má chiếc xe đạp cũ. Nhưng chân tôi còn ngắn nên phải ngồi gá trên sườn xe mà đạp. Khổ nhất là bộ sên xích cứ quay một chút lại trật ra, tay chân ngày nào cũng đen nhẻm vì phải ráp lại xích xe cà tàng”.
Năm 1980, nhiều người trong dòng họ đi vượt biên, nhưng ba má Lâm An Dậu vẫn ở lại. Dậu nhớ anh đã từng nói với ba mẹ mình: “Mình đi đâu thì cũng phải làm mới có ăn. Ba má cứ yên tâm. Con còn tay, còn chân thì nhà mình không nghèo được”.
Kinh nghiệm kiếm sống trên hè phố dần dần giúp Dậu phát hiện những hướng làm ăn mới ngay trong thời điểm khó khăn. Thấy bán thuốc lá dạo suốt đời chỉ nắng mưa cùng đường phố, Dậu chuyển sang buôn bán hóa chất.
Ban đầu chỉ buôn bán cò con, sau đó không chỉ thu mua ở khu Chợ Lớn mà còn ra tận biên giới gom hàng về cung cấp cho các nhà sản xuất mỹ phẩm, kem đánh răng. Thời điểm đó, hàng hóa chất cực hiếm. Dậu bỏ vốn một, lời ba. Nhiều hôm anh chạy hàng một buổi, chiều đã ra chợ sắm được chục lượng vàng bỏ túi.
“Hốt bạc” nhanh chóng, chàng trai trẻ không té ngã trên thương trường mà trắng tay với chiếu bạc đỏ đen! Và rồi chuyện gì đến phải đến. Một buổi sáng thức dậy, Dậu chỉ còn hai bàn tay trắng. Má Dậu khóc: “Má không giận vì con tán gia bại sản, nhưng má buồn vì nếu cứ thế này thì chắc chắn đời con sẽ không ra gì”. Dậu lặng người, nghẹn giọng không nói được tiếng nào. Đêm đó, anh thắp nén nhang ra thề trước sân nhà đoạn tuyệt với cờ bạc.
Sau thất bại do lối sống của mình, Dậu bắt tay làm lại từ đầu bằng nghề ve chai, tư chất lanh lợi từ thuở nhỏ đưa Dậu đến nhiều nơi, quan hệ nhiều nguồn để có thể mua hàng lớn. Một lời một, Dậu phục hồi nhanh chóng.
Bạn bè chủ động đề nghị Dậu hợp tác mở rộng mạng lưới buôn bán giấy vụn. Đêm đó Dậu mất ngủ, thao thức: “Người làm ăn là người đi trên con đường luôn có nhiều người đi. Nếu mình bằng lòng với hiện tại để đứng lại thì có nghĩa là đã tự thụt lùi”. Sáng hôm sau, anh nói với bạn bè: “Tại sao tụi mình chỉ biết mua bán giấy vụn mà không nghĩ phải làm ra giấy?”.
Hơn 40 năm đồng hành với học trò
Dậu bắt tay thực hiện ý nguyện của mình bằng cách tích lũy vốn, mua một miếng đất xây nhà xưởng, rồi mua máy móc để chuẩn bị sản xuất giấy.
Dậu đi tìm mua máy cũ chỉ hoạt động được bằng điện, nhưng khi máy vừa hoạt động mới bắt đầu lộ rõ điểm yếu chết người khi Tp.HCM những năm đầu thập niên 1980 cúp điện trung bình 4-5 ngày mỗi tuần. Máy móc nằm “trùm mền”, ông chủ trẻ cũng lao đao. Thất bại đã bày ra ngay từ khi nhà máy chưa đi vào hoạt động.
Dậu ra một quyết định làm mọi người ngạc nhiên: đập nhà máy! Dậu đập nhà máy cũ để xây một nhà máy mới có qui mô lớn hơn và hiện đại hơn để bắt đầu cho một thương hiệu Vĩnh Tiến chuyên sản xuất các loại giấy vở và văn phòng phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm của Vĩnh Tiến nhanh chóng bị cạnh tranh dữ dội, nhất là các loại giấy vở nhập ngoại giá rẻ, chất lượng kém.
Một thời gian sau, Công ty Vĩnh Tiến lâm vào khủng hoảng, bế tắc hẳn đầu ra. Anh lại mất ngủ triền miên.
Một số “quân sư” tư vấn cho Dậu chiêu thức “gậy ông đập lưng ông”: “Đối thủ cạnh tranh bằng sản phẩm chất lượng thấp, giá rẻ. Mình sẽ làm sản phẩm y như vậy để cạnh tranh ngược lại họ”. Những năm lăn lóc cho Dậu có cảm giác bất ổn. Dậu bình tĩnh phân tích lại và hiểu rằng tự hạ thấp chất lượng sản phẩm là tự giết mình. Dậu quyết định phân khúc thị trường, khẳng định Vĩnh Tiến vẫn là Vĩnh Tiến.
Dậu tiếp tục nghiên cứu, đầu tư nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm, đồng thời rà soát qui trình sản xuất hợp lý để giảm giá thành sản phẩm. Thực tế sau này đã cho thấy Dậu đúng, tình hình kinh tế phát triển thì người tiêu dùng giấy vở không chỉ nhìn giá mà còn chọn lựa chất lượng. Vĩnh Tiến bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, sản phẩm Vĩnh Tiến hút hàng trên thị trường cả nước.
Bây giờ, Lâm An Dậu nhìn lại sự nghiệp kinh doanh có mồ hôi, nước mắt, nụ cười của mình với sự thanh thản: “Trong thương trường thất bại rất thường đến, nhưng buồn khóc với nó thì có giải quyết được gì? Vậy thì hãy cười lên, và tự tin mà bước qua”.
Giấy Vĩnh Tiến đi ra từ một tổ sản xuất giấy đánh máy, giấy quay Roneo nhỏ bé vào giữa năm 1980. Năm 1988, doanh nghiệp này đã bất ngờ cho ra đời sản phẩm tập vở học sinh có tên gọi “Tập Nai nhí” với hình con nai nhỏ xinh xắn, dễ thương, nhanh chóng được thị trường đón nhật, gắn bó với nhiều thế hệ học trò từ đó đến nay.
Nói về những ngày khởi đầu ấy, ông Lâm An Dậu luôn kể lại bằng nhiều tự hào: “Lúc đầu, khi tổ hợp sản xuất giấy Vĩnh Tiến ra đời với vẻn vẹn chỉ có 15 người và thị trường tràn ngập các loại giấy nhập từ Campuchia, Trung Quốc, nhưng tôi vẫn xác định mục tiêu cho những bước đi xa hơn. Để tìm bước đột phá, tôi miệt mài nghiên cứu nhằm tạo nên sự khác biệt so với các loại giấy tập cùng loại trên thị trường”.
Tập “Nai nhí” đã là sự khác biệt với hình con nai nhỏ xinh xắn, dễ thương, trở thành một dấu ấn đẹp trong lòng hàng triệu học trò. “Nhưng lấy được niềm tin đối với người tiêu dùng đã khó, để giữ lại nó mãi trong lòng họ còn khó hơn rất nhiều. Chúng tôi luôn nghĩ, luôn trăn trở như vậy và không ngừng cố gắng” – ông Lâm An Dậu chia sẻ.
Bằng những trăn trở ấy, Giấy Vĩnh Tiến đã tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo, đưa ra thị trường loại tập gáy lò xo, học sinh chỉ cần mang một cuốn tập, nhưng có thể sử dụng cho nhiều môn học khác nhau. Với loại sản phẩm này, người dùng về nhà chỉ cần mở phần giấy đã viết ra và đóng vào vở của từng môn một cách dễ dàng. Cho tới nay, tập vở học sinh của Giấy Vĩnh Tiến đã có hàng ngàn mẫu khác nhau, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của tất cả mọi khách hàng.
“Khi thời điểm mở cửa, trên thị trường tràn ngập các loại giấy nhập từ Campuchia, Trung Quốc, chúng tôi phải xác định mục tiêu cho những bước đi xa hơn. Vĩnh Tiến đã miệt mài nghiên cứu, cải tiến công nghệ, để bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng của chúng tôi, trong đó có các em nhỏ…” – ông Dậu nói.
Đầu tiên, Giấy Vĩnh Tiến thực hiện đổi mới chất lượng tập vở với việc in bìa bốn màu bằng công nghệ in offset có cán OPP và có trang lót trong, sau đó đưa vào tập hương thơm, mẫu chữ cái tiếng Anh, những kiến thức về sức khỏe, về giáo dục học đường, ứng dụng công nghệ phun UV trong xử lý bề mặt bìa, đồng thời thay thế dần bao bì PP bằng màng POF không độc hại…
Từ đó, ngoài việc sản phẩm đạt chất lượng cao, cùng với các giá trị cộng thêm, tập vở Nai Nhí, VIBOOK… của Giấy Vĩnh Tiến đã được nhiều phụ huynh, học sinh lựa chọn, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước và hướng ra xuất khẩu, bắt đầu từ các nước Đông Nam Á, rồi sang tận châu Âu, Mỹ…
Không quên trách nhiệm xã hội
Khởi nghiệp ở tuổi vị thành niên từ những năm 1980, ông Dậu kiên trì chăm chút cho quyển tập học sinh nhãn hiệu con nai rồi dần dần mở rộng sang nhiều lĩnh vực ngành nghề khác. Tuy nhiên, dù ở giai đoạn nào, người ta cũng bắt gặp hình ảnh ông lặng lẽ sẻ chia lợi nhuận cho các hoạt động thiện nguyện. Tập con nai không chỉ chiếm lĩnh thị trường toàn quốc và được xuất khẩu ra một số thị trường thế giới, mà còn theo chân các đoàn công tác xã hội, các hoạt động từ thiện đến với học trò nghèo ở các địa bàn vùng sâu vùng xa; hoặc các vùng bị thiên tai lũ lụt tàn phá…
Hơn 20 năm trước, ông Dậu đã được bình chọn là “doanh nhân Sao đỏ” và dù trải qua không ít giai đoạn khó khăn thăng trầm, ông vẫn luôn lèo lái con thuyền Vĩnh Tiến “đi ngay về thẳng”. Là nhà thiện nguyện trong nhiều chương trình giáo dục có ý nghĩa từ những năm đầu khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, ông Dậu nuôi dưỡng tinh thần đó cho đến tận bây giờ và coi đó như sự tri ân, chia sẻ lại với cộng đồng những gì mình có.
“Tùy theo sức của mình, như Bác Hồ dặn”, ông nói. Đồng hành với học bổng Nguyễn Đức Cảnh của TP.HCM suốt 10 năm, ông Dậu cũng tâm sự: “Sản phẩm của Vĩnh Tiến đã nhận được sự tin yêu của quý thầy cô, phụ huynh và các em học sinh trên mọi miền đất nước. Vì thế việc đóng góp của chúng tôi như một lời tri ân đến quý thầy cô và các em học sinh”.
Năm ngoái, khi đại dịch COVID-19 nổ ra, ông Dậu đã cùng với các thành viên chủ chốt trong công ty quyết định nhanh hướng đi an toàn cho tương lai Vĩnh Tiến. Ông tâm niệm: “Công ty và bản thân mình có an toàn thì mới giúp cộng đồng, giúp xã hội lúc khó khăn được”.
Vào thời điểm đó, thông điệp “5K” vang lên ở khắp mọi nơi, mặt hàng khẩu trang y tế trở thành mặt hàng nóng nhứt và thậm chí khan hiếm trên thị trường, ông Dậu đã có một quyết định táo bạo. Ông mua lại Công ty CP Kỹ Thuật Mới, một doanh nghiệp có bề dày gần 30 năm tại quận 8, TP.HCM.
Đây là công ty đầu tiên ở VN in kỹ thuật không gian hai chiều (2D) và ba chiều (3D) tạo ra các kiểu tranh, ảnh độc đáo (có chiều sâu và thay đổi hình ảnh), chuyên thiết kế, tạo mẫu và in offset trên các chất liệu dạng tấm như: các loại giấy, giấy ghép màng OPP, metallized, giấy nhôm, đề can (sticker) nhựa các loại... Bên cạnh đó, công ty còn sản xuất các mặt hàng thiết bị trường học như: con chữ, số, que tính, bảng gài, thước kẻ, hộp đựng bút, bản đồ, tranh giáo dục trực quan; sản xuất đồ chơi lắp ghép cho trẻ em như: hình thú, ngôi nhà, máy bay, ô tô; cắt dán thủ công, bộ đồ chơi phi tiêu; các loại lồng đèn lắp ráp, lồng đèn cho Trung thu, lồng đèn trang trí...
Sau khi hoàn tất việc mua lại công ty này, ông Dậu chuyển hoạt động sản xuất tập học sinh sang đó để tận dụng các lợi thế của công nghệ mới, nhằm tiếp tục “nâng tầm” cho các sản phẩm phục vụ giáo dục. Còn tại khu nhà xưởng Công ty CP Giấy Vĩnh Tiến, ông đầu tư nhanh các dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế. “Mặc dù với máy móc hiện đại, công suất cao nhưng tôi ưu tiên mặt hàng này là để phục vụ trong nước khắp 3 miền, nên tôi đặt tên cho thương hiệu là 3H, có nghĩa là Hà Nội, Huế và TP.HCM”, ông Dậu chia sẻ.
Những ngày đầu khi khẩu trang 3H Vĩnh Tiến có mặt trên thị trường, công ty hầu như chỉ bán với giá vốn và sau đó thì bắt đầu những chuyến xe đi tặng. Khi đại dịch bất ngờ quay trở lại với tốc độ lây lan chóng chóng mặt, các bệnh viện công trên địa bàn TP.HCM hầu như đều được tặng với số lượng lớn.
Không dừng lại ở đó, ông Dậu mở rộng khu vực tặng qua khối chính quyền, nhân viên công vụ… vì nhận thấy rất nhiều người khi tham gia chống dịch chưa có được chiếc khẩu trang tốt, 5 lớp… như của 3H Vĩnh Tiến để đeo...
Rồi một buổi tối đầu tháng 7/2021, chúng tôi nhận được cuộc gọi của ông Dậu với nhiều trăn trở sau khi ông xem chương trình thời sự trên ti vi về tình hình dịch bệnh tại TP.HCM. Lúc đó ông đã quyết định mở cửa kho khẩu trang đem tặng hết.
Bên cạnh khẩu trang y tế, ông Dậu còn mua gạo và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tặng những gia đình khó khăn trong đại dịch.
Có thể bạn quan tâm
Ông chủ thực sự đứng sau Apple
02:00, 22/09/2021
Đằng sau động thái "quy ẩn" của Người sáng lập JD.com
02:00, 21/09/2021
Cha đẻ của giống gạo ngon nhất thế giới "nhọc nhằn" giữ thương hiệu
01:03, 20/09/2021
Người sáng lập eBay: Khi tiền không phải là tất cả!
04:47, 19/09/2021
Nghệ thuật quản trị của Rockefeller
03:24, 18/09/2021