Gỡ vướng hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp ngành gỗ
Thống kê sơ bộ các doanh nghiệp ngành gỗ đang bị nợ đọng 6.100 tỷ thuế giá trị gia tăng chưa được hoàn, nhưng thực tế có thể gấp đôi con số này.
>>Chậm hoàn thuế VAT, doanh nghiệp gỗ khó trăm bề
Trao đổi với DĐDN, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) nhấn mạnh, câu chuyện hoàn thuế với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ hiện là câu chuyện rất căng thẳng và bức xúc.
Theo ông Hoài, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện, Thường vụ Quốc hội cũng đã có sự chỉ đạo nhưng vẫn vướng, thực tế chưa chuyển dịch gì nhiều.
- Câu chuyện hoàn thuế giá trị gia tăng vẫn đang làm “đau đầu” doanh nghiệp ngành gỗ, thưa ông?
Thống kê sơ bộ các doanh nghiệp ngành gỗ đang bị nợ đọng 6.100 tỷ thuế giá trị gia tăng chưa được hoàn, nhưng thực tế có thể gấp đôi con số này. Lý do doanh nghiệp không được hoàn thuế là bởi vì ngành hàng gỗ bị đưa vào doanh sách “đen”, danh sách có nhiều rủi ro, các cơ quan thuế siết chặt việc truy xuất trước khi hoàn thuế, đưa vào diện tiền kiểm. Trong khi đó chuỗi cung ứng của gỗ, sản phẩm gỗ rất phức tạp, từ hộ nông dân trồng rừng qua rất nhiều thương lái và nhiều người làm dịch vụ, qua các khâu chế biến xẻ, sấy… cho đến sơ chế trước khi vào doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu chuỗi để sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Cả chuỗi cung ứng rất dài và khó truy xuất nhưng hiện nay các quy định vẫn truy xuất đến tận người trồng rừng, điều này vô cùng tốn kém, khó khăn và có thể nói là không thể thực hiện được. Mỗi hộ nông dẩn chỉ có vài ha rừng, phân bố rải rác ở nhiều nơi, thương lái đi thu gom cũng không thể đảm bảo hết tất cả hồ sơ đầu vào. Cho nên chúng tôi đã kiến nghị cần những thay đổi kể cả về mặt luật pháp để thay đổi câu chuyện này.
- Cụ thể những thay đổi mà ông đề xuất là gì, thưa ông?
Thứ nhất, đưa các doanh nghiệp ngành gỗ ra khỏi danh sách rủi ro cao và có thể hậu kiểm khi doanh nghiệp đã có hợp đồng xuất khẩu, hàng hoá sản phẩm đã được thông quan và có thông báo của ngân hàng là được thanh toán tiền thì có thể hoàn thuế. Có thể kiểm tra ngẫu nhiên và kiểm tra nhiều hơn khi có nghi ngờ dấu hiệu vi phạm, gian lận.
Thứ hai, tiền thuế giá trị gia tăng thực ra là tiền của doanh nghiệp, khi xuất khẩu thì được giữ lại sau đó hoàn lại. Trong bối cảnh như hiện nay đề xuất bỏ thuế giá trị gia tăng, có nghĩa doanh nghiệp không phải đóng thuế và cũng không được hoàn.
- Vậy kinh nghiệm về quản lý rủi ro cần như thế nào khi đề xuất chuyển ngành gỗ ra khỏi danh sách rủi ro cao và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, thưa ông?
Do chuỗi cung ứng ngành gỗ rất khó, rất nhiều F1, F2, F3….đến người nông dân. Cho nên, nếu tổ chức lại theo hướng tất cả doanh nghiệp phải tổ chức lực lượng chuyên trách đến từ nhà dân để thu gom và chế biến, sơ chế… rất tốn kém và làm giảm sức cạnh tranh của ngành công nghiệp gỗ. Cho nên, cách làm hiện nay là tạo ra nhiều việc làm và chi phí thấp. Rất nhiều thương lái làm theo thời vụ, họ có đội quân phân bố khắp nơi, sâu sát với nông dân và họ có thể hỗ trợ cho nông dân bằng dịch vụ chặt, hạ rừng trồng mà nông dân đã trồng. Sau đó đưa ra bến bãi tập kết, sơ chế cho các doanh nghiệp, cuối cùng nhập cho doanh nghiệp, đó là cách làm tốt và hiệu quả. Trong khi đó chúng ta vẫn đang loay hoay trong chuyện truy xuất đến tận nơi, tận rừng, điều này là không cần thiết.
- Thưa ông, đâu là khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp ngành gỗ những tháng cuối năm 2023?
Khó khăn lớn nhất vẫn là doanh nghiệp chưa có đầu ra, đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các ngành hàng của Việt Nam. Tuy nhiên chúng ta cũng không nên quá bi quan, chúng tôi cũng hi vọng thời gian tới với sự “ấm” dần lên của thị trường thì doanh nghiệp gỗ cũng đang “chờ thời” do đó sẽ tiếp tục phát triển.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng nhu cầu gỗ trên thị trường toàn cầu vẫn là nhu cầu rất lớn, tăng trưởng sức mua toàn cầu khoảng 7%/năm. Hiện nay thị trường toàn cầu là 560 tỷ USD và dự báo đến năm 2030 là 960 tỷ USD và Việt Nam mới chỉ chiếm 5-6% do đó còn nhiều dư địa. Mặc dù còn khó khăn nhưng tôi muốn nhấn mạnh khó khăn này có thể chỉ là nhất thời do ảnh hưởng từ kinh tế thế giới bên ngoài, còn doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã có sự tôi luyện và có kinh nghiệm phát triển liên tục trong 15 năm qua, nhất định sẽ lấy lại đà tăng trưởng.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm