Bước đệm lan tỏa trái cây Việt Nam tại châu Âu
Chuỗi cabin mát thông minh do công ty IPEI triển khai nhằm hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp cận công nghệ bảo quản bền vững, tiết kiệm năng lượng, mở đường cho trái cây Việt sang châu Âu.
>>>Kết nối và quảng bá rau quả Việt Nam
Ông Nguyễn Thanh Dương - Trưởng Văn phòng đại diện Công ty kỹ thuật xây dựng và đầu tư cảng quốc tế IPEI (Vương quốc Bỉ) tại Việt Nam cho biết: thị trường châu Âu có nhu cầu lớn về trái cây tươi và chi trả số tiền lớn để tiêu dùng trái cây nhiệt đới đặc sản của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư công nghệ bảo quản trái cây mát để xuất khẩu chưa phổ biến khiến trái cây Việt khó tiếp cận thị trường châu Âu.
Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trái cây Việt Nam hiện nay đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác và các nông hộ. Qua làm việc, ông Nguyễn Thanh Dương đánh giá, nhiều doanh nghiệp tuy quy mô nhỏ nhưng rất năng động và mong muốn tìm được lối đi riêng thông qua việc kết nối với đối tác mua ở châu Âu để đàm phán ký kết hợp đồng mua bán. Khi có đầu ra ổn định, doanh nghiệp có thể cung cấp hàng hoá với số lượng lớn.
Nhưng, có vấn đề bất cập là bên mua ở châu Âu lại đặt yêu cầu ngược lại, bên cung cấp tại Việt Nam phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật khắt khe mới bàn đến việc thu mua. “Đây là câu chuyện được chúng tôi ví như con gà có trước hay quả trứng có trước. Quan điểm chưa thống nhất như vậy khiến hai bên khó đạt được mục đích chung. Vì vậy, chúng tôi đã thực hiện dự án thử nghiệm, giới thiệu thêm cho các bên con đường có thể đưa trái cây sang châu Âu để tìm được tiếng nói chung” - ông Nguyễn Thanh Dương nói.
Hiện IPEI đã hoàn thành nghiên cứu phát triển chuỗi logistics và cabin mát thông minh cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Trong đó, cabin mát thông minh đầu tiên được lắp đặt tại huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh với sự tài trợ của Quỹ FinExpo thuộc Vương quốc Bỉ. Những trái cây được canh tác theo tiêu chuẩn kỹ thuật cao của đối tác được các nông hộ đưa vào thẳng kho mát rồi tập kết tại cảng để xuất khẩu. Quy trình này đảm bảo trái cây sau khi thu hoạch luôn duy trì nhiệt độ bảo quản từ 2 - 8 độ C cho tới khi đến tay người tiêu dùng cuối tại châu Âu.
Ông Nguyễn Thanh Dương cho biết thêm: công nghệ bảo quản mát tiết kiệm năng lượng hơn so với công nghệ khác và thông minh hơn khi cho phép đối tác mua hàng (công ty nhập khẩu trái cây ở châu Âu) lẫn người bán hàng (công ty xuất khẩu trái cây tại Việt Nam) có thể theo dõi hành trình và kiểm soát điều kiện môi trường bên trong lô hàng từ xa thông qua cảm biến kiểm soát thông minh.
Ngoài ra, công ty sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã thành viên kết nối với những đối tác nhập khẩu trái cây từ châu Âu. Người nông dân chỉ cần trồng và bảo quản trái cây đúng tiêu chuẩn, đầu ra ổn định, không lo bị thương lái ép giá; các doanh nghiệp và hợp tác xã có thể tận dụng ưu thế tiết kiệm năng lượng của hệ thống để phát triển thương hiệu.
Ông Nguyễn Thanh Dương nhận định: những dự án như IPEI chính là bước đệm để lan tỏa thương hiệu trái cây Việt Nam đến tay người tiêu dùng châu Âu, mở ra một hành trình sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn, góp phần nâng tầm nông sản Việt.
Trong thời gian tới, IPEI tập trung phát triển mạng lưới bảo quản trái cây mát phục vụ mục đích xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, ngoài châu Âu là thị trường Mỹ hoặc Trung Đông. Tại Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long - vùng trồng cây ăn trái lớn nhất Việt Nam với hệ thống đường thuỷ có chi phí thấp là vùng trọng điểm để xuất khẩu đến các thị trường trên.
Có thể bạn quan tâm
Dự án SYMCOCHA: Sản phẩm trà lên men Kombucha từ trái cây Việt Nam
09:49, 09/12/2022
Thông quan hàng hoá cửa khẩu biên giới: Hàng trái cây Việt Nam sẽ được "ưu tiên"
13:54, 18/06/2022
Thế giới chuộng trái cây Việt hơn người Việt
11:00, 22/10/2020
Nhãn tươi khẳng định thương hiệu “trái cây Việt”
18:23, 13/08/2020
Trái cây Việt Nam chinh phục thị trường khó tính
11:00, 24/12/2019
Người tiêu dùng Hoa Kỳ có xu hướng quan tâm nhiều tới trái cây Việt Nam
04:50, 18/03/2018