Bến đỗ mới của cha đẻ "phần mềm quốc dân" Unikey
Phạm Kim Long - cha đẻ "phần mềm quốc dân Việt Nam" Unikey - đã rời công ty anh gắn bó 8 năm để đầu quân cho MoMo.
>>>Chân dung người phụ nữ quyền lực đứng sau “Amazon nước Nga”
Xuất hiện trước báo giới, Hội đồng AI của MoMo bất ngờ có thêm một cái tên mới khá quen mặt trong giới công nghệ - Phạm Kim Long – cha đẻ "phần mềm quốc dân Việt Nam" Unikey.
Gương mặt thân quen
Ông Long là một nhân vật kín tiếng trong giới công nghệ, người đã tạo ra bộ gõ tiếng Việt siêu nhỏ gọn Unikey khi mới chỉ là sinh viên năm cuối ĐH Bách Khoa Hà Nội năm 1994. Unikey đã có 26 năm tồn tại, phát triển nhưng vẫn giữ nguyên tính ổn định và hiệu quả.
Vào năm 1994, khi còn là sinh viên năm cuối, Phạm Kim Long và 3 bạn cùng lớp thách đố nhau xem ai tạo ra bộ gõ tiếng Việt nhỏ gọn nhất dành cho hệ điều hành DOS bằng ngôn ngữ lập trình Assembly. Kết quả, Long giành chiến thắng với bộ gõ chỉ 2Kb siêu nhỏ gọn - sản phẩm có thể coi như phiên bản đầu tiên của Unikey sau này.
Tốt nghiệp Bách Khoa loại giỏi, Phạm Kim Long sang Cộng hòa Séc làm nghiên cứu sinh tại Đại học Kỹ thuật Praha. Với điều kiện kỹ thuật ‘lý tưởng’ ở Séc thời bây giờ, anh có cơ hội nghiên cứu sâu hơn và đã lập trình bộ gõ tiếng Việt trên hệ điều hành Windows với tên gọi LittleVnKey. Phiên bản này Long cũng mới dừng lại ở việc sử dụng cá nhân và tặng bạn bè, thậm chí nó còn chưa hỗ trợ bộ mã quốc tế UniCode.
Cuối 2000, thời điểm đang bí đề tài làm luận án tốt nghiệp, anh lân la trên một diễn đàn tin học nổi tiếng thì thấy mọi người bàn tán sôi nổi về việc Windows hỗ trợ Unicode tiếng Việt. Đặc biệt, người dùng thường hay hỏi trên diễn đàn về cách ‘bẻ khoá’ VietKey, bộ gõ hỗ trợ UniCode trên Windows nhưng phải trả phí.
Máu sáng tạo nổi lên, Phạm Kim Long quyết định tạo bộ gõ miễn phí để giúp mọi người. Anh dành một đêm thiết kế, hai đêm mã hóa liên tục mới cho ra phiên bản hoàn chỉnh mang tên Unikey. Bên cạnh những góp ý chân thành từ người dùng, Unikey cũng bị nhiều người gièm pha, thậm chí tung tin đồn có virus đính kèm bên trong.
Tuy nhiên, trên tất cả, sự đơn giản, tính tiện lợi và miễn phí đã giúp Unikey trở thành "phần mềm quốc dân" tại Việt Nam. Năm 2001, anh Long quyết định công bố mã nguồn mở Unikey. Một số người đã gửi thư chỉ trích gọi hành động của Phạm Kim Long là nhiệt tình thái quá, giết chết các sản phẩm thương mại. Tuy nhiên với cộng đồng người dùng, việc làm của Phạm Kim Long rất đáng hoan nghênh.
- Doanh nhân Nguyễn Vũ Khắc Huy và sứ mệnh phát triển du lịch Phú Quốc
- Điều ít biết về Adidas và Puma
Đến năm 2006, Apple đã liên hệ với Phạm Kim Long để được quyền tích hợp lõi Unikey lên tất cả sản phẩm macOS và iOS của mình. Thật bất ngờ, anh tặng luôn Unikey cho Apple và hoàn toàn không thu phí.
Trong lần hiếm hoi xuất hiện trước truyền thông, anh Long từng chia sẻ về lý do tạo ra phần mềm miễn phí Unikey như sau:
"Việc Unikey trở thành phần mềm miễn phí là rất tự nhiên, vì nó ra đời từ chính nhu cầu của người dùng cần một chương trình bàn phím miễn phí. Hơn nữa, khi làm được gì hay thì lẽ rất tự nhiên là muốn chia sẻ với người khác. Mình không có ý đối lập với những người viết chương trình thương mại, họ làm ra chương trình để kiếm sống bằng lao động của họ là điều hoàn toàn chính đáng. Mình cũng sống bằng viết phần mềm nhưng Unikey thì không phải phần mềm kiếm sống. Unikey là một thú giải trí của mình, như vậy viết Unikey cũng chính là phục vụ cho mình vậy.
Mình sẽ luôn duy trì Unikey là phần mềm miễn phí. Mà hơn nữa Unikey là open source (mã nguồn mở), ai cũng có thể lấy nó về phát triển thêm".
"Đầu quân" cho Momo
Sau khi rời khỏi vị trí Giám đốc của Zalo AI, ông Long giờ đây đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển AI của MoMo. Tại đây, ông Long phụ trách các nhóm nghiên cứu công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên và thị giác máy tính.
"Cha đẻ" Unikey Phạm Kim Long chia sẻ về lý do khiến ông bất ngờ từ bỏ vị trí lãnh đạo mảng AI của Zalo để gia nhập MoMo. Ảnh: Trọng Đạt
Trong một cuộc hội thảo về AI vừa được tổ chức mới đây, giải thích lý do về việc đầu quân cho startup công nghệ này, ông Phạm Kim Long cho biết đây là một cơ duyên do cảm thấy cần thay đổi để có thêm những thách thức mới.
“Momo có tầm nhìn dài hơn về AI và gắn với những mục tiêu thiết thực. Điều quan trọng là không đòi hỏi kết quả ngay. Anh Tường (TGĐ MoMo) cũng đặt ra cho tôi một đề bài rất cụ thể khi muốn sử dụng AI để xử lý bài toán dùng chatbot chăm sóc khách hàng.”, ông Phạm Kim Long nói.
Chia sẻ thêm về công việc của mình, “cha đẻ” phần mềm Unikey cho biết mục tiêu của ông trong thời gian tới là tìm ra giải pháp ứng dụng AI vào việc đem đến những trải nghiệm người dùng thân thiện và tường minh hơn.
Tham vọng của chuyên gia này là muốn sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt vào việc thanh toán, đồng thời đưa trợ lý ảo bằng giọng nói lên ứng dụng.
Trước MoMo, VNG là công ty gần nhất ông đầu quân, với vị trí Giám đốc Zalo AI.Khi được hỏi câu hỏi khá nhạy cảm về việc "so găng" giữa nơi cũ và chốn mới, ông Long chia sẻ: "Để so sánh với MoMo, AI ở Zalo hơi bay bổng hơn chút. Sau 8 năm, tôi cũng muốn có những thách thức mới thiết thực hơn. Lĩnh vực fintech hoàn toàn mới với mình. Điểm hấp dẫn ở MoMo là dịch vụ gắn đa dạng với đời sống của con người. Tiếp xúc với các anh lãnh đạo MoMo, cảm nhận được việc các anh rất quý người và có độ tin tưởng rất lớn".
Nhìn nhận về vai trò của AI trong các sản phẩm công nghệ, ông Long cũng cho biết: "AI có thể là phần lõi quan trọng, hoặc phần tạo nên khác biệt của nhiều sản phẩm, nhưng để một sản phẩm thành công còn cần rất nhiều thành phần khác, mà công sức bỏ ra có thể lớn hơn nhiều phần lõi AI. Nếu dùng AI làm những thứ cao xa, với công nghệ mới nhất, các chỉ số mô hình AI đẹp nhất, nhưng cuối cùng trải nghiệm người dùng không "mượt mà", người dùng không thích, thì cũng là thất bại".
Có thể bạn quan tâm
Doanh nhân Lê Hồng Thủy Tiên: Những gì nam giới làm được thì nữ giới cũng có thể làm được
01:00, 22/01/2022
CEO& Founder Chu Phương Linh: 4.0 và cơ hội lớn của ngành thời trang
03:44, 21/01/2022
Giám đốc điều hành quỹ đầu tư lớn nhất thế giới: Đã đến lúc đối xử tốt hơn với nhân viên
03:08, 20/01/2022
Người viết nên lịch sử của ABC Supply
00:03, 19/01/2022