Nhà đồng sáng lập Apple từ bỏ 75 tỷ đô như thế nào?
Chắc không nhiều người biết, Apple có 3 nhà sáng lập. Nhà sáng lập thứ 3 đã bán 10% cổ phần lấy 1.500 đô, ngày nay trị giá 75 tỷ đô.
>>Apple đạt vốn hóa thị trường 3 nghìn tỷ USD
Vào ngày 1/4/1976, Steve Jobs và Steve Wozniak bước vào nhà của Ronald Wayne, một kỹ sư mà họ từng làm việc cùng tại Atari. Hai giờ sau, Jobs và Wozniak quyết định thành lập Apple cùng Wayne, ký thỏa thuận hợp tác mà Wayne đã đánh máy tại chỗ. Steve Jobs và Steve Wozniak được nhận 45% cổ phần mỗi người.
Wayne nhận được 10% quyền sở hữu - đủ để ông có thể đóng vai trò là người hòa giải nếu Jobs và Wozniak có bất đồng trước khi đưa ra một quyết định nào đó. Wayne được hai người đồng sáng lập còn lại đánh giá là "cân bằng và hợp lý" hơn họ nhiều.
Nhưng chỉ 12 ngày sau, Wayne quyết định rời đi. Mặc dù sau đó ông nói rằng ông "cảm thấy doanh nghiệp sẽ thành công", ông cũng biết sẽ có "những va chạm trên con đường" dẫn đến thành công đó. Và ông biết chi phí cho những cú "va chạm" có thể rất cao - công việc kinh doanh máy đánh bạc của ông đã thất bại vài năm trước đó, khiến ông mất hai năm để bù đắp các khoản lỗ lớn.
Năm 2013, Wayne chia sẻ rằng Jobs và Wozniak gặp ông khi cả hai đều không có vốn, trong khi ông đã có một ngôi nhà, một chiếc xe hơi cùng tài khoản ngân hàng. Khi thỏa thuận hợp tác được ký kết, Jobs đã đi ra ngoài và làm chính xác những gì ông phải làm. Ông ký hợp đồng với một nơi có tên là The Byte Shop để bán cho họ một số lượng máy tính nhất định, và vay 15.000 USD cho các vật liệu cần thiết để hoàn thành đơn đặt hàng.
Nhưng Wayne cho rằng The Byte Shop có tai tiếng về việc không thanh toán hóa đơn đúng hạn. Nếu hợp đồng này thất bại, 15.000 USD đó sẽ được hoàn trả như thế nào? Chắc chắn gánh nặng sẽ đè lên vai Wayne, và ông không muốn điều đó xảy ra.
>>Nhóm các cựu kỹ sư của Apple khởi nghiệp sáng tạo với ứng dụng game giúp rèn luyện sức khỏe mùa dịch
Wayne cũng cho rằng mình quá già để hợp tác cùng hai người đồng nghiệp, mà ông gọi là “những cơn gió lốc”. Vì vậy, Wayne từ bỏ cổ phần của mình trong công ty với giá 1.500 USD.
Quyết định đó tốn kém như thế nào? Cổ phiếu của người sáng lập đương nhiên bị pha loãng bởi các đợt tăng vốn. Vào thời điểm Apple niêm yết cổ phiếu vào năm 1980, 45% cổ phần sở hữu ban đầu của Jobs đã trở thành 11% cổ phần. Nếu ông nắm giữ tất cả cổ phiếu của mình, 10% ban đầu của Wayne có thể đã trở thành 2,5% cổ phần sở hữu. Vì Apple hiện có vốn hóa thị trường khoảng 3 nghìn tỷ USD, điều đó có nghĩa là cổ phiếu của Wayne sẽ có giá trị khoảng 75 tỷ USD.
Mặc dù vậy, Wayne không hối hận về quyết định của mình. Nếu chỉ nhìn vào giá trị hiện tại, có vẻ đó là một sai lầm. Nhưng những gì Wayne biết vào thời điểm rời bỏ công ty là việc ông vừa hợp tác với hai doanh nhân thiếu kinh nghiệm để khởi động một dự án kinh doanh ở lĩnh vực mà gần như chắc chắn sẽ là bờ vực của một ngành công nghiệp mới. Ít nhất một trong những người sáng lập đã rất vui khi được vay tiền để tài trợ cho việc kinh doanh và thỏa thuận hợp tác có nghĩa là Wayne sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân vô hạn đối với bất kỳ khoản nợ nào phát sinh.
Ông thậm chí không thích công việc này - niềm đam mê của Wayne là máy đánh bạc, không phải máy tính.
"Tôi chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc," Wayne nói, "bởi vì tôi đã đưa ra quyết định tốt nhất với thông tin có sẵn cho tôi vào thời điểm đó. Đóng góp của tôi không lớn đến mức tôi cảm thấy mình bị lừa theo bất kỳ cách nào." Tóm lại, Wayne đã quyết định đúng, và hàng chục năm sau vẫn cảm thấy như vậy.
Thành kiến nhận thức muộn (tin rằng sau khi một sự kiện xảy ra, bạn đã biết kết quả sẽ như thế nào) khiến bạn dễ dàng đặt câu hỏi về phán đoán của mình. Ở thời điểm này, nếu bạn nhìn lại câu chuyện vừa rồi, bạn sẽ không mảy may nghi ngờ về thành công của Apple vì họ có Steve Jobs.
Nhưng vào năm 1976, Jobs không phải là Steve Jobs mà chúng ta biết. Ông ấy vẫn chỉ mới là một chàng trai với một giấc mơ. Và đó là bài học thực sự của Ronald Wayne.
Nhìn lại, chúng ta luôn nghĩ rằng chúng ta đã biết nhiều hơn những gì chúng ta biết khi đó. Chúng ta luôn đặt nặng vấn đề mà chúng ta đã cân nhắc và từ chối vào thời điểm đó. Nhưng bạn đã không chọn các lựa chọn khác - dù có thể bạn đã từng nghĩ đến nó. Chỉ bây giờ, trong nhận thức muộn màng và sau khi thực tế xảy ra, bạn mới biết.
Như Mark Cuban nói, "Cuộc sống là một nửa ngẫu nhiên. Trở thành tỷ phú đòi hỏi rất nhiều may mắn và rất nhiều thời điểm."
Điều duy nhất mà bất kỳ ai trong chúng ta có thể làm là đưa ra quyết định tốt nhất có thể với những gì chúng ta biết ngày hôm nay - và sau đó đừng đổ lỗi cho bản thân nếu những gì chúng ta học được vào ngày mai khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về một quyết định. Bởi vì không phải lúc nào chúng ta cũng có thể biết được mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào.
Nhưng chúng ta có thể chọn học hỏi từ kinh nghiệm - và tiếp tục cố gắng đưa ra quyết định tốt nhất có thể với những gì chúng ta biết ngày hôm nay.
Có thể bạn quan tâm