Điều gì nhà đầu tư quan tâm nhất ở các dự án khởi nghiệp?

Theo kinhtedothi 17/09/2021 05:19

Không phải là ý tưởng sáng tạo hay kế hoạch kinh doanh bài bản, điều mà các nhà đầu tư quan tâm đầu tiên chính là tố chất những người sáng lập dự án.

Do đó, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là rất cấp thiết.

Ý tưởng, kế hoạch kinh doanh hay nhân sự cao cấp?

Theo Giám đốc nhân sự tập đoàn FPT Chu Quang Huy cho biết, đối với các dự án khởi nghiệp, yếu tố con người còn chiếm đến 90% thành công. Không phải là ý tưởng sáng tạo hay kế hoạch kinh doanh bài bản, điều mà các nhà đầu tư quan tâm đầu tiên chính là tố chất những người sáng lập dự án. Do đó, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là rất cấp thiết.

 Tăng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu số hóa là một trong những điều kiện để các Dự án khởi nghiệp thành công

Tăng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu số hóa là một trong những điều kiện để các Dự án khởi nghiệp thành công.

Đại diện FPT cũng chỉ ra những hạn chế trong nguồn nhân lực dành cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Hà Nội. Đó là số lượng lao động được qua đào tạo nhiều nhưng tay nghề chưa cao, thiếu kỹ năng ứng dụng thực tế. Bên cạnh đó, hoạt động liên kết giữa DN với các cơ sở giáo dục, trường học, viện nghiên cứu, trường đại học còn hạn chế; hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, dẫn tới hạn chế trong việc khai thác nguồn nhân lực đã qua đào tạo chưa phát huy hiệu quả.

Từng là founder ở Sillicon Valley (Mỹ) với AgaMatrix (startup có doanh thu gần 100 triệu USD) bà Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc tài chính AREVO, đồng sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Alasbaster cho rằng, ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang có lợi thế rất lớn về nguồn nhân lực trình độ kỹ thuật cao và nhân lực cơ bản, tuy nhiên chưa có cơ chế khai thác thế mạnh này. Theo bà Trang, để nguồn nhân lực Việt thực sự tạo lợi thế trong nước và quốc tế, cần có hệ thống cố vấn đưa ra định hướng và tận dụng cơ hội phát triển. Đồng thời phía chính quyền cần có cơ chế chính sách đồng bộ, tạo điều kiện phát triển DN khởi nghiệp do người Việt sáng lập tại Việt Nam và quốc tế.

Thẳng thắn nhìn nhận về nguồn nhân lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) Lê Văn Quân cho biết, hiện toàn TP có khoảng 26 tổ chức là các vườn ươm DN, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, không gian hỗ trợ khởi nghiệp, song chỉ có một số ít đơn vị thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và ươm tạo DN bài bản. Đây là một trong những lý do khiến nhân lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại TP còn thiếu và yếu. Mặt khác, các đơn vị này cũng hoạt động đơn lẻ, thiếu liên kết.

Tăng đào tạo nguồn nhân lực số hóa

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) thông tin, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP giai đoạn 2019-2025”, vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo được hết sức quan tâm. TP đã triển khai chương trình “Hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP”, trong đó đào tạo kiến thức chuyên môn sâu và trải nghiệm thực tế với thời lượng thực hành tương tác cao cùng với các chuyên gia và doanh nhân thành đạt trong nước, quốc tế trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chương trình giúp học viên phát triển tư duy, kỹ năng và thực hành kiến thức chuyên sâu và ứng dụng các công cụ khoa học về đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số 4.0. Chỉ riêng năm 2020, TP đã bố trí khoảng 20 tỷ đồng để triển khai các nhiệm vụ, trong đó có chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo.

Tuy nhiên, TS Đỗ Hồng Cường (trường Đại học Thủ đô Hà Nội) cho rằng, việc giáo dục sớm để hình thành lớp công dân số mới chính là giải pháp căn cơ. Theo đó cần đưa nội dung phổ cập kỹ năng số vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số. Từ đó hình thành nhận thức về chuyển đổi số và trang bị hành trang vững chắc cho các tương lai của đất nước bước vào cuộc cách mạng số. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các trường Đại học/Cao đẳng/Trung cấp triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn về công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Mặt khác, cần thúc đẩy hoạt động liên kết giữa DN trong lĩnh vực Công nghệ thông tin với các Viện nghiên cứu/trường học.

Đồng quan điểm này, TS Trần Thị Minh Trâm – Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, để nguồn lực đang trong thời kỳ dân số vàng không mơ hồ về định hướng nghề nghiệp hay thiếu kiến thức thực tế, kỹ năng hành nghề, thì công tác hướng nghiệp, đào tạo cần thực sự gắn chặt với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Và đẩy mạnh hơn nữa những mô hình giáo dục chuyên nghiệp và bài bản. Cần phát triển các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và các trung tâm nghiên cứu và hợp tác nhằm thúc đẩy các công trình nghiên cứu ở các trường đại học, các viện nghiên cứu và đào tạo các sinh viên tốt nghiệp có kinh nghiệm làm việc tử thực tiễn, tăng cường liên kết với các trường đại học trong và ngoài nước để học hỏi, trao đổi chuyên môn, mời các chuyên gia về khởi nghiệp đến để chia sẻ kinh nghiệm. Đưa vào chương trình đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các trường cần thành lập trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ và sản xuất, thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ.

https://kinhtedothi.vn/dieu-gi-nha-dau-tu-quan-tam-nhat-o-cac-du-an-khoi-nghiep-434896.html

Có thể bạn quan tâm

  • Khóa Đào tạo cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tạo tác động xã hội

    Khóa Đào tạo cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tạo tác động xã hội

    10:50, 09/09/2021

  • Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - tạo tác động xã hội

    Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - tạo tác động xã hội

    09:49, 06/09/2021

  • Lễ khởi động dự án “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021”

    Lễ khởi động dự án “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021”

    09:23, 31/08/2021

Theo kinhtedothi