Quảng Ninh sẽ xây dựng đề án bứt phá kinh tế cảng biển
Đây là chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tại cuộc họp đánh giá công tác quản lý Nhà nước về kinh tế cảng biển - hàng hải trên địa bàn.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quảng Ninh hiện có 14 bến cảng, 9 bến thuỷ nội địa, 16 điểm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu được đầu tư đồng bộ về trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, như: Trung tâm logistics Cái Lân-VOSA; Cảng cạn ICD Thành Đạt gắn với địa điểm xuất hàng Km3+4 Thành Đạt; Trung tâm logistics thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn.
Đến nay có 194 doanh nghiệp đang hoạt động dịch vụ bốc xếp hàng hoá, kho bãi và lưu giữ hàng hóa; có 4.520 doanh nghiệp đang hoạt động dịch vụ logistics liên quan đến vận tải và có 19 kho ngoại quan lưu giữ hàng hóa...
Cũng theo Sở KHĐT, năm 2017, kim ngạch XNK qua địa bàn tỉnh đạt trên 10 tỷ USD, thu nộp NSNN qua các cảng biển đạt 10.300 tỷ đồng. Từ 01/01/2018 đến hết ngày 15/05/2018, kim ngạch XNK qua địa bàn tỉnh đạt trên 4,3 tỷ USD, số thu nộp NSNN qua các cảng biển đạt trên 3.000 tỷ đồng.
Kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng xăng dầu, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất dầu thực vật, sắt thép phế liệu, lúa mỳ đạt 636 triệu USD. Hàng xuất khẩu chủ yếu là dăm gỗ, than, quặng, clinker, xi măng, đá vôi, thạch cao đạt trên 636 triệu USD.
Tuy nhiên, đây đều là những mặt hàng truyền thống. Những mặt hàng mới thì các cảng biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chưa thu hút được như hàng bách hóa, ô tô, phụ tùng linh kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất lắp ráp. Một trong những nguyến nhân được chỉ ra là, cơ sở hạ tầng tại một số cảng biển còn yếu kém không đáp ứng được nhu cầu XNK đối với các mặt hàng trên.
Ông Trần Nam Trung, Phó Tổng Giám đốc cảng CICT cho biết, hoạt động hàng hải tại cảng biển Quảng Ninh tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: hiện nay, đoạn luồng hàng hải Hòn Gai – Cái Lân có độ sâu không đều, đây là điểm hạn chế trong tiếp nhận các tàu container cỡ lớn ra, vào cảng Quảng Ninh; việc xây dựng cảng biển Quảng Ninh thành đầu mối XNK hàng hóa đi các tỉnh phía Bắc cũng bị hạn chế khi dự án đường sắt từ Cái Lân đi Kép bị dừng, tuyến đường dang dở.
“Bãi đỗ xe trong cảng không đủ đáp ứng số lượng xe quá lớn hiện nay, đã rất nhiều lần xảy ra tình trạng ùn tắc cả tiếng đồng hồ làm chậm trễ rất nhiều chuyến hàng của DN. UBND tỉnh cần bố trí kinh phí đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp Cái Lân như sửa chữa tuyến đường nội bộ khu công nghiệp; đầu tư bãi đỗ xe chờ làm hàng rộng rãi, thuận tiện, giao cho cảng quản lý, không thu phí để không làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp”, ông Trung kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi ngay từ biên giới
11:51, 01/10/2018
Giả danh nhà báo lừa đảo doanh nghiệp 1,9 tỷ đồng
09:26, 04/10/2018
Ai là nhà đầu tư cao tốc 11 nghìn tỷ Vân Đồn - Móng Cái?
00:38, 04/10/2018
Sẽ tiêu hủy các phương tiện, công cụ khai thác thủy sản trong vùng lõi di sản Hạ Long
16:00, 01/10/2018
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thẳng thắn nhận định, Quảng Ninh có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế cảng biển, hàng hải, tuy nhiên đến nay tỉnh vẫn chưa phát huy hiệu quả đối với lĩnh vực này.
Do đó, nhất thiết phải sớm xây dựng Đề án phát triển kinh tế dịch vụ cảng biển tỉnh Quảng Ninh, trình Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến để ban hành Nghị quyết chuyên đề.
Ông Long giao văn phòng UBND tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập tổ soạn thảo Đề án, trong đó ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng tổ Đề án, các thành viên bao gồm lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh và sự tham gia của các chuyên gia kinh tế đầu ngành.
“Tổ Đề án phải xây dựng được kế hoạch, lộ trình hoàn thiện Đề án trong năm 2018, đồng thời soạn thảo dự thảo Nghị quyết để Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo, đưa vào chương trình công tác của BCH Đảng bộ tỉnh trong quý I-2019”, ông Long yêu cầu.