Nếu gia đình được coi là tế bào của xã hội thì người phụ nữ được coi là hạt nhân của tế bào này.
>>Bữa cơm gia đình trong xã hội hiện đại
Trong lịch sử loài người từ xưa đến nay, phụ nữ bao giờ cũng đóng vai trò đặc biệt, là một lực lượng quan trọng và đông đảo tạo dựng nên xã hội. Văn hào người Pháp Victor Hugo đã từng ca ngợi: “Bên cạnh ánh sáng lung linh của các vì sao còn có ánh sáng êm dịu và huyền bí của tâm hồn người phụ nữ”.
Nói về vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại, không thể không nói đến vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Nếu gia đình được coi là tế bào của xã hội thì người phụ nữ được coi là hạt nhân của tế bào này.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG, doanh nhân Nguyễn Thị Nga cho rằng, so với người phụ nữ xưa, phụ nữ ngày nay ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí cùng sự ảnh hưởng của mình trong gia đình và xã hội. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những người phụ nữ hiện đại ít lưu giữ được các giá trị truyền thống. Bà Nga cho rằng, công việc nhà, chăm sóc con cái, đưa đón con, nấu nướng… có thể đều phải nhờ đến sự hỗ trợ của người giúp việc, nhưng dù bận rộn đến đâu, với phụ nữ hiện đại, gia đình vẫn là điều quan trọng nhất, mỗi người sẽ có những cách khác nhau để vun vén, giữ lửa cho tổ ấm của mình. Đó chính là giá trị truyền thống được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác và có lẽ sẽ không bao giờ thay đổi.
Ở góc độ một doanh nghiệp nhỏ, chị Phạm Hồng Hương với thương hiệu bánh ngọt cao cấp Atelier thì chia sẻ: “Thay vì cố gắng để cân bằng công việc - gia đình, tôi tranh thủ từng chút một, đưa thời gian lo cho gia đình vào trong thời gian biểu mỗi ngày và luôn để gia đình - con cái ở chế độ ưu tiên. Vì đến cuối cùng, hạnh phúc mới là cái quan trọng, mình không thể vì sự nghiệp mà bỏ quên gia đình. Cho nên việc gìn giữ và nuôi dưỡng những mối quan hệ trong gia đình rất quan trọng, vì phụ nữ cho dù có mạnh mẽ làm việc như thế nào cũng cần một chỗ dựa gia đình vững chắc. Bên cạnh đó, sắp xếp công việc hợp lý, lựa chọn làm những gì phù hợp để phục vụ cho mục đích cuộc sống rất quan trọng.”
Phụ nữ khi đã tham gia công việc kinh doanh vốn sẽ luôn đứng trước thách thức phải cân bằng gia đình - sự nghiệp. Nhưng theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Công ty Hỗ trợ Phát triển Xanh, hãy nghĩ về cân bằng công việc - cuộc sống dưới Lý thuyết Bốn lò lửa của tác giả James Clear. Chúng ta hãy tưởng tượng rằng cuộc sống như một cái bếp có bốn lò. Mỗi lò biểu tượng cho một mặt của cuộc sống: Lò thứ nhất là gia đình, lò thứ hai là bè bạn, lò thứ ba là sức khoẻ, lò thứ tư là công việc. Lý thuyết Bốn lò lửa cho rằng: “để thành công, bạn phải tắt đi một trong bốn lò. Và để thành công xuất sắc, bạn phải tắt đi hai trong số bốn lò”.
Điều này có nghĩa là, cái gọi là “cân bằng cuộc sống” thực ra không bao giờ là hoàn hảo. Bạn khó có thể vừa lo cho gia đình chu toàn, lại vừa có thời gian với bạn bè, vừa chăm sóc sức khoẻ cá nhân, lại vừa tập trung được cho công việc. "Bản thân tôi cũng đang đối mặt với các áp lực tối ưu hóa nguồn lực giới hạn trong cuộc sống - cố gắng tối đa hóa tính hữu dụng dựa trên các thước đo như nghề nghiệp, con cái, mối quan hệ… trong bối cảnh bình thường mới!" - bà Trang nói.
Có thể bạn quan tâm