Nông nghiệp Bến Tre: Xây dựng chuỗi giá trị

Thùy Linh 01/11/2019 16:44

Tỉnh Bến Tre đã xác định doanh nghiệp là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và có vai trò mấu chốt để hoàn thiện và phát triển chuỗi giá trị nông sản.

Theo ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám Đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Bến Tre, xác định nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, từ cuối năm 2013, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Đề án 6227/ĐA-UBND về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

p/Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT thăm HTX Bưởi da xanh.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT thăm HTX Bưởi da xanh.

Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm

Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn Bến Tre đã có sự đổi thay rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản suất khu vực I trong giai đoạn 2013-2018 đạt bình quân 4,59%/năm. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác giai đoạn 2013-2018 không ngừng tăng lên, đời sống người dân được nâng cao.

Chuyển dịch cơ cấu nông - lâm thủy sản trong cơ cấu chung của tỉnh Bến Tre có nhiều chuyển biến tích cực, theo hướng giảm dần cơ cấu nông, lâm, thủy sản từ 40,79% giảm còn 34,56%. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao hiện nay tăng diện tích khá mạnh như sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, đến cuối năm 2018 diện tích sầu riêng 2.216 ha, chôm chôm 5.330 ha, bưởi da xanh 8.824 ha, cây giống trên 1.234 ha. Nhiều mô hình sản xuất cây giống đạt giá trị sản xuất cao từ 1 - 1,5 tỉ đồng/1 ha...

Ông Huỳnh Quang Đức cho biết, thời gian qua tỉnh đã tập trung xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Đến nay, đã có hơn 6.597 ha cây ăn trái và dừa được công nhận GAP và hữu cơ. Chuỗi giá trị sản phẩm dừa, bưởi da xanh, nhãn, con bò được hình thành và có chiều hướng phát triển tốt.

Cùng với việc lồng ghép một số chương trình khác để hỗ trợ việc xây dựng chuỗi như Chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đẩy mạnh hỗ trợ, triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý dùng cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh. Đến nay, các sản phẩm bưởi da xanh, dừa xiêm xanh… được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý; Nhiều sản phẩm, hợp tác xã được cấp chứng nhận Nhãn hiệu tập thể như: Hợp tác xã sản xuất bánh phồng Sơn Đốc; Sản xuất tôm khô An Thủy; sản xuất cá khô An Thủy; Sản xuất cá khô Bình Thắng; Bó chổi cọng dừa; Bó ghỗi Mỹ An; Bánh tráng Mỹ Lồng…

p/Mô hình nuôi tôm công nghệ cao đang được nông dân Bình Đại đầu tư đạt hiệu quả cao.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao đang được nông dân Bình Đại đầu tư đạt hiệu quả cao.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ đã nghiên cứu theo hướng chuỗi giá trị, đem lại kết quả khả quan, như: Chuyển giao nhân giống các giống bò ngoại nhập có năng suất cao, quy trình ủ lên men thức ăn cho bò thịt giúp tăng trọng nhanh, hiệu suất sử dụng thức ăn cao; Nghiên cứu thử nghiệm ngư cụ khai thác mực bằng câu văng cho ngư dân các huyện biển; Đẩy mạnh ứng dụng biện pháp sinh học trong phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa, giai đoạn 2017-2020; Xây dựng mô hình lúa sạch tại Thạnh Phú... Phối hợp với các địa phương triển khai các mô hình phát triển sản xuất trên các loại cây ăn trái như bưởi da xanh, chôm chôm, dừa, rau màu,… Trong đó, tập trung đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, mô hình trồng cây chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả trong điều kiện ảnh hưởng hạn, mặn; xây dựng theo hướng sạch, VietGap...

Có thể bạn quan tâm

  • Bến Tre kiến tạo môi trường đầu tư - phát triển kinh tế: Khơi thông quỹ đất sạch

    Bến Tre kiến tạo môi trường đầu tư - phát triển kinh tế: Khơi thông quỹ đất sạch

    17:14, 01/11/2019

  • Bến Tre kiến tạo môi trường đầu tư - phát triển kinh tế: Ngôi nhà chung của doanh nghiệp

    Bến Tre kiến tạo môi trường đầu tư - phát triển kinh tế: Ngôi nhà chung của doanh nghiệp

    17:09, 01/11/2019

  • Thành phố Bến Tre: Khởi sắc trong thu hút đầu tư

    Thành phố Bến Tre: Khởi sắc trong thu hút đầu tư

    17:05, 01/11/2019

  • Giao thông Bến Tre: Chủ động trong liên kết vùng

    Giao thông Bến Tre: Chủ động trong liên kết vùng

    16:54, 01/11/2019

Hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Tính đến nay, toàn tỉnh có 451 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 17% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chiếm 30% tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là con số khá khiêm tốn so với kỳ vọng, mục tiêu của tỉnh trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Ông Đức cho biết, nông nghiệp được xác định là ngành kinh tế chủ lực. Song, xét về mức độ đầu tư của doanh nghiệp vào sản xuất là chưa đạt yêu cầu. Đến tháng 9/2018, giá trị sản xuất của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 17% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp. Đóng góp nguồn thu ngân sách của doanh nghiệp nông nghiệp chiếm khoảng 9% so với tổng thu doanh nghiệp toàn tỉnh.

Với mong muốn tạo chuyển biến mang tính đột phá nhưng bền vững trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, mới đây, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách mới từ Nghị định số 57/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thay thế Nghị định số 210. Đây được xem là tín hiệu vui cho các nhà đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời mở ra thêm nhiều cơ hội cho tỉnh Bến Tre mời gọi đầu tư.

Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh, bên cạnh việc triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Bến Tre đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư như: chính sách khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh; chính sách khuyến khích đầu tư vào hạ tầng khu, cụm công nghiệp; chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực xã hội hóa; đặc biệt là chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

UBND tỉnh Bến Tre cũng đã đề ra nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới. Trong đó, tăng cường đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; áp dụng công cụ, mô hình cải tiến năng suất chất lượng. Bên cạnh đó, hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở, đăng ký mã số, mã vạch, ghi nhãn hàng hóa, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ; đổi mới công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực nông nghiệp...

Đồng thời, UBND tỉnh tiếp tục triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ. Qua đó, khuyến khích các tổ chức tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi của ngành ngân hàng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các mô hình liên kết, chuỗi giá trị, khuyến khích đầu tư vốn cho các dự án thân thiện với môi trường...

Thùy Linh