CEO “kỳ lân” MoMo tìm ý tưởng công nghệ mới từ trong khủng hoảng
Ông Nguyễn Mạnh Tường, đồng sáng lập ứng dụng thanh toán MoMo nhận định: công nghệ là trụ cột của kinh tế Việt Nam mang lại cơ hội phát triển ứng dụng công nghệ trên nhiều lĩnh vực.
>>>Kỳ lân MoMo tăng trưởng vượt bậc trong 2 năm COVID-19
MoMo và bài học từ khủng hoảng kinh tế
Tại một diễn đàn trao đổi với những sinh viên Việt Nam tại Mỹ vừa được tổ chức, CEO Nguyễn Mạnh Tường đã kể lại câu chuyện về ý tưởng thành lập ví điện tử MoMo gắn liền với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Khi đó, ông Nguyễn Mạnh Tường bắt đầu học MBA tại Chicago (Mỹ).
“Khủng hoảng kinh tế khiến những nhà tổ chức lớn như Lehman Brother lần lượt đóng cửa, các đối tác của trường đại học như Google cũng tạm dừng tuyển dụng. Nhiều du học sinh khi ấy bị cắt giảm tài trợ, nhà trường tìm được ngân hàng cho vay tiền để học nhưng với lãi suất rất cao. Mọi tính toán trở nên vô nghĩa vì không biết mọi thứ sẽ xảy ra như thế nào, sẽ đi về đâu. Hàng ngày chúng tôi phải nghe tin xấu, bối cảnh khá giống như thời điểm hiện nay” - CEO Nguyễn Mạnh Tường nhớ lại tâm trạng lúc đó.
Trong công cuộc tranh đấu tìm kiếm thực tập sinh, Nguyễn Mạnh Tường may mắn được làm thực tập mùa hè tại Chicago. Dự án tư vấn đó đã "đưa đẩy" CEO của “kỳ lân” MoMo sang Indonesia làm nghiên cứu về thu hẹp khoảng cách số cho Chính phủ Indonesia. Công việc này đã mang lại cho Nguyễn Mạnh Tường những thông tin và cơ hội tìm hiểu khái niệm mobile payment (thanh toán điện tử).
“Tôi có thêm ý tưởng xây dựng ứng dụng tương tự tại Việt Nam, giúp thay đổi cuộc sống của người Việt. Đó chính là Momo” - CEO Nguyễn Mạnh Tường chia sẻ và mang MoMo về Việt Nam để start-up với cộng sự. Đến nay, Momo trải qua 12 năm - đó là khoảng thời gian không phải là “con đường trải hoa hồng” nhưng Nguyễn Mạnh Tường và anh chị em phải thích nghi.
“MoMo tự hào tiên phong trong lĩnh vực thanh toán điện tử. Là người đi tiên phong được thoả sức sáng tạo, được đặt ra mục tiêu mới, nếu sai có cơ hội làm lại và gặt hái thành công thì sung sướng vô cùng. Có nhiều thời điểm, khách hàng hài lòng sử dụng sản phẩm của mình, cả team hạnh phúc lắm, hạnh phúc không thể tả được” - Nguyễn Mạnh Tường chia sẻ.
Thế nhưng, đổi lại, những người đi tiên phong cũng rất cực. “Thời mới làm, ai hỏi chúng mình đang làm gì thì đều trả lời là làm IT. Nếu câu trả lời là làm thanh toán điện tử thì sẽ phải mất đến 30 phút để giải thích. 12 năm trước, nhiều người chưa hiểu thanh toán điện tử, ví điện tử là gì. Vì vậy, điều đầu tiên để làm startup là phải thích nghi với sự nghi ngờ” - Nguyễn Mạnh Tường tiếp tục câu chuyện.
Công nghệ sẽ là trụ cột của kinh tế Việt Nam
“Ở khía cạnh nào đó, nhờ khủng hoảng kinh tế thì MoMo mới có thể ra đời và phát triển như ngày hôm nay” - CEO Nguyễn Mạnh Tường nói. Trong bối cảnh hiện tại, toàn bộ nền kinh tế thế giới và Việt Nam cũng đang trong khủng hoảng với những thách thức chưa từng có tiền lệ, ngành công nghệ đã và đang có ảnh hưởng tiêu cực, MoMo tiếp tục mở rộng đầu tư các lĩnh vực khác như công nghệ tài chính, đầu tư chứng khoán, phát triển mini app và chuyển đổi số cho SMEs.
Mỗi lần khủng hoảng kinh tế, MoMo ghi dấu ấn riêng, Nguyễn Mạnh Tường chia sẻ về sự thích nghi của doanh nghiệp và nhấn mạnh đến 2 yếu tố. Đó là vai trò của đồng đội trong thời kỳ khó khăn. Có những đồng đội tốt để đồng hành, không phải muốn có là được; một phần là may mắn, phần khác do cách mình làm và hành động đã đủ thu hút người cùng chí hướng, đặc biệt, càng trong khó khăn thì sự kết nối càng chặt chẽ hơn.
Thứ hai, “tâm bình yên trong cơn bão” - tâm thế thích nghi và niềm tin về sự tốt đẹp. Việc chấp nhận hoàn cảnh không có nghĩa là chịu khuất phục, mà để an yên trong tâm và bắt đầu có sự thích nghi trong hành động. Niềm tin của CEO “kỳ lân” MoMo chính là mình làm sản phẩm tốt của người Việt cho người Việt.
Nhận định trong 10 năm tới, ngành công nghệ sẽ là trụ cột của kinh tế Việt Nam bởi phát triển trí tuệ, công nghệ cao là con đường phát triển phù hợp nhất, tốt nhất và hạn chế phụ thuộc nhiều vào việc khai thác tự nhiên, ông Nguyễn Mạnh Tường mong muốn có trí thức trẻ Việt Nam tại Mỹ và các nước trong lĩnh vực công nghệ trở về chung tay phát triển bền vững đất nước..
“Tại Việt Nam, thị trường công nghệ đang phát triển rất tốt, tất nhiên trong khủng hoảng sẽ có giai đoạn thăng trầm liên quan đến nguồn vốn. Thế nhưng, qua tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài thì tôi nhận thấy họ có niềm tin vào Việt Nam với nhiều tiềm năng phát triển như dân số trẻ, tỷ lệ người dân sử dụng công nghệ cao, hơn 50 triệu người dùng facebook…” - ông Nguyễn Mạnh Tường nói.
Từ công việc của mình, người đồng sáng lập ứng dụng thanh toán MoMo đánh giá: thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam gần như trở thành thói quen của nhiều người. Rất nhiều quán ăn, nhà hàng, cửa hàng nhỏ lẻ có hình thức thanh toán chuyển khoản, thanh toán không tiền mặt. Khi mình có khách hàng, cơ hội cho các bạn trẻ là rất nhiều.
Có thể bạn quan tâm
Viva Republica startup fintech Hàn Quốc muốn cạnh tranh Grab và Momo
04:35, 26/03/2022
MoMo trở thành ví thanh toán cho Gojek
14:19, 14/03/2022
Từ 'nhà nghèo' thành 'kỳ lân' tỷ USD nhưng MoMo không định 'xuất ngoại'
04:23, 15/02/2022
Hai xu hướng đầu tư của Đồng sáng lập MoMo Nguyễn Bá Diệp
11:20, 11/01/2022
Tham vọng của MoMo khi đổ tiền đầu tư cho Nhanh.vn
11:45, 10/01/2022
Trở thành kỳ lân công nghệ trị giá 2 tỷ USD, MoMo tiến tới hoàn thiện siêu ứng dụng
16:00, 23/12/2021
MoMo hoàn thành gọi vốn series 5 trị giá 200 triệu USD
12:40, 21/12/2021