CEO Hòa Bình Group: Doanh nghiệp muốn cạnh tranh phải có công nghệ riêng
Ông Lê Viết Hiếu cho rằng, nếu không áp dụng những công nghệ mới thì ngành xây dựng nước nhà sẽ đối mặt với những khó khăn, đó là thiếu nhân công chất lượng cao và chi phí quá cao.
>>>Nữ doanh nhân 9X dân tộc Thổ biến "đất cằn nở hoa"
Tái cấu trúc toàn diện
Chia sẻ tại talk show “The Next Power” mới đây, ông Lê Viết Hiếu – Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình cho biết, trong quá trình tái cấu trúc, thực hiện tinh giản hóa lại từ quản lý cấp cao, sau đó tới phòng ban, nhân viên. Một số Phó tổng, phòng ban được loại bỏ hoặc thêm mới, giảm bớt thủ tục trình xin ý kiến cũng như hợp tác với nhau cởi mở hơn.
“Khi tinh giảm lại đội ngũ như vậy, việc mỗi người được trao quyền nhiều hơn và trách nhiệm và chức năng của mỗi người cũng được tăng cường lên. Chúng tôi cũng sắp xếp lại những phòng ban, làm sao để phối hợp với nhau tốt nhất… Khi có một mục đích chung, họ sẽ hợp tác với nhau để đạt được mục tiêu đó”, CEO trẻ của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình nói về quá trình tái cấu trúc tại doanh nghiệp.
Để thực hiện bất cứ sự thay đổi nào một cách thuận lợi, anh cho biết, đã dành nhiều công sức để thuyết phục các Phó tổng đáng tuổi cha, chú. Anh lấy ý kiến của rất nhiều người đi trước, hoàn thiện các phương án của mình rồi “ngồi riêng”, “ngồi chung” và chuẩn bị những luận điểm và chứng cứ rất rõ ràng để thuyết phục.
Tại đây, phương pháp lãnh đạo tạo nên dấu ấn của vị Tổng giám đốc trẻ này là “lãnh đạo bằng câu hỏi”. Những câu hỏi được anh đưa ra hướng tới phương pháp giải quyết, những bước đi tiếp theo của vấn đề và cho tất cả mọi người cơ hội để đóng góp.
“Tất nhiên sẽ có một phần nhỏ không đồng ý hoặc có ý kiến, nhưng người lãnh đạo phải có đủ bản lĩnh để chứng minh luận điểm đúng”, Tổng giám đốc Lê Viết Hiếu nhấn mạnh.
Mặt khác, khi có một mục tiêu mới được đưa ra từ HĐQT, phong cách triển khai của vị Tổng giám đốc này là “kiểm tra chéo”, “đi từng bước cẩn trọng” để có sự đồng thuận cao. Khi đó, công ty sẽ không vấp phải những vấn đề về pháp lý, tài chính hay những biến cố bên ngoài, tránh làm dự án chậm triển khai và tăng cơ hội thành công.
Anh cho rằng, Chủ tịch Lê Viết Hải luôn luôn có tính khẩn trương trong cách triển khai và đó là ngọn lửa kéo cả đầu tàu đi. Tuy nhiên, anh khẳng định, về tầm nhìn, anh có tầm nhìn chung. Còn về cách làm, anh cẩn trọng hơn và tập trung vào việc quản lý rủi ro nhiều hơn.
>>>Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh hội nhập
Phải giải quyết được 3 bài toán
Vị CEO trẻ của Tập đoàn Hoà Bình cho biết, việc áp dụng công nghệ mới vào ngành xây dựng Việt Nam là rất khó khi hệ sinh thái và chuỗi cung ứng của những vật liệu cũ đã quá hoàn thiện nên chi phí được tối ưu. Tuy nhiên, nếu như không áp dụng những công nghệ mới thì ngành xây dựng nước nhà sẽ đối mặt với những gì mà những nước phát triển đối mặt ngay lúc này, đó là thiếu nhân công chất lượng cao và chi phí quá cao.
“Trong tương lai, nếu như chúng ta muốn có một lợi thế cạnh tranh thật sự và bền vững, chúng ta phải hướng tới những cái giá trị cao hơn. Chúng ta phải có những vật tư, công nghệ riêng của mình”, CEO Lê Viết Hiếu chia sẻ.
Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đa số đem vật tư mới, vật liệu mới hoặc phần mềm mới ở nước ngoài về để áp dụng theo kịp chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, trong tương lai sẽ cần tốn thời gian và chi phí đầu tư để không bị tụt hậu.
Theo đó, vị lãnh đạo của Tập đoàn Hòa Bình cho biết, để có thể thực sự cạnh tranh, tập đoàn phải giải quyết 3 bài toán gồm năng lực tài chính để có thể mở rộng ra thị trường nước ngoài; nâng cao tay nghề, trình độ ngoại ngữ của nguồn nhân lực và kết nối hệ sinh thái ngành xây dựng như vật tư, nhà thầu phụ ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, tập đoàn cũng thực hiện những chương trình trao đổi nhân viên ra nước ngoài, cũng như xác định những “hạt giống” tốt ở công ty để đào tạo tiếp nối thế hệ trước. Đặc biệt, để xứng tầm với thế giới, anh Hiếu cho rằng, các công ty Việt Nam rất cần nâng cao tính minh bạch trong vận hành và đảm bảo các yếu tố ESG (Environmental, Social and corporate Governance - mối liên hệ giữa Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp).
Nói về việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hòa Bình rộng 2,5ha tại Khu công nghệ cao TP.HCM, với tổng vốn đầu tư lên đến 900 tỷ đồng, CEO Lê Viết Hiếu cho biết, Trung tâm Đổi mới sáng tạo này có mục tiêu là tạo điều kiện cho các công ty trong ngành xây dựng, cơ khí, công nghiệp, sản xuất,.. có không gian hợp tác, chia sẻ thông tin chuyên ngành cũng như hình thành môi trường phát triển các ý tưởng mới, sản phẩm mẫu. Đồng thời, Trung tâm cũng giúp thu hút các nhà đầu tư quốc tế cho lĩnh vực này tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Nữ doanh nhân 9X dân tộc Thổ biến "đất cằn nở hoa"
00:04, 05/07/2022
Tổng kết 10 năm Nghị quyết số 09-NQ/TW: Quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt với doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam
19:31, 30/06/2022
Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh hội nhập
17:39, 30/06/2022
Thế cân bằng hạnh phúc của các nữ doanh nhân Việt
14:13, 28/06/2022
Khởi nghiệp Doanh nhân trẻ: Sân chơi cho các startup ứng dụng công nghệ blockchain
04:28, 27/06/2022