Giữ giá trị cho “vàng trắng” một thời
Ông Phạm Đình Luyến - TGĐ Công ty cao su Chư Păh cho biết, để cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường cần phải biết đối thủ, biết thị trường, hiểu rõ chất lượng sản phẩm.
>>Doanh nghiệp “khốn đốn” hoàn thuế VAT: “Cơn sóng” lan sang ngành cao su
Chia sẻ với DĐDN, ông Phạm Đình Luyến cho biết, doanh nghiệp luôn xác định tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí để nâng cao đời sống người lao động là việc làm thường xuyên, liên tục.
- Cao su từng được xem là “vàng trắng” một thời, tuy nhiên, thời gian qua lại liên tục rớt giá. Công ty đã vượt qua thời gian khó khăn này ra sao, thưa ông?
Từ chỗ khó khăn về giá cả, khiến cho tài chính của đơn vị đôi lúc gặp khó khăn, buộc chúng tôi phải nỗ lực tái cơ cấu cấp quản lý; nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây; đẩy mạnh năng suất lao động và tập trung cải tiến kỹ thuật.
Tại vườn cây, chúng tôi đã chú trọng nâng cao tay nghề của người thợ cạo, áp dụng tối đa các phương pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm khai thác mủ tối đa. Tại Nhà máy chế biến, chúng tôi triển khai các biện pháp cải tạo nâng cao dây chuyền chế biến sản xuất mủ nhằm tạo ra chất lượng mủ tốt; đồng thời chăm sóc vườn cây để có chất lượng gỗ sau khi thanh lý đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Lấy sản lượng và chất lượng để bù vào giá từng bước vượt qua khó khăn, phát triển bền vững.
- “Cuộc chơi” thị trường cao su quốc tế đầy rẫy đối thủ mạnh như Indonesia, Thái Lan. Vậy, công ty đã tích lũy thế mạnh nào để cạnh tranh?
Đó là nội lực, là chất lượng. Ban Lãnh đạo Công ty luôn yêu cầu Phòng Quản lý chất lượng phối hợp với Nhà máy Chế biến và các phòng chuyên môn nghiệp vụ có liên quan, các đơn vị cùng nhau kiểm tra nguyên liệu mủ từ vườn cây đến Nhà máy nhằm sản xuất ra thành phẩm tốt nhất.
Đồng thời, Bộ phận Kế hoạch và Đầu Tư phải nhạy bén tìm hiểu để thông tin, dự báo trước về thị trường trong năm và những năm tiếp theo cho Ban Lãnh đạo Công ty. Đánh giá thị trường ngành cao su trên cơ sở dự báo rủi ro trên thế giới và trong nước; tìm kiếm và phát triển tối đa khách hàng.
- Theo ông thì, đã đến lúc Việt Nam cần hiện thực hóa chiến lược chế biến sâu, đa dạng hóa giá trị cho cây cao su một cách chủ động hơn?
Hiện nay Việt Nam đang xếp thứ 3 thế giới về xuất khẩu mủ cao su và dẫn đầu về năng suất vườn cây. Tuy nhiên ngành cao su Việt Nam muốn phát triển bền vững phải có chiến lược giảm tỷ lệ xuất khẩu thô, tăng cường phục vụ thị trường nội địa và giảm nhập khẩu nguyên liệu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến sâu cao su.
Cần cơ cấu sản phẩm theo hướng chế biến sâu, đa dạng hóa các mặt hàng từ cao su, để phá vỡ nghịch lý trong cán cân xuất nhập khẩu; đẩy mạnh triển khai quy hoạch diện tích trồng cây cao su, xây dựng nhà máy chế biến trong nước; định hướng phát triển những chủng loại cao su đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến cao su trong nước. Từ đó tạo nguồn nguyên phụ liệu dồi dào phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến cao su tại Việt Nam vượt qua các khó khăn của giá cả thị trường và vươn lên phát triển bền vững.
- Từ ngành hàng cao su, công ty có bài học kinh nghiệm nào cho nông sản Việt trở nên giàu sức sống hơn trên thị trường quốc tế?
Tôi cho rằng, cây nông nghiệp ở Tây Nguyên cần đưa ra những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn càng cụ thể càng tốt. Trong đó, công nghệ, giống và bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội là những thứ cần ưu tiên để đạt đến mục tiêu định lượng, tiệm cận trình độ quốc tế.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm