Không còn ghi khoản cổ tức hơn 44,4 tỷ đồng từ CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, khiến lợi nhuận quý III/2022 của Công ty CP Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) giảm hơn 80%.
>>>Cú bẻ lái của cao su Phước Hòa
Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý III/2022, PHR ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 322 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 12,3 tỷ đồng, giảm 80,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong kỳ, doanh thu tài chính chỉ đạt 3,18 tỷ đồng, giảm hơn 44,4 tỷ đồng, tương đương giảm 93,3% so với cùng kỳ; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 27,1%, tương ứng tăng thêm 4,8 tỷ đồng lên gần 22,6 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm hơn 80,7% trong quý III, lãnh đạo PHR cho rằng, do lợi nhuận từ bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 2,38 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do giá bán mủ giảm.
Bên cạnh đó, lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm 44,42 tỷ đồng do trong quý III/2021 công ty có nhận được khoản tiền cổ tức 47,31 tỷ đồng từ Công ty CP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên. Ngoài ra, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ.
Trong khi đó, hồi đầu tháng 8 vừa qua, HĐQT PHR đã thông qua chỉ tiêu tổng doanh thu công ty mẹ quý III đạt 492 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng; lần lượt tăng 75% và gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của HĐQT, trong quý III và nửa cuối năm gặp phải khó khăn như giá cả vật tư, nhiên liệu, phân bón đều tăng trong khi giá bán cao su giảm, tình trạng thiếu lao động khai thác mủ, tiền thuê đất cao sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2022. Công ty kỳ vọng sản lượng cao su tiêu thụ đạt hơn 7.053 tấn mủ thành phẩm các loại, giá bán bình quân 40,04 triệu đồng/tấn, thấp hơn mức bình quân nửa đầu năm là 42,5 triệu đồng/tấn.
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2022, PHR ghi nhận doanh thu đạt gần 864 tỷ đồng, giảm 0,9% và lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 261 tỷ đồng, tăng 114,2% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận 9 tháng đầu năm của PHR tăng trưởng mạnh chủ yếu nhờ khoản lợi nhuận khác tăng trưởng đột biến gần 283 tỷ đồng, tương đương tăng 1.234% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân đến từ khoản tiền thu từ đền bù, hỗ trợ thiệt hại theo các Quyết định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện dự án Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore III của UBND thị xã Tân Uyên và UBND huyện Bắc Tân Uyên khi bàn giao đất để thực hiện dự án.
Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của PHR đạt 3.213 tỷ đồng, giảm 3,8% so với đầu năm. Trong đó, tài sản chủ yếu đầu tư tài chính dài hạn với hơn 1.478 tỷ đồng, chiếm 46% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt hơn 584 tỷ đồng, chiếm 18,2% tổng tài sản; tài sản cố định đạt hơn 441 tỷ đồng, chiếm 13,7% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt gần 398 tỷ đồng, chiếm 12,4% tổng tài sản.
Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, Công ty mẹ PHR ghi nhận dòng tiền kinh doanh dương gần 133 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm gần 155 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 48,4 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận âm gần 220 tỷ đồng.
Trong báo cáo cập nhật doanh nghiệp ngành cao su tự nhiên mới đây, Chứng khoán SSI ước tính lợi nhuận cả năm 2022 của PHR có thể đạt 917 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ, sau đó có thể giảm xuống 630 tỷ đồng vào năm 2023, giảm 31% do thu nhập từ đền bù đất một lần giảm (690 tỷ đồng năm 2022 so với 208 tỷ đồng năm 2023). Thu nhập từ đền bù đất chiếm lần lượt 60% và 27% lợi nhuận của PHR trong năm 2022 và 2023.
Cũng theo SSI, từ năm 2024, PHR sẽ ghi nhận thu nhập liên quan đến khu công nghiệp (KCN) thông qua các công ty liên doanh (VSIP 3 và NTC). Qua đó, giúp Công ty ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể từ việc cho thuê KCN VSIP 3 (1.000 ha) và KCN Nam Tân Uyên 3 (351 ha).
Bên cạnh đó, SSI cho rằng, nhu cầu đối với các KCN đang gia tăng mạnh mẽ nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng, thể hiện qua giá cho thuê liên tục tăng lên. Tuy nhiên, ngành vẫn tiềm ẩn rủi ro, chẳng hạn như thủ tục phức tạp trong việc chuyển mục đích sử dụng đất từ trồng cao su sang phát triển KCN và quá trình xin cấp phép thành lập KCN mới từ Chính phủ có thể bị kéo dài.
SSI dự báo, lợi nhuận quý III sụt giảm, cùng với việc bán tháo trên thị trường sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu PHR. Tuy nhiên, chuyên gia của SSI cũng cho rằng, giá cổ phiếu PHR có thể tăng trở lại trong quý IV/2022 cùng với việc ghi nhận thu nhập một lần từ đền bù đất, cho phép Công ty đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 73% so với cùng kỳ trong quý IV/2022.
Trong khi đó, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá, diện tích rừng cao su tại Campuchia là động lực tăng trưởng mảng khai thác mủ trong giai đoạn tới. Theo TPS, vườn cao su của PHR tại Campuchia bắt đầu hoạt động trồng cao su vào 2009 và đã đưa vào khai thác 402 ha đầu tiên vào 2016.
Trong 2021, đơn vị này thu hoạch tổng cộng 11,462 tấn cao su, tăng 17,4% so với cùng kỳ, chính thức vượt sản lượng cao su tại thị trường nội địa (10,469 tấn). Hiện tại, diện tích vườn cao su đã đạt 7,589 ha, tương đương 55% tổng diện tích cao su công ty mẹ.
Trong giai đoạn tiếp theo, TPS đánh giá vườn cây tại khu vực Campuchia sẽ là động lực thúc đẩy chính cho mảng cao su của PHR trên cơ sở: (1) Vườn cây đã được đầu tư đầy đủ, đảm bảo hiệu suất khai thác tối ưu trong điều kiện thời tiết bất lợi; (2) Tuổi cây trung bình tại Campuchia chưa cao, đem lại nhiều dư địa để tăng trưởng sản lượng; (3) Dây chuyền sản xuất mủ SVR CV50/60 dự kiến sẽ gia tăng giá trị cho thành phẩm.
Bên cạnh đó, với tổng diện tích rừng cao su hơn 15.277 ha tại các khu vực trọng điểm về công nghiệp như Nam Tân Uyên (Bình Dương), công ty đang có định hướng chuyển mình để phát triển bền vững với mục tiêu chuyển đổi khoảng 5.000 ha đất để xây dựng 5 KCN và nghiên cứu đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn 2020 – 2025. Tuy nhiên, TPS cho rằng, hiện tại việc chuyển đổi đất cao su vẫn còn vướng mắc một số quy trình pháp lý, dẫn đến giai đoạn đầu tư có thể bị kéo dài.
Có thể bạn quan tâm