Nhà đầu tư dựa vào đâu để quyết định rót vốn vào startup ở giai đoạn đầu?
Nhiều nhà đầu tư đều đồng ý, con người là yếu tố hàng đầu để ra quyết định rót vốn vào những startup đang chập chững phát triển.
>>Công ty khởi nghiệp PropertyScout huy động thành công 5 triệu USD
Với các nhà đầu tư hay startup, câu chuyện định giá khi gọi vốn không còn quá xa lạ. Những dữ liệu định giá phổ biến thường được dùng gồm doanh thu, biên lợi nhuận, số lượng khách hàng, chi phí để có được một khách hàng... Sau này, khi công ty phát triển ở giai đoạn muộn hơn, báo cáo tài chính là phần không thể thiếu để phân tích mức định giá.
Tuy nhiên, với những nhà đầu tư rót vốn từ giai đoạn rất sớm và các chỉ số nói trên còn chưa rõ ràng, yếu tố quan trọng nhất để quyết định chính là con người, hay nói cách khác là nhà sáng lập và đội ngũ triển khai của startup.
“Thường với các startup ở giai đoạn sớm, các con số đều không có gì cả, thì tài sản lớn nhất của họ là con người. Chúng tôi sẽ xem mức độ cam kết của các thành viên sáng lập với dự án thế nào, mối quan hệ giữa họ ra sao, lý do tại sao họ làm mô hình này,…”, ông Phạm Ngọc Huy, Giám đốc điều hành quỹ Lotte Ventures tại Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm “Định giá startup và hoạt động M&A của doanh nghiệp”, do quỹ BK Fund tổ chức.
Ông Huy cho biết ông thường tiếp cận với startup thông qua tối thiểu 3 vòng, từ đó mới nghĩ đến mức định giá phù hợp.
Vòng đầu tiên là vòng tìm hiểu thông tin, hồ sơ dự án để hiểu bức tranh tổng quan xem startup là ai, startup đang làm gì cũng như các vấn đề về sản phẩm, về dòng tiền hiện tại ra sao.
Trong vòng tiếp theo, nhà đầu tư sẽ cần có một buổi nói chuyện riêng với những người sáng lập, để trực tiếp đánh giá kỹ năng của họ cũng như mối quan hệ giữa họ với nhau.
Ở phần này, vị đại diện quỹ Lotte Ventures cho biết từng đầu tư vào một startup khả thi, thậm chí tốt nhất trong năm đó (mỗi năm Lotte Ventures rót vốn từ 10-15 startup). Tuy nhiên trong dự án này, hai nhà sáng lập là hai người yêu nhau. Về sau khi mối quan hệ cá nhân tan vỡ, cả hai người đều quyết định rút khỏi dự án mà không muốn tiếp tục, dù đó là công ty phát triển rất tốt và những nhà đầu tư đã hết lời khuyên nhủ. Nhà đầu tư cuối cùng là người chịu thiệt hại.
“Nhìn vào nhà sáng lập tốt, đội nhóm tốt vẫn chưa đủ. Có những mối quan hệ bên trong ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển công ty sau này mà nhà đầu tư cần xem xét kỹ”, ông Huy nhìn nhận.
Sau khi trải qua 2 vòng đầu tiên, nhà đầu tư mới đi đến bước cuối cùng là thẩm định lại các con số do startup đưa ra.
Vị đại diện quỹ Lotte Ventures cho biết hiện nay, nhiều nhà sáng lập có kỹ năng trình bày và thuyết phục tốt, nên để hạn chế rủi ro về phía nhà đầu tư, ông sẽ tiến hành thêm một bước nữa. Cụ thể, sau khi ký hợp đồng, quỹ sẽ làm việc trực tiếp cùng startup trong vòng 1-2 tháng, để xem những gì startup trình bày có đúng không. Nếu đúng, lúc này nhà đầu tư mới tiến hành giải ngân.
Đồng quan điểm với ông Huy, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Quỹ BK Fund, khẳng định dù nhà đầu tư rót vốn vào startup hay các doanh nghiệp đã hoạt động, con người vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu cần xem xét.
Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Đoàn cho biết ngay tại một số công ty của người Hoa ông từng có cơ hội tiếp xúc, họ còn có trợ lý phụ trách việc xem tướng, để ý cách một người đi đứng, nói năng xem thế nào.
Với các công ty của châu Âu hay Nhật Bản, họ không xem tướng nhưng cũng tìm cách gặp gỡ nhiều lần, ví dụ gặp trong công việc, trong cuộc sống, trên sân golf, mời đi ăn, đi chơi,..để tất cả những chi tiết đời thường của một người sẽ bộc lộ rõ ra ngoài.
“Suy cho cùng con người vẫn là quan trọng nhất. Hợp đồng mua bán rồi các điều khoản này nọ, có dài 50-100 trang cũng không là gì nếu người ta không có ý thực thực hiện. Quan trọng vẫn là con người thôi”, Chủ tịch quỹ BK Fund nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm